NHÌN NHẬN, ĐÁNH GIÁ ĐÚNG THỊ TRƯỜNG

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều ngành kinh tế, song, đến thời điểm này, nông dân vẫn đứng vững. Ít xuất hiện cụm từ “giải cứu” nông sản trong đợt dịch thứ 2, cho thấy họ đã dần thích ứng với hoàn cảnh.

 

Làng rau Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền)

Trong rủi có may

Từ lâu, những trại rau sạch, an toàn ở các địa phương như Quảng Điền, Phong Điền, A Lưới… là nguồn sống của nhiều hộ dân. So với các tỉnh, thành khác thì quy mô không bằng và sức cạnh tranh không cao nhưng những làng rau này tạo điểm nhấn của địa phương, có nơi trở thành điểm đến du lịch nông nghiệp, tạo lợi ích kép.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 bùng phát, nông sản của người dân ít chịu tác động, trong đó một phần, chính nông dân đã bình tĩnh, tìm cách thích ứng phù hợp.

Bà Trần Thị Gái (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) cho hay, từ sau đợt dịch thứ 2 bùng phát, 4 sào rau của bà vẫn cho sản phẩm đều, không vì dịch mà rau của bà khan người mua. “Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu tiêu thụ ở các chợ địa phương. Một số ít được tiểu thương mua để bán lại tại các chợ khác. Trong đợt dịch này, mua bán vẫn bình thường, giá cả không quá ảnh hưởng”, bà Gái chia sẻ.

Những năm qua, tại Thừa Thiên Huế, ngoài lượng nông sản được cung ứng bởi các địa phương trong tỉnh thì một lượng lớn được nhập từ các tỉnh phía Nam. Điều này khiến sản phẩm của người dân một phần gặp khó khăn ngay trên sân nhà.

Khi dịch COVID-19 trở lại với tâm dịch ở Đà Nẵng, dù không đến nỗi ngăn sông cấm chợ nhưng việc giao thương hàng hóa ít nhiều bị trở ngại. Sản phẩm của nông dân bản địa vì thế được tiêu thụ mạnh hơn.

Chị Trần Thị Ly, tiểu thương ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) cho biết, nếu thời điểm bình thường, hàng đêm, nhiều xe hàng ở phía Nam nối đuôi nhau cung ứng nông sản cho nơi được xem là “dạ dày” của TP. Huế, song, trong những ngày dịch bệnh, lượng rau, củ quả được nhập về ít hơn. “Thông thường, tôi đặt rau, củ, quả ở đầu mối Đà Lạt, nhưng hiện phải lấy thêm sản phẩm của nông dân ở các điạ phương trong tỉnh mới đủ cung ứng cho thị trường”,chị Ly nói.

Không phủ nhận những khó khăn chung nhưng ngư dân, nông dân là hai đối tượng ít bị tác động. Nhiều người cho rằng, những sản phẩm của họ từ trước đến nay chỉ tiêu thụ nội tỉnh nên không bị động thị trường trong mùa dịch.

Thời điểm này, lúc mà dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều cơ sở chế biến từ sản phẩm nông sản đang ổn định lại hệ thống sản xuất, tạo sản phẩm cung ứng cho thị trường. Nhờ vậy, nông dân cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm trà rau má Quảng Thọ

Tạo kênh tiêu thụ tại chỗ

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn nhìn nhận, dịch bệnh khiến nhu cầu các sản phẩm nói chung giảm mạnh. Ngay trong nội tỉnh, do hoạt động giãn cách xã hội khiến nền kinh tế không năng động như trước. Nguồn cung các sản phẩm đang ổn nhưng nhu cầu thấp. Dù vậy, hoạt động sản xuất cũng phải duy trì, đặc biệt là nông sản.

Ông Sơn cho rằng, trước thực tế đó, xúc tiến là biện pháp khả dĩ nhất, song song với đó là việc nhìn nhận lại thị trường. “Ngoài những thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì nhiều tỉnh, thành nhu cầu của họ vẫn còn, do vậy muốn tiêu thụ sản phẩm thời điểm này cần xác định đúng hướng đi. Đồng thời, kích thích nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong tỉnh. Thay vì trước đây chúng ta nhập các loại nông sản từ các nơi khác thì bây giờ tại sao không tự mình sản xuất để rút nhanh kênh tiêu thụ tại chỗ. Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh, nông dân đang tỏ ra năng động hơn, đồng thời các cấp chính quyền cũng đã triển khai các kênh tiêu thụ thương mại điện tử và truyền thống. Chính những điều đó khiến tình hình cung cầu các sản phẩm nông sản đang được ổn định”, ông Sơn nói.

Ở bất kỳ sản phẩm nào, dẫu xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, ngoài việc tạo ra sản phẩm chất lượng cần khu biệt lại thị trường “lõi” trước khi tìm cách mở rộng.Nông sản tại Thừa Thiên Huế chưa có mặt hàng nào xuất khẩu và cũng chỉ tiêu thụ chủ yếu nội tỉnh.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh cho rằng, dù tiêu thụ trong tỉnh nhưng nếu nông dân biết kết nối, tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ góp phần giảm áp lực đầu ra, đồng thời tăng giá trị sản phẩm.

“COVID-19 ảnh hưởng cả nước và ở Thừa Thiên Huế, nông dân đang thích nghi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, họ tạo ra nhiều hình thức bán hàng để đến bây giờ, sản phẩm không bị tồn đọng như đợt dịch đầu năm. Song, về lâu dài, nông dân cũng cần tạo sản phẩm đáp ứng ngay tại thị trường nội tỉnh mà trước đây chúng ta phải nhập từ các tỉnh, thành bạn…”, ông Khoa chia sẻ.

Thừa Thiên Huế online