LỄ HỘI HOÀNG MAI HUẾ LẦN THỨ I - 2023: HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH XỨ SỞ MAI VÀNG CỦA VIỆT NAM

Lần đầu tiên sẽ có Lễ hội Hoàng mai quy mô toàn quốc, nhằm hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Du khách thích thú khi hoa mai nở

Festival Huế năm 2023 đã chính thức được công bố. Theo đó, sẽ có hơn 50 chương trình, lễ hội chính cùng gần 100 hoạt động hưởng ứng, diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa: “Xuân Cố đô”, mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng”, “Huế vào thu” và “Mùa đông xứ Huế”. Lễ hội mùa xuân diễn ra tháng 1-3, với các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù như đã triển khai trong năm 2022. Đặc biệt, Lễ hội Hoàng mai quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Cố đô Huế.

Hoàng mai Huế (mai vàng) là loại hoa nổi tiếng và trở nên phổ biến trong đời sống. Rất nhiều nhà trồng mai vàng trước ngõ, tô điểm, làm đẹp thêm cho không gian vườn, không gian nhà. Hoa nở, ấy là sự nhắc nhớ, nhìn hoa để giữ lấy cốt cách, phẩm hạnh; ứng xử trong đời sống sinh hoạt thường nhật như ý nghĩa của loài hoa mang nhiều triết lý Á đông này. Nói đến mùa Xuân ở Huế là nghĩ đến cây mai vàng, bởi nó đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân.

Theo Trung tâm Festival Huế, Lễ hội Hoàng mai Huế lần thứ I – 2023 diễn ra từ ngày 9 – 19/1/2023 (nhằm ngày 18 đến 28 tháng Chạp Âm lịch), tại khu vực Công viên Thương Bạc. Việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật của người Huế trên vùng đất Cố đô và thương hiệu Hoàng mai Huế trong

dịp Tết đến Xuân về. Lễ hội này cũng nhằm nâng cao vị thế của Hoàng mai trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt; khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân, từ đó đưa phong trào "Mai vàng trước ngõ" trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình "Huế - Thành phố bốn mùa hoa" và tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.

Du khách đến Huế ấn tượng với hoa mai vàng

Cùng với đó, quảng bá hình ảnh Hoàng mai xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Hoàng mai Việt Nam. Bảo tồn, lưu giữ và phát triển giống cây Hoàng mai Huế; hình thành các điểm sản xuất giống Hoàng mai Huế, đáp ứng nhu cầu trồng mai ở địa phương hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Tạo sân chơi ý nghĩa để các chuyên gia, nghệ nhân, những người yêu thích nghệ thuật chơi mai có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp trồng, chăm sóc, cảm nhận về Hoàng mai qua cuộc thi và trưng bày, tạo tiền đề Lễ hội Hoàng mai cho những năm tiếp theo được tổ chức hàng năm mang tính truyền thống của địa phương.

Thông tin từ Ban tổ chức, lễ hội Hoàng mai có nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo. Nổi bật là hội thi các tác phẩm Hoàng mai đẹp, giá trị; không gian triển lãm, trưng bày; không gian giao lưu và trao đổi; không gian đấu giá… Lễ hội sẽ quy tụ nhiều nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố có phong trào phát triển mạnh với những tác phẩm Hoàng mai đặc sắc.

Trung tâm Festival Huế thông tin, những tác phẩm Hoàng mai Huế mang đến lễ hội là những tác phẩm tinh túy, đặc sắc nhất của mỗi nghệ nhân. Các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm của mình và có thể mua bán, trao đổi sản phẩm.

Đến với lễ hội, người chơi mai còn được các nghệ nhân hàng đầu trình diễn tay nghề và trao đổi kinh nghiệm sẽ giúp giới thiệu đến công chúng những kiểu thức mới lạ về nghệ thuật chăm sóc và tạo hình cho cây Hoàng mai. Đồng thời qua đó, các nghệ nhân cũng có dịp giao lưu, trao đổi được nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật chế tác cây Hoàng mai.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế chia sẻ, Festival Huế 2023 tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế và quảng bá điểm đến an toàn, thân thiện. Trong đó, phải kể đến lễ hội Hoàng mai lần đầu tiên tổ chức có quy mô toàn quốc sắp đến. Qua đó, tạo động lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

THỪA THIÊN HUẾ ONLINE