"GIẤC MƠ MỸ" ĐÃ HẾT THỜI

Nếu đến bây giờ có những ai đó vẫn coi Mỹ là đất nước của sự công bằng xã hội thì họ đã nhầm to. Chẳng có sự công bằng nào cả, kể cả lời nói. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ gia tăng với tốc độ lớn. Cuộc khủng hoảng chắc chắn đã ảnh hưởng đến những người dân bình thường của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong khi các triệu phú thì đang được chính phủ tích cực… trợ giúp.

Sự phân hóa giai cấp xã hội tăng lên

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ đang thực sự gia tăng. Theo ý kiến của các chuyên gia Ủy ban ngân sách Quốc hội Mỹ thì sự phân hóa giai cấp xã hội đang thúc đẩy sự tăng thu nhập không đồng đều trong suốt 30 năm qua. Thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Mỹ trong những năm gần đây tăng lên 40%, đối với người giàu tăng đến 65% trong khi với người nghèo chỉ tăng được 18%. Điều này dẫn đến thực tế là sự bất bình đẳng trong xã hội tăng lên, những người nghèo tham gia vào các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Đánh chiếm phố Wall”. Một số nhà phân tích gọi tình trạng này ở Mỹ là cuộc “Đại suy thoái thứ hai”.

Sự phân hóa xã hội ở Mỹ đã đạt đến ngưỡng tối đa. 20% số người Mỹ có thu nhập cao nhất trên 100 nghìn USD/năm lại nắm trong tay 49,4% tổng thu nhập của dân chúng, trong khi 20% những người không khá giả chỉ chiếm có 3,4% thu nhập. Như vậy, hệ số nhóm được tính bằng tỷ lệ của hai trị số là 14,5 / 0,9 – cao gấp đôi so với năm 1989 là năm được coi ở mức thấp nhất. Hiện nay hệ số này là 7,6%. Vẫn còn một chỉ số bất bình đẳng nữa là hệ số Gini – cũng thuộc mức kỷ lục. Trong số tất cả các nước phát triển phương Tây thì nước Mỹ đã được ghi nhận là có mức độ bất bình đẳng cao nhất. Số lượng các hộ gia đình nhận phiếu thực phẩm chỉ tính trong năm 2009 đã tăng thêm 2 triệu hộ, hiện đạt mức kỷ lục là 11,7 triệu/hộ. Hiện nay tại Mỹ cứ 10 hộ gia đình thì có 1 hộ được nhận mức hỗ trợ này. Cũng nên lưu ý một thực tế là: có 5% dân số giàu nhất ở Mỹ đang tăng mức thu nhập của mình, trong khi số nhóm có thu nhập trung bình (khoảng 50 nghìn USD/năm) đã giảm đáng kể.

Nguoi-bieu-tinh-ra-to-bao-(chiem-dong-pho-Wall)
Người biểu tình ra hẳn tờ báo “Chiếm đóng phố Wall”. Nguồn: Internet.

Chính quyền Mỹ trợ giúp… những người giàu

Sự bất bình đẳng xã hội bắt đầu phát triển nhanh chóng sau khủng hoảng. Tại thời điểm đó, chính quyền Mỹ có thể hỗ trợ người nghèo, song họ quyết định làm khác đi một chút. Ví dụ, trong thời gian khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ đã chi cho những gia đình có mức thu nhập trên 1 triệu USD/năm mức trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền lên tới 80 triệu USD. Các triệu phú nhận trợ cấp xã hội do bản chất của luật pháp Mỹ và hệ thống kiểm soát tình hình tài chính làm việc kém. Thực tế là mỗi hộ trong số gần 3.200 hộ gia đình Mỹ có tổng thu nhập hơn 1 triệu USD trong năm 2010 được nhận 12.600 USD trợ cấp thất nghiệp. Con số này nhiều hơn tổng thu nhập hàng năm của hơn 25 triệu gia đình ở Mỹ.

Có 33 hộ gia đình có thu nhập trên 10 triệu USD cũng nhận được khoản trợ cấp này. Những người rất giàu có vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp một phần bởi các chương trình xã hội của liên bang không đủ kinh phí để xác minh tình hình tài chính của những người được nhận hỗ trợ. Mà trong thời gian khủng hoảng, khi mà hàng chục triệu người Mỹ không có việc làm thì việc nhận trợ cấp đã trở thành sự cần thiết sống còn. Các cơ quan an sinh xã hội không có khả năng kiểm soát có hiệu quả tình hình tài chính của tất cả mọi công dân, vì thế mà đã để xảy ra tình trạng này. Nhận trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ thậm chí có thể có cả ông chủ ngân hàng phố Wall đã bãi nhiệm, mặc dù trước khi rời nhiệm sở ông ta đã được nhận vài triệu USD. Theo luật pháp của Mỹ thì trợ cấp thất nghiệp được chi trả tính theo số tiền đã thu được nhờ sự hỗ trợ thuế đối với tiền lương. Hầu hết các gia đình triệu phú đã nhận trợ cấp thất nghiệp, nhiều nhất là ở California (810 hộ). Tại New York, thủ đô tài chính Mỹ thì cũng có đến 610 hộ gia đình có thu nhập trên 1 triệu USD/năm được nhận hỗ trợ như trên.

