CHUYỆN VỀ NHÀ BÁO NGHIỆP DƯ “U 100” TRÊN ĐẤT HUẾ

Đó là ông Nguyễn Xuyến, ở tại kiệt 65 đường Phan Bội Châu, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) bén duyên với nghề viết báo ròng rã hơn 40 năm qua. Năm nay, ông đã 99 tuổi nhưng vẫn say sưa, miệt mài viết báo. Với nhà báo nghiệp dư Nguyễn Xuyến, đọc báo, viết báo đã trở thành thói quen như cơm ăn, nước uống mỗi ngày.

40 năm cầm bút, có hơn 3.000 bài báo

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Bình Định, 13 tuổi, Nguyễn Xuyến được gia đình cho ra Huế học, rồi ra miền Bắc làm việc, đến ngày đất nước thống nhất, ông trở lại Huế và gắn bó với mảnh đất núi Ngự sông Hương cho tới hôm nay.

Điều đáng nói là, Nguyễn Xuyến chưa bao giờ trải qua lớp đào tạo về báo chí, và ông chưa hề tốt nghiệp trường đại học nào, vậy mà ông vẫn rất thành công khi làm việc và công tác trong nhiều ngành, nghề khác nhau: Kế toán trưởng, quản lý doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là viết báo. Ông kể: “Khi còn làm Phó giám đốc Công ty vận tải ô tô số 3, tôi viết báo chỉ nhằm mục đích duy nhất là quảng bá hình ảnh doanh nghiệp mà tôi đang quản lý. Sau đó, tôi chuyển sang viết cho toàn ngành giao thông vận tải mà tôi đang công tác”.

Công tác ở một ngành nghề chẳng liên quan gì đến việc viết lách, ấy vậy mà ông Xuyến lại dành tình yêu và niềm say mê đặc biệt cho cái nghề tay trái của mình. Tự học, tự mày mò đọc một số sách, báo hướng dẫn về nghiệp vụ báo chí để “hành nghề”. Lúc đầu ông chỉ viết tin, bài cho đài phát thanh, truyền thanh trong tỉnh Bình Trị Thiên, rồi dần dà ông gửi bài cho báo in khắp các tỉnh, thành phố trong nước.

Chuyện về nhà báo nghiệp dư “U 100” trên đất Huế

Nhà báo nghiệp dư Nguyễn Xuyến bên chiếc máy tính quen thuộc. 

Năm 1986, Nguyễn Xuyến nghỉ hưu. Vậy là ông dồn toàn bộ thời gian, tâm huyết vào nghiệp viết như một cái duyên đã ăn sâu vào máu thịt. Ông viết đủ đề tài, về những gì xảy ra trong cuộc sống. Đặc biệt, nhà báo nghiệp dư này rất thành công ở các chủ đề về xây dựng Đảng, về Bác Hồ, về các sự kiện trong năm… Cẩn trọng, nghiêm túc trong từng con chữ, câu văn, mỗi bài báo của ông là một bài chính luận chứa đựng những trăn trở, suy ngẫm, bình luận sâu sắc, thấu tình, đạt lý. Bài viết của Nguyễn Xuyến luôn mang tính thời sự, kịp thời và rất đúng thời điểm, vì thế, các tờ báo, các tạp chí, các đặc san… đã sử dụng đăng tải thường xuyên. Cái tên Nguyễn Xuyến “phủ sóng” rộng khắp với tần số xuất hiện dày đặc trên các trang báo khắp 63 tỉnh, thành phố. Nhà báo nghiệp dư xứ Huế Nguyễn Xuyến có hẳn một cuốn sổ ghi lại địa chỉ tòa soạn của tất cả các báo, đài, các bản tin, ấn phẩm, đặc san từ địa phương đến trung ương. Bài của ông được đăng trên Báo Nhân Dân, Báo An ninh thế giới, Công an nhân dân… Ngoài bút danh là tên thật, Nguyễn Xuyến còn lấy các bút danh khác như: Văn Chính, Chính Luận, Văn Luận, Văn Hóa… Những nhà báo chuyên và không chuyên trên đất Huế và nhiều tỉnh, thành phố khác thật sự “nể” sức viết của Nguyễn Xuyến. Đều đặn mỗi ngày ông ngồi vào bàn viết, rồi gửi, và dường như đều đặn mỗi ngày bài viết của ông đều xuất hiện trên các trang báo. Tết Mậu Tuất 2018, lúc này ông Xuyến đã 95 tuổi, vậy mà có đến 38 bài viết được đăng và Tết Kỷ Hợi 2019 có 31 bài xuất hiện trên các báo xuân và báo Tết… Có năm số tiền nhuận bút báo Tết của ông lên đến 25 triệu đồng.

