HAI CỔ VẬT QUÝ NHÀ NGUYỄN LÊN SÀN ĐẤU GIÁ PHÁP

Bảo vật nhà Nguyễn là chiếc ấn vàng được đúc vào năm 1823 dưới thời triều vua Minh Mạng (1820 - 1841) đang được một hãng đấu giá có trụ sở chính tại Pháp chuẩn bị đưa ra đấu giá. Thông tin này làm không chỉ giới văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỏ ra bất ngờ mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận bởi lẽ đây là vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam.

 

Thông tin về cổ vật ấn vàng triều Nguyễn được rao trên trang của hãng đấu giá MILLON

Ấn vàng có giá khởi điểm 48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng

Thông tin đấu giá được hãng đấu giá MILLON (trụ sở chính tại Paris, Pháp) công bố nhiều ngày qua trên trang web chính thức của hãng này. Trong số hơn 300 cổ vật được đưa ra đấu giá, có hai cổ vật nhà Nguyễn: Ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917 - 1925).

Thông tin về ấn vàng được mô tả rằng đây là kim ấn triều Nguyễn, được làm bằng vàng quý hiếm, đúc vào năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), gồm một đế vuông kép xếp chồng lên nhau. Kích thước của cổ vật cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng. Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng.

Mặt trên của ấn và hai bên quai ấn có khắc chìm hai dòng chữ Hán “Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chú tạo”, (tạm dịch: Đúc vào giờ lành ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân” (tạm dịch: Làm bằng vàng ròng, có trọng lượng 280 lạng, 9 tiền và 2 phân, tương đương với trọng lượng 10,7kg).

Phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo” (tạm dịch: Báu vật của Hoàng đế). Đây vốn là một trong những chiếc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho sắc phong quan trọng nhất.

Bát vàng thời Khải Định được đưa ra mức giá khởi điểm 20.000 - 25.000 Euro

Trong khi đó, bát vàng được mô tả mặt ngoài thân bát chạm trổ các đồ án: rồng mặt nạ, long hí thủy, hốt như ý và thủy ba văn. Lòng bát bọc khắc nổi ba đồ án lưỡng long triều thủy và khắc nổi bốn chữ Hán nổi “Khải Định niên tạo” ở chính giữa. Phía trên bọc một lớp thủy tinh màu nâu đậm. Mặt dưới đáy bát có khắc nổi bốn chữ Hán: “Khải Định niên tạo”. Bát có đường kính miệng là 10,4cm, cao 7cm, nặng 456,6g.

Mức giá khởi điểm được hãng đấu giá MILLON đưa ra cho kim ấn là 2 - 3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng) và bát vàng 20.000 - 25.000 Euro. Cả hai dự kiến sẽ được đưa ra đấu giá vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Có dễ hồi hương?

Theo giới chuyên gia, sưu tầm cổ vật ở Huế, cả hai cổ vật này có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng với Việt Nam. Vì thế nếu được “hồi hương” như nhiều cổ vật khác thì sẽ là điều đáng mừng. Nhưng khả năng “hồi hương” sẽ rất khó, bởi mức giá khởi điểm đấu giá được hãng đấu giá đưa ra quá cao. Chưa kể, một khi cả hai cổ vật được công bố đấu giá công khai thì giá sẽ diễn biến khôn lường, thậm chí mức giá gõ búa công nhận sẽ cao gấp nhiều lần.

Liên quan đến thông tin này, Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao. Công văn nêu rõ: Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), cựu hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.

Mặt trên của ấn vàng triều Nguyễn

“Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”, công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…). Ngoài ra, nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để “hồi hương” 2 cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, không riêng gì trung tâm, tỉnh mà các bộ ngành chức năng rất quan tâm về 2 cổ vật này sau khi hãng đấu giá ở Pháp công khai thông tin đấu giá.

“Hai cổ vật được đấu giá mang tầm quốc gia. Là công dân Việt Nam ai cũng mong muốn những giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước sẽ được quay về”, vị này nói và cho biết, tuy nhiên mức giá đưa ra là khá cao. Hiện trung tâm và các đơn vị liên quan cũng đang theo dõi sát diễn biến về cuộc đấu giá này.

THỪA THIÊN HUẾ ONLINE