ĐẢNG TA MUÔN VẠN TẤM LÒNG, NIỀM TIN

Một trong những nhà thơ viết về Đảng sâu sắc nhất, hay nhất, ấn tượng nhất không thể không nhắc đến nhà thơ Tố Hữu. Cái độc đáo của Tố Hữu là khắc họa vẻ đẹp hình tượng của Đảng ở cả tầm cao và chiều sâu, ở sự khái quát hóa tầm vóc vĩ đại của Đảng và cả những chi tiết thể hiện Đảng ta là con nòi của dân tộc, hóa thân vào dân tộc và hết mực nâng niu, yêu thương để dẫn dắt toàn dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Say mê, nhiệt huyết đi theo lý tưởng cách mạng của Đảng, chàng thanh niên Tố Hữu từ cảm nhận “Mặt trời chân lý chói qua tim” đến kính yêu Đảng một cách nồng nàn, tha thiết. Với 257 câu thơ, bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” được Tố Hữu viết vào đầu năm 1960 để chào mừng sinh nhật Đảng (3-2-1930 / 3-2-1960) và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Đó là một tổng kết bằng thơ về 30 năm lịch sử Đảng cũng là lịch sử của cách mạng Việt Nam. Có người gọi tác phẩm là “diễn ca” thì có phần phiến diện, đánh giá chưa đúng trình độ bậc thầy, điêu luyện của tác giả trong việc khái quát những sự kiện mang tầm thời đại cũng như những biểu hiện các cung bậc cảm xúc rất mực tinh tế trong sự âm vang, lôi cuốn của nhạc điệu.

Kế thừa tinh hoa các khúc ngâm cổ điển nhưng thổi vào một điệu hồn trữ tình mới, tạo cho bài thơ một sức vóc mới, khỏe khoắn, lạc quan. Kết cấu truyền thống thể hiện ở tính hồi cố (nhớ về) đặc trưng, với hồi cố 1: Căm thù tội ác; hồi cố 2: Đảng lãnh đạo đấu tranh; hồi cố 3: Tri ân nghĩa tình nguồn cội. Những nét cách tân thể hiện rõ ở phần khẳng định Đảng đã mang lại niềm tin, niềm hạnh phúc; lời kêu gọi và lời đồng vọng.

Đảng ta muôn vạn tấm lòng, niềm tin
    Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TÂN SƠN 

Điểm nhìn hồi cố trong phần mở đầu ở thì hiện tại: “Anh chị em ơi!/ Ba mươi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài...”.  Từ điểm tựa thực tế “ngọt bùi” hôm nay hồi cố về (ôn lại) “đắng cay” hôm qua: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”. Kết cấu đối lập này cũng phổ quát chung cho toàn thi phẩm chi phối sự vận động của hình tượng, tâm trạng. Thế nên đang trong lúc thật vui: “Mùa xuân đó, con chim én mới/ Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh”. Các hình tượng “mùa xuân”, “chim én”, “đồng chiêm”, “trời xanh” cùng các động tính từ “rộn”, “chấp chới” diễn tả sinh động không khí thời đại lúc đó. Nhưng vẫn có gì đó ngậm ngùi, vì nhìn về hôm qua sẽ không tránh khỏi bâng khuâng, xa xót: “Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”. Điều ấy hợp với thực tế cả dân tộc vừa bước ra khỏi bóng đêm mất nước nên trong niềm vui tự do tất yếu có hoài niệm về nỗi đau xưa.