Tuy nhiên, cho dù thực tế là như vậy nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng chương trình hỗ trợ thất nghiệp của Mỹ trong thời gian khủng hoảng là rất có hiệu quả. Ông Heidi Shirholts, chuyên gia kinh tế của Viện chính sách kinh tế cho biết, có 68% số hộ gia đình Mỹ có thu nhập dưới 50 nghìn USD/năm được nhận tiền trợ cấp, có 0,02% số triệu phú được nhận dưới dạng trợ cấp từ số tiền 150 tỷ USD dành cho chi trả phúc lợi trong năm 2010.

Các nhà kinh tế Mỹ đang tranh cãi kịch liệt: Ai là người có lỗi trong sự bất bình đẳng như vậy trong xã hội và làm thế nào để ngăn chặn sự gia tăng tình trạng này? Cứ mỗi đồng đô la ở Mỹ thì có 90% cent chảy vào túi của 1% số người giàu nhất ở Mỹ. Khoảng cách thu nhập của người nghèo và người giàu ở Mỹ đã biến nước Mỹ thành một nhà nước bị hạn chế về cơ hội. Con cái sinh ra trong các gia đình có thu nhập trung bình ở Mỹ chắc chắn sẽ có cuộc sống kém hơn thế hệ cha mẹ chúng. Hơn 20% trẻ em Mỹ sống trong nghèo đói. Trẻ em ở Canada, Đức, Pháp và Thụy Điển có cơ hội cuộc sống tốt hơn nhiều so với bạn đồng lứa ở Mỹ. Một nước Mỹ mới đang được nhìn nhận là có tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng ở mức phổ biến. Điều này chỉ ra rằng “giấc mơ Mỹ” đã hết thời: sẽ không còn là một đất nước có cơ hội bình đẳng, mọi thứ phụ thuộc vào tài sản và số tiền mà gia đình chi trả cho việc học tập của thế hệ sau.

Ý kiến của những người đoạt giải Nobel

Người đoạt giải Nobel là nhà kinh tế Joseph Stiglitz tin rằng sự bất bình đẳng đã trở thành một lực cản chính cho việc khôi phục kinh tế của nước Mỹ. Tầng lớp trung lưu rất yếu để có thể đảm bảo mức tiêu thụ cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định của đất nước. Từ năm 2010, có 93% mức tăng thu nhập thuộc về 1% những người Mỹ giàu có nhất. Tầng lớp trung lưu có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn là tiết kiệm thì có thu nhập thực tế thấp hơn trong năm 1996. Tầng lớp này sẽ không thể đầu tư vào tương lai nhiều hơn nữa. Việc phát triển doanh nghiệp mới và mở rộng doanh nghiệp sẵn có, chi trả cho giáo dục… đã không còn mang tính hiện thực. Tính chất yếu ớt của tầng lớp trung lưu đang làm giảm doanh thu thuế, bởi những người giàu tránh được gánh nặng thuế cao, và chính quyền buộc phải đổ thuế lên đầu những thành phần còn lại. Sự bất bình đẳng, theo thông lệ thường dẫn đến sự chu kỳ “tăng – giảm” thường xuyên hơn, và điều này làm cho nền kinh tế đất nước càng thêm mất ổn định và dễ bị tổn thương hơn.

Gần đây nhất, sự bất công xã hội như vậy đã được ghi nhận trước cuộc đại suy thoái, vì vậy không ai trong số các chuyên gia có thể đảm bảo rằng tình trạng này sẽ không bị lặp lại. Một nhà khoa học khác đoạt giải Nobel là Paul Krugman cũng nói rằng sự bất bình đẳng là một vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên ông không định bi kịch hóa tình hình và cố gắng thoát khỏi lý thuyết kinh tế quy chuẩn và khuôn sáo. Ông lập luận, ý kiến cho rằng tiêu dùng không thể phát triển bởi những người giàu có đang chi tiêu quá ít và những thành phần còn lại thì không có gì để chi tiêu, về cơ bản là không đúng. Những người giàu quả thật đang tiết kiệm nhiều hơn người nghèo, nhưng xem xét cận cảnh hơn thì đó là thống kê ảo. Sự tập trung tiền của vào một bộ phận dân cư nhất định, theo ý kiến của Paul Krugman trên thực tế không nói lên điều gì cả. Nhà khoa học này cũng cho rằng hệ thống thuế của Mỹ là không hoàn hảo, nhưng hoàn toàn chấp nhận được, do có sự khác biệt ở các thành phố và các tiểu bang. Ông cho rằng, tuyên bố về sự bất bình đẳng chỉ là nói theo quan điểm chính trị.

Nhưng nói gì thì nói, sự thể vẫn là như vậy. Trong một đất nước mà trước đây bất cứ ai có tài năng và mong muốn làm việc đều có thể đạt được đỉnh cao thì hiện giờ đang bị sự bất bình đẳng xã hội phá vỡ. Vì thế mà đã đến lúc cần phải quên đi “giấc mơ Mỹ” …
(Theo Pravda)

Bích Nguyễn