HUẾ MÃI ẤM HƠI NGƯỜI

Cố đô Huế là vùng đất lịch sử giàu bản sắc văn hoá, với nhiều di tích, di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Bên cạnh những di tích thuộc quần thể cố đô Huế, các di tích lịch sử cách mạng, còn một nhóm di tích không thể không nhắc đến đó là những di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ những kỷ niệm thuở thiếu thời trong khoảng thời gian 10 năm Bác Hồ sống tại Huế.

Nằm tại số 112 (nay là 158) Mai Thúc Loan, thuộc phường Thuận Lộc, TP. Huế là ngôi nhà lưu niệm của gia đình Bác Hồ trong quãng thời gian từ 1895 - 1901. Ngôi nhà này không chỉ là nơi chất chứa biết bao kỷ niệm của gia đình Bác Hồ mà còn nhận được những tình cảm tốt đẹp của người dân cố đô Huế bấy giờ. Bởi trải qua biết bao khó khăn, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng khiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Đặc biệt ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).

hue mai am hoi nguoi

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo cao cấp của Chính phủ gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các Bộ, ngành đã có chuyến thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm Bác Hồ, địa chỉ 112 (nay là 158) Mai Thúc Loan, TP. Huế, Thừa Thiên Huế vào tháng 9/2019

Nằm cách TP. Huế gần 7km về phía Đông là làng Dương Nỗ, thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi là nơi Bác Hồ đã sống từ năm 1898 - 1900, đây là quãng thời gian Bác Hồ theo cha về đây dạy học. Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung theo cha về đây một phần để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình, một phần để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người.

Chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh - thuyết minh viên Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế - thường có ca trực mỗi tuần tại nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, song chị vẫn không giấu được xúc động khi giới thiệu về di tích đến du khách. Chị Quỳnh chia sẻ: “Dù đã nhiều lần thuyết minh, giới thiệu đến du khách về các hiện vật, kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng lần nào mình cũng có cảm xúc dâng trào, nhất là vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Bởi trên hết đó chính là lòng biết ơn vô hạn về sự hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mà Người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời”.

hue mai am hoi nguoi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại chuyến thăm và dâng hương nhà lưu niệm Bác Hồ vào tháng 9/2019

Bà Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế - thông tin: Ngoài di tích nhà lưu niệm Bác Hồ tại 2 địa chỉ trên, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Huế là hệ thống di tích lưu niệm về Người vô cùng quý giá. Đó là các di tích chợ Xép, miếu Âm Hồn, Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc học, địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ, địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan… Nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trân trọng gìn giữ, trùng tu tôn tạo. Hiện Sở Văn hóa thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện các bước đầu tiên để chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt nhằm phát huy giá trị của cụm di tích này.

Theo thống kê, ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người như: Di tích Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Di tích toà Khâm sứ Trung Kỳ, Trường Quốc học Huế, nơi an táng thân mẫu Bác Hồ - bà Hoàng Thị Loan... Về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, cũng như Thừa Thiên Huế với Bác Hồ.

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống. Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào và là tài sản vô giá cho mảnh đất và con người xứ Huế. Những địa điểm di tích này thu hút đông đảo nhân dân mỗi khi đến Huế, cũng là nơi để người dân Cố đô Huế viếng thăm mỗi khi nhớ đến Người.

Theo Báo Công Thương