Hơn 40 năm cầm bút, đến nay, nhà báo nghiệp dư sắp bước qua tuổi 100 đã viết được hơn 3.000 bài báo với nhiều đề tài, chủ đề khác nhau. Trong ngôi nhà của mình, ông dành hẳn một phòng để cất giữ những bài báo được đăng tải hơn 40 năm qua, và ông trân trọng những bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp, những phần thưởng của các báo đài tặng cho ông với danh hiệu cộng tác viên xuất sắc.

Không có thẻ nhà báo tác nghiệp, không công tác ở cơ quan báo chí nào, vậy mà cảm hứng, kỹ năng viết, lựa chọn bài cho từng tờ báo của ông thì quả là chuyên nghiệp. Điều thú vị ở nhà báo tự do Nguyễn Xuyến là tiền nhuận bút nhận được hơn 40 năm làm báo, ông đã chuyển hết vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng với con số “khủng” như là “của để dành”. Để làm nghĩa vụ thuế cho ngân sách nhà nước, Nguyễn Xuyến tự giác đến cục thuế tỉnh đăng ký mã số thuế. Có lẽ, ông là một trong số ít nhà báo ở nước ta hằng năm thực hiện việc nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền nhuận bút. Điều đó cho thấy, Nguyễn Xuyến là người sống thẳng thắn, chân thành và có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, xã hội.

Viết 220 bài báo về Bác Hồ

Nguyễn Xuyến nhớ rất kỹ những ngày lễ, những sự kiện trong năm. Ông lên lịch trước một tháng để viết các bài khác nhau cho ngày lễ sắp đến. Có bài thì ông tự viết và gửi, nhưng cũng không ít bài ông viết theo đơn đặt hàng của ban biên tập các báo.

Sở dĩ ông viết nhanh và viết kịp thời như vậy là bởi ngoài vốn sống, cộng với kinh nghiệm bao nhiêu năm đến với nghề báo thì phải kể đến kho tư liệu mà ông dày công tạo lập suốt mấy chục năm qua. Trong phòng viết báo của ông có tủ sách quý với bao nhiêu là đầu sách. Trong đó, nhiều nhất vẫn là những bộ sách về Đảng, chính trị, lịch sử, về các nhà văn hóa, các lãnh tụ cách mạng… Kho tư liệu của ông còn có hàng trăm tờ báo, tạp chí ông đặt mua, và báo biếu ngay từ những ngày đầu cầm bút. Đến các thư viện hay đi đâu, ở đâu, gặp được tư liệu quý là ông mượn về phô tô, ghi chép để cất giữ.

Để dễ tra cứu, lục lọi khi cần thiết, tài liệu của ông chia ra từng tập kẹp ba dây theo các chủ đề khác nhau. Có đến hàng chục tập kẹp được sắp xếp gọn gàng, ghi chép bên ngoài cẩn thận trong phòng tư liệu của ông. Nhờ vào nguồn tư liệu phong phú, nên ông Xuyến viết rất nhanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các báo.