Đặc trưng nổi bật của thơ là ngắn gọn, hàm súc, nói được nhiều ý nhất trong lượng ngôn từ ít nhất. Muốn vậy, hình tượng thơ phải vươn tới sự khái quát cao, nếu không, thơ sẽ bị loãng, nhạt, dễ dãi. Thơ Tố Hữu thuyết phục người đọc chính là ở điểm này, từ những cái riêng, cụ thể nhưng được nâng thành những vấn đề lớn của dân tộc. Thơ ông mang tầm thời đại là nhờ vậy: “Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao!”. Ít người nói về số phận dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc” khẩn thiết và đau đớn hay như thế. Ngàn năm sau lịch sử có lẽ vẫn phải mượn sự khái quát trong bức tranh thơ diễn tả cái thời nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến trước năm 1945: “Xóm làng ta xơ xác héo hon/ Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”. Có những nét cận cảnh vẽ bằng nước mắt nhưng qua đó hiểu được số phận đau thương của cả một dân tộc: “Con đói lả ôm lưng mẹ khóc/ Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi”...

Trong bối cảnh ấy, Đảng ra đời để cứu nước, cứu dân, chẳng khác gì "mặt trời": “Mặt trời kia! Cờ Đảng giương cao!”. Không ngẫu nhiên, tự phát, Đảng ra đời là kết quả tất yếu của các phong trào yêu nước, thế nên câu tiếp sau: “Đảng ta, con của phong trào” là một tầm khái quát về một chân lý lịch sử. Nói bằng thơ về Đảng với sự ra đời, trưởng thành, tầm nhìn, tài năng, tổng hợp sức mạnh giai cấp, kết tinh lý tưởng, niềm tin của Chủ nghĩa Mác, của dân tộc và thời đại, Tố Hữu vẫn là nhà thơ nói đúng, nói thuyết phục nhất: “Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây, xương sắt da đồng/ Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng, niềm tin/ Đảng ta Mác-Lênin vĩ đại”. Nhịp thơ đang nhanh, mạnh cùng điệp ngữ “Đảng ta” nhấn mạnh để khẳng định sứ mệnh của Đảng, là niềm tự hào về Đảng, bỗng nhiên chậm lại nhưng tứ thơ thì mở ra, mênh mang như một lời cảm ơn, biết ơn Đảng: “Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”.

Theo con đường trực quan, hình tượng càng có sức lay động sẽ càng tác động trực tiếp, nhanh chóng tới cảm nhận người đọc. Tố Hữu thành công với những hình tượng tạo hình, gợi cảm mang tính truyền thống nhưng chứa đựng nội dung mới: “Đường xa bao nỗi truân chuyên/ Ngọn đèn đêm gió, con thuyền biển khơi/ Đèn vẫn tỏ, thuyền bơi tới trước/ Đảng ta đưa dân nước ta đi”. Các hình ảnh “đường xa”, “đèn”, “đêm”, “thuyền”, “biển” quen thuộc trong ca dao, dân ca, trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) diễn tả cái bấp bênh, cái mong manh, nay để nói về Đảng, về con đường cách mạng làm ý thơ mới hẳn. Nhờ có cả một chùm nội dung ý nghĩa mới mà mạch thơ như sáng bừng lên: Ngọn đèn lý tưởng của Đảng đã soi lối cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giông tố, cập bến bờ thắng lợi. Lúc này, nhịp điệu của thể song thất lục bát phát huy hiệu quả một cách tối đa: “Trống Xô viết Nghệ An vang động/ Bắc-Trung-Nam tràn sóng đấu tranh/ Hầm than, xưởng máy, lều gianh/ Đứng lên tự cứu mà giành ấm no/ Đứng lên cứu tự do, độc lập/ Đứng lên giành ruộng đất, áo cơm!/ Đứng lên thân cỏ, thân rơm/ Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn!/ Máu có chảy, xương tan thịt nát/ Bớ công nông! Tiếng hát càng cao”. Vang trong lời thơ có âm hưởng của dồn dập tiếng trống, sự dâng trào mạnh mẽ tiếng hát nhờ sử dụng nhiều thanh trắc, nhịp thơ nhanh, ý thơ gấp, hình ảnh nối tiếp hình ảnh, nhất là điệp ngữ “đứng lên” như khẳng định, như giục giã...

