GIỮ THƯƠNG HIỆU QUỐC TẾ CỦA FESTIVAL HUẾ

“Festival Huế 2022 sẽ có những thay đổi về quy mô, cách thức tổ chức, nhưng có một điều được Ban tổ chức (BTC) quyết tâm duy trì, đó là tính quốc tế của lễ hội”, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực BTC Festival Huế 2022 nhấn mạnh.

 

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, từ một lễ hội có 80 - 90 hoạt động, chương trình diễn ra trong một tuần lễ như các kỳ 2018 về trước, nay rút gọn khoảng 20 hoạt động, chương trình, nên về quy mô, tính sôi động sẽ giảm đi. Thay vào đó sẽ là những chương trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trau chuốt từng chi tiết.

Ông có thể giải thích vì sao số lượng các chương trình giảm như thế?

Với yêu cầu tiếp tục phát huy thành quả các kỳ festival vừa qua, từng bước phát triển mô hình festival mới, kết hợp truyền thống lẫn đương đại; có nhiều hình thức, nội dung làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, vừa phát huy được các giá trị di sản văn hóa đặc hữu, vừa tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, tạo sản phẩm du lịch suốt bốn mùa trong năm, nên UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tổ chức festival theo hướng bốn mùa.

Trước đây, các lễ hội, chương trình tập trung trong một tuần lễ. Điều này khiến người dân và du khách không thể xem được hết vì trùng nhau khung giờ tổ chức. Do đó, để phát huy tối đa sức hút, nhiều hoạt động, lễ hội hưởng ứng, như Festival Thơ, lễ hội Diều, Lễ hội Thiếu nhi, Festival Khoa học… được tách ra khỏi tuần lễ của festival và tổ chức vào những thời gian phù hợp bốn mùa trong năm. Đây sẽ là cơ hội để các lễ hội, chương trình đó nâng tầm thành một hoạt động có quy mô và tăng sức hút nhiều hơn.

Việc thay đổi hướng đến những mục đích gì, thưa ông?

Lễ hội bốn mùa sẽ xâu chuỗi, phân bố lại các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội dân gian, lễ hội cung đình và các lễ hội mới có chất lượng, quy mô tương xứng với tiềm năng, đặc trưng văn hóa tạo nên bản sắc của vùng đất Cố đô, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong một khung thời gian phù hợp, không dồn nén mà trải đều trong năm.

Ban tổ chức khẳng định, dù quy mô có giảm, song những thương hiệu cốt lõi của festival sẽ được duy trì và phát huy

Tổ chức các chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh. Tăng sức hút của điểm đến, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương, để Huế thật sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Riêng Festival Huế 2022 sẽ kế thừa thành quả các kỳ festival và nằm trong chuỗi của festival bốn mùa một cách phù hợp, làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội.

Quy mô, tính chất thay đổi, dư luận đang đặt câu hỏi liệu chăng những yếu tố làm nên thương hiệu cho 10 kỳ festival qua sẽ mất đi?

Khán giả có thể cảm thấy hụt hẫng trong tuần lễ tổ chức và cho rằng festival đang bị thụt lùi. Điều này là một thực tế. Như đã phân tích, nhiều lễ hội đã được tách ra khỏi tuần tổ chức festival. Tuy nhiên, một điều được khẳng định là những lễ hội được giữ và tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế 2022 được đầu tư rất lớn về chất lượng, các chương trình sẽ được trau chuốt, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Festival Huế 2022 sẽ là những tinh túy được chắt lọc và là hoạt động nổi bật, cao điểm trong tổng thể của festival bốn mùa.

Thương hiệu chính của Festival Huế gắn với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” là nơi tinh hoa nghệ thuật các nước trên thế giới hội tụ và giao thoa. Do đó, dù ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, song một điều chắc chắn Festival Huế 2022 sẽ có nhiều đoàn đoàn quốc tế tham gia. Hiện tại trong tổng số 17 đoàn của 16 quốc gia mà BTC mời tham gia thì có 8 đoàn xác nhận, số còn lại chờ đợi vé máy bay, và một số thủ tục ở nước sở tại.