Chuyện về nhà báo nghiệp dư “U 100” trên đất Huế
 Tác giả và nhà báo nghiệp dư Nguyễn Xuyến.

Lối viết ngắn gọn, tư liệu chính xác, tư duy nhạy bén và tính thời sự cao… vì thế rất nhiều bài viết của Nguyễn Xuyến được các báo, tạp chí, ấn phẩm chọn đặt ở trang đầu. Tôi thật khâm phục niềm say mê và bút lực dồi dào của Nguyễn Xuyến. Riêng ngày báo chí Cách mạng 21-6, ông có đến hơn 70 bài về lịch sử, lý luận báo chí, về cái tâm của người cầm bút…; có trên 40 bài viết về chân dung các nhà báo nổi tiếng… Đặc biệt, trong sự nghiệp viết báo của mình, Nguyễn Xuyến dành nhiều tâm huyết để viết về Bác Hồ kính yêu. Ông đã viết 220 bài báo về Bác Hồ với nhiều nội dung khác nhau: Tấm lòng, tư tưởng, phong cách… của Bác; hay Bác Hồ với các tầng lớp nhân dân; Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc; thơ văn của Hồ Chí Minh… Năm 2012, ông được Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tặng bằng khen vì đã có tác phẩm xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”. Những bài viết của Nguyễn Xuyến về Đảng, về Bác Hồ, về lịch sử dân tộc… có ý nghĩa sâu sắc đối với bạn đọc nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Một năm có rất nhiều sự kiện lịch sử, một tháng có nhiều ngày kỷ niệm… Làm sao để kịp thời hoàn thành những bài viết về các chủ đề, các ngày lễ, sự kiện mà các báo, các tạp chí yêu cầu. Vậy là giải pháp mà cộng tác viên Nguyễn Xuyến lựa chọn để khắc phục khó khăn này là thành lập cho riêng mình “Ngân hàng những bài báo được viết sẵn”. Nói về sáng kiến này, ông kể: “Tùy tư liệu nhiều hay ít, một đề tài có thể viết sẵn nhiều bài, khi cần bài nào thì mở laptop ra biên tập lại và kịp gửi cho các báo, tạp chí. Ví dụ, về Bác Hồ, tôi viết sẵn 60 bài, về xây dựng Đảng có trên 40 bài… Cho đến nay “Ngân hàng những bài báo được viết sẵn của tôi đã có gần 600 bài được lưu trong ổ đĩa máy tính và trong 3 cái USB”.

Về một kỷ niệm đáng nhớ với nghề báo, ông xúc động kể: “Năm 2002, trong những ngày cuối đời của nhà thơ Tố Hữu nằm ở bệnh viện, tôi đã dành mấy ngày đêm liền viết xong 6 bài về nhà thơ cách mạng quê ở xứ Huế đưa vào “Ngân hàng những bài báo được viết sẵn” của tôi. Không lâu sau đó, khi nhà thơ Tố Hữu qua đời, tôi chỉ biên tập lại các bài viết đó và gửi cho các báo kịp thời đăng tải trước ngày tổ chức Lễ tang của nhà thơ”.

Sắp bước qua tuổi 100, ông Xuyến vẫn say sưa nói chuyện lịch sử, bàn chuyện  đời, nói chuyện báo chí. Với ông, viết báo là niềm đam mê không thể dừng được khi còn sức lực. Hằng ngày, ông vẫn đọc báo, nghe đài và ngồi vào bàn tự đánh vi tính cho bài viết của mình, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo như những người trẻ. Ông đang ấp ủ dự định sang năm, tròn trăm tuổi, ông sẽ tuyển chọn 500 bài trong số hơn 3.000 bài báo đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, ấn phẩm trung ương và địa phương suốt hơn 40 năm cầm bút để in vào 5 cuốn sách như một món quà kỷ niệm gửi lại con cháu và những người mà ông yêu mến.

QĐND ONLINE