Bài thơ là một bản tổng kết lịch sử tất yếu có tiếng nói của lịch sử. Đó là âm hưởng vang vọng từ "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ: “Hỡi quốc dân! Hỡi đồng bào!/ Có gươm, có súng, có dao hãy dùng”. Thời gian 9 năm kháng chiến như ngưng tụ lại trong mấy dòng thơ: “Hồn nước dựng thành cao muôn trượng/ Tay Đảng rèn lực lượng muôn dân/ Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn!/ Một dân tộc hai bàn tay trắng/ Đồng tâm là chiến thắng thành công”. Bao ý nghĩa trong mấy câu này: Tài năng tập hợp lực lượng muôn dân của Đảng; cuộc chiến tranh du kích trường kỳ; những nỗ lực phi thường của dân tộc; phương thức chiến tranh (đồng tâm). Được nâng lên ở tầm khái quát lịch sử, hình tượng thơ sẽ sống mãi cùng lịch sử: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!”. Tất yếu có niềm tự hào danh từ Việt Nam được cả nhân loại chiêm ngưỡng, kính phục: “Việt Nam anh dũng sáng ngời/ Ánh gươm độc lập giữa trời soi chung”. Diễn tả cái thực chất, cái quý giá, sự trân trọng cái tự do vừa giành được là câu thơ thật đẹp: “Tự do đã nở hoa hồng/ Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam”. Hoa hồng đã đẹp, đã quý. Hoa hồng tự do còn quý hơn nhiều. Nó đang nở trong mỗi con người (dòng máu đỏ), nở trong không gian Việt Nam (cánh đồng). Một sự chuyển đổi tuyệt vời, từ phạm trù cái chính trị chuyển sang phạm trù mỹ học cái đẹp. Có gì vĩnh cửu hơn cái đẹp đâu? Cũng vậy. Có gì vĩnh cửu hơn cái đẹp tự do đâu? Còn là chân lý: Cái chính trị thực chất, tươi nguyên, mới mẻ đạt tới đỉnh cao đi vào lòng người sẽ trở thành cái đẹp vĩnh hằng, bất biến!

Một nửa nước giải phóng trong không khí hân hoan lạ thường với hình ảnh, màu sắc, âm thanh rộn rã, ấm áp: “Dân có ruộng, dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê/ Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn/ Màu áo mới nâu non nắng chói/ Mái trường tươi roi rói ngói son”. Một nửa còn chìm trong thương đau: “Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi/ Một thân không thể chia đôi/ Lửa gươm không thể cắt rời núi sông”. Nhịp thơ như ngập ngừng vì nỗi đau nhưng rắn rỏi hẳn lên bởi hai câu hỏi tiếp theo đầy ý chí, quyết tâm: “Gươm nào chém được dòng Bến Hải?/ Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn?”.

Theo mạch cảm hứng chung tất yếu có đoạn hướng về những anh hùng “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng” để ghi công người đã khuất cũng là một bài học giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Cảm động nhất là tình đồng chí ở những phút giây trước khi hy sinh làm rạng ngời chân lý ý chí tận hiến và nghĩa tình người cộng sản sẵn sàng chết để đồng chí mình được sống: “Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”. Cũng tất yếu có lời tự nguyện thiêng liêng của thế hệ tiếp nối: “Hỡi những trái tim không thể chết/ Chúng tôi đi theo vết các anh/ Những hồn Trần Phú vô danh/ Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn...”. Có cả một “lòng người” Việt Nam ân nghĩa, ân tình sâu sắc nhớ công ơn bè bạn: “Ta nhớ nghĩa nhớ tình bốn biển/ Anh em ta yêu mến gần xa”.

Logic tình cảm của bài thơ đưa bạn đọc đến lời đồng vọng thật tự nhiên: “Người đi trước, nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc người Cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”. Cả dân tộc kết những vòng hoa chiến công dâng lên Bác kính yêu. Bác là một biểu tượng của niềm tin chiến thắng, của tương lai hạnh phúc nên bài thơ chỉ khép lại về câu chữ nhưng mở ra cả một chân trời hy vọng!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