KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC CHUYẾN THĂM TRUNG QUỐC CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Lợi dụng chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc ngay sau khi Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa xong, một số báo đài, trang mạng chuyên chống phá Việt Nam liền xuyên tạc cho rằng Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc nên phải “Đi sứ thiên triều”, “Tiếp kiến chỉ thị” …

Những nhận định thiếu cơ sở đó phải được xem xét dưới góc độ tập quán ngoại giao quốc tế và mối quan hệ giữa 2 nước. Chuyến thăm lần này ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội lần thứ 20 và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn  Phú Trọng là lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam được Đảng bạn mời sang thăm thể hiện sự trân trọng, quan tâm đặc biệt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2017. Ảnh: dangcongsan.vn. 

Tầm quan trọng không chỉ là hòa bình, hữu nghị mà còn mở ra giai đoạn mới, cùng nhau hợp tác phát triển trên tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt”. Ông Tập Cận Bình mới đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 là sự kiện mới đặc biệt của Trung Quốc, việc mời lãnh đạo cao nhất Việt Nam là quốc khách thể hiện tín hiệu ưu tiên của trong chính sách ngoại giao nước này. Thông báo của Ban đối ngoại Trung ương Đảng ta nêu rõ: Chuyến thăm này nhằm tăng cường tin cậy chính trị, tránh những nhận định sai lầm không đáng có trong quan hệ 2 nước trên mọi lĩnh vực. Cách đây vài tháng, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu ở Mỹ khẳng định chính sách ngoại giao: “Việt Nam không chọn phe mà chọn lẽ phải”. Nội dung này sẽ là nguyên tắc thể hiện đường lối chủ động của Việt Nam với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

Cần nhắc lại sự kiện năm 2017, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức xong Đại hội lần thứ 19, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng là khách mời đến thăm Việt Nam đầu tiên sau đó chỉ nửa tháng. Nếu nói theo lý sự của những kẻ xuyên tạc thì Ông Tập cũng “đi sứ” sang để “tiếp kiến chỉ thị” với lãnh đạo Việt Nam hay sao? Nhận định hồ đồ này không che đậy được âm mưu của những phần tử “thiếu hiểu biết” nhằm chia rẽ, bôi nhọ lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam. Quan hệ Việt - Trung ngày nay đã khác xa thời kỳ phong kiến, cái gọi là “đi sứ” hay “thần phục” không còn như trước mà là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi.

Trong quan hệ với các nước lớn, không chỉ với Trung Quốc mà cả những nước khác, nhất là những nước có tiềm lực mạnh, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ quốc tế chúng ta cũng cần có những cư xử đúng mực trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau: “Tôn trong người là tôn trọng chính mình”, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Ông Tập đã đến thăm Việt Nam năm 2017 nhưng từ đó chưa có lãnh đạo cao nhất của chúng ta sang thăm, lần này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đáp lễ” cũng có nghĩa là thông lệ ngoại giao bình thường.

Trở lại lịch sử, tháng 11/1991, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, 2 bên đã nhất trí tuyên bố “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, thực hiện bình thường hóa 2 nước theo 4 nguyên tắc: “Độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Chuyến thăm lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là bước tiến mới, mở ra thời kỳ phát triển toàn diện, chiến lược trong quan hệ giữa 2 nước cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế và các mối quan hệ quốc tế khác.

Cũng có kẻ còn “khuyên” Việt Nam nên “thận trọng” trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, cố tình xuyên tạc chính sách “ngoại giao cây tre” ngả theo chiều gió của Việt Nam là hết sức phi lý. Lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu thì không có con đường nào khác, là vấn đề tất yếu trong giữ quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Những kẻ bên ngoài chỉ biết xuyên tạc, chia rẽ, kích động nhưng chúng không thể làm thay thế chính sách đối ngoại khôn ngoan của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” là điều mà chúng ta đang rất cần cho phát triển đất nước. Không thể xuyên tạc chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay.

PHƯỚC HÒA