Những lễ hội được tổ chức xuyên suốt các kỳ festival, như Lễ hội Áo dài, Lễ hội đường phố, Âm nhạc Trịnh Công Sơn… tạo nên thương hiệu festival. Đó cũng là “hồn cốt” của festival phải giữ lại và tiếp tục nâng tầm. Ngoài ra, nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, du khách trở thành chủ thể festival sẽ duy trì tổ chức để tạo không khí vui tươi, sôi động cho Huế.

Vậy những điểm nhấn quan trọng của Festival Huế 2022 là gì, thưa ông?

Festival Huế 2022 được tổ chức là sự thể hiện một nỗ lực và quyết tâm lớn của tỉnh, chuẩn bị cơ hội cho một năm mới với nhiều hy vọng mới về phát triển, nhất là văn hóa, kinh tế, du lịch, trong giai đoạn hiện nay. Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, các sự kiện trong khuôn khổ Festival Huế 2022 sẽ được tổ chức theo khung thời gian hợp lý, linh động.

Chương trình “Đêm hội khai màn” mở màn cho chuỗi hoạt động festival nghệ thuật đã được định vị của Huế, quy tụ các đoàn nghệ thuật đặc sắc của Huế, các đoàn, nhóm nghệ thuật và ca sĩ độc lập có tính đặc thù, có chất lượng nghệ thuật cao ở các vùng văn hóa của Việt Nam và quốc tế; tiếp tục là chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, Lễ hội Áo dài, Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, Lễ Tế Giao, Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Đua thuyền, Chương trình Đại lễ Vesak, Tuần lễ Ẩm thực chay, Festival Diều Huế, Ngày hội Sen Huế, Ngày hội Áo dài; Chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông”...

Trước tác động của dịch bệnh, Festival sẽ không tránh những khó khăn?

Khó khăn lớn là duy trì thương hiệu festival quốc tế khi dịch khiến kinh tế ảnh hưởng, các nước không cử đoàn nghệ thuật rầm rộ như trước. Nhiều quốc gia gắn bó truyền thống với festival nay vẫn chưa khẳng định chính thức tham gia. Các nước đã khẳng định thì cử số lượng nghệ sĩ ít hơn. Điều này, buộc BTC sẽ có suy nghĩ, giải pháp về sự phối kết hợp trong nước sao cho tạo ra tính quy mô.

Công tác kêu gọi tài trợ năm nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, vì nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo thông báo mới nhất, Festival Huế sẽ thay đổi thời gian tổ chức, ông có thể nói cụ thể hơn về sự thay đổi này?

Kế hoạch từ đầu năm, Festival Huế sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 13/4, nay thay đổi sang 25 - 30/6. Việc thay đổi này vì nhiều lý do. Sau khi mở cửa trở lại (15/3), thời điểm quá cận kề, thông tin đến chậm nên các đoàn quốc tế không tìm được chuyến bay. Vì thế, các đối tác mong muốn dời thời gian để có thể sang Việt Nam.

Lý do nữa là dịch bệnh đã được kiểm soát và cách tiếp cận trong tổ chức các lễ hội từ yếu tố dịch bệnh cũng thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới. Dời thời điểm tổ chức cũng là điều kiện để BTC chuẩn bị tốt hơn, hướng đến một kỳ festival mới có tính khác biệt và hấp dẫn.

Sau 4 năm, Festival Huế mới lại được tổ chức, nên việc tổ chức càng có ý nghĩa khẳng định Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế là Festival Huế. Trải qua hơn 20 năm với 10 kỳ, Festival Huế đã trở thành một festival được chú ý trong hệ thống các festival trên thế giới. Vai trò và vị thế của Festival Huế ngày càng được khẳng định qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Vì thế, các khó khăn sẽ được BTC nỗ lực khắc phục từng ngày, mang đến một mùa lễ hội đặc trưng cho Huế.

Xin cảm ơn ông!

Thừa Thiên Huế online