BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CŨNG HÙNG VƯƠNG

Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ là trung tâm phát khởi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm khoảng một tuần vào đầu tháng 3 Âm lịch.

Sự ra đời và tồn tại lâu dài của Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng cùng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự khẳng định niềm tin vào bản sắc truyền thống văn hóa đối với các thế hệ cha ông đi trước, những người đã đổ biết bao công sức và xương máu để dựng nước và giữ nước. Chính từ ý nghĩa tâm linh thiêng liêng ấy mà Lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, đúng như câu ca dao được truyền tụng suốt nhiều thế kỷ qua:“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Vua Hùng là vị Tổ dựng nước hay như nhân dân ta thường gọi là Quốc Tổ.

Bản sắc văn hóa truyền thống của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Phú Thọ. 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các tập quán xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội liên quan đến Hùng Vương. Theo PGS, TS Đặng Văn Bài: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là đỉnh cao của sự thăng hoa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của tình cảm yêu nước, thương người, được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Nét đẹp đạo đức và văn hóa đó đã kết tinh thành giá trị bền vững trong văn hóa truyền thống của cả dân tộc”(1).

Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng đã hình thành từ rất sớm và sự tồn tại của nó luôn gắn chặt với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các Vua Hùng, vợ con vua và các tướng lĩnh thời Hùng Vương luôn được nhân dân các làng xã trên phạm vi cả nước tôn thờ.

Từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII, cả nước có 73 làng xã thờ Vua Hùng. Hiện nay có 1417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật có liên quan đến thời đại Hùng Vương, phân bổ ở hầu hết các tỉnh thành  trong cả nước. Riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật, vị thần, những người có công với nước thời đại Hùng Vương.

Thời Lê (thế kỷ XV – XVII) lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong ba ngày (từ mùng 9 đến 11 tháng 3 Âm lịch). Diễn trường của lễ hội bao gồm từ đình làng Cổ Tích  đến núi Hùng. Vua Lê Hiển Tông (1715 – 1786) khi về thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng đã có thơ đề vịnh tại Đền Hùng: “Quốc tịch Văn Lang cổ/Vương thư Việt sử tiên/Hiển thừa thập bát đại/Hình thắng nhất tam xuyên/Cựu trưng cao phong bán/Sùng từ tuấn lĩnh biên/Phương dân ngung trắc dáng/Hương hỏa đáo kim truyền”.

Thế kỷ thứ XVII – XVIII do sự phát triển của dân địa phương các làng mới lập là làng Vi, làng Trẹo vốn gốc từ dân làng Cổ Tích, theo truyền thống văn hóa tín ngưỡng cùng làm lễ mở cửa đền vào ngày 10-3 (Âm lịch) hàng năm, lễ hội đã mở rộng trong cả một vùng rộng lớn với nhiều làng xã tham gia. Lễ hội Đền Hùng lúc đầu chỉ ở một làng, một vài làng rồi lan ra một vùng và lan rộng trong toàn quốc trở thành nghi lễ mang tính quốc gia.

Đây cũng là điểm độc đáo, khác biệt của văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam với tục thờ cúng tổ tiên ở các nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Giỗ Tổ ở các nước trên là sự độc quyền của Hoàng tộc, giới thượng lưu và giới tăng lữ, nếu của dân chúng thì chỉ tiến hành trong phạm vi một địa phương, còn Giỗ Tổ ở Việt Nam là của toàn dân tộc.

Thời kỳ nhà Nguyễn, theo lệ cứ 5 năm (vào những năm chẵn 5, chẵn 10), nhà nước đứng ra tổ chức lễ hội Giỗ Tổ, những năm lẻ do địa phương đăng cai tổ chức. Diễn trường trung tâm của lễ hội là núi Hùng và xung quanh chân núi Hùng. Tới năm 1917, quan tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc trình Bộ lễ ấn định ngày Quốc lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 (Âm lịch, trước ngày húy của Vua Hùng một ngày, ngày 11 tháng 3) để dân sở tại làm lễ. Thời gian tổ chức lễ hội thường bắt đầu từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 3 (Âm lịch).

Tiết trời tháng 3 mùa xuân, thời tiết rất đẹp, trước hội bao giờ cũng có những trận mưa rào đầu hạ có ý nghĩa như là “tráng đền”, rửa sạch đền trước khi vào hội. Những trận mưa ấy có tác dụng làm cho cây rừng Đền Hùng đã xanh lại càng xanh hơn, không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu khiến du khách đi dự lễ hội cảm thấy mình được trở về thuở hoang sơ mở nước.

Các thủ tục hành lễ được tuân theo quy định rất chặt chẽ. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm, trọng thể tại các đền và chùa Thiên Quang trên núi Nghĩa Lĩnh. Phần hội được tổ chức trong một không gian rộng khoảng vài km2 với nhiều trò chơi dân gian phong phú và hấp dẫn, tạo ra cho lễ hội không khí tấp nập, náo nhiệt. Vào ngày Giỗ Tổ, “những người dân ở các làng xung quanh trong trang phục lộng lẫy thi kiệu, thi làm lễ vật, chọn ra chiếc kiệu đẹp nhất và lễ vật ngon nhất cùng chiêng, trống, nghi trượng rước lên đền Hùng để thờ cúng Ngài. Cộng đồng làm lễ vật là những đặc sản từ gạo như bánh chưng, bánh giầy, và diễn xướng dân gian như đánh trống đồng, hát xoan, cầu cúng. Việc thờ vọng Hùng Vương ở các nơi thờ tự trong nước suốt năm” (2)

Còn các kiệu của các làng xã khác đoạt giải thấp hơn thì rước xung quanh để mọi người chiêm ngưỡng và tạo không khí trang nghiêm cho lễ hội. Ngoài ra, nhiều trò diễn, các trò chơi dân gian như: Đánh trống đồng, hát Xoan, hát Ghẹo, đâm đuống, rước lúa thần, đấu vật, chọi gà, kéo lửa thổi cơm thi, đánh cờ người… khiến cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, phấn khởi. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hiện đại cũng được tổ chức để phục vụ đồng bào cả nước về dự lễ hội, tạo nên màu sắc của lễ hội càng thêm vui tươi, rực rỡ.

Hằng năm, đồng bào ta trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài, hàng chục triệu người hội tụ về Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ “để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe”.      

Hai năm qua do đại dịch Covid -19, để đảm bảo an toàn cho nhân dân, tỉnh Phú Thọ chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội nên hạn chế nhiều số người về dự lễ hội Đền Hùng.

Cùng với giá trị lịch sử, lòng yêu nước, giá trị văn hóa tâm linh…, “Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là dịp để hiểu biết về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức và bản sắc văn hóa Việt Nam… đây là một thực hành thể hiện lòng tri ân tổ tiên nhằm nâng cao niềm tự hào và cố kết xã hội” (3)

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Với những giá trị đặc trưng và lớn lao, ngày 6-12-2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Nhà nghiên cứu văn hóa ĐOÀN HẢI HƯNG

------------------------------------------------------------------------

(1) Báo Phú Thọ, số chuyên đề về Giỗ Tổ Hùng Vương, năm 2020, tr.9

(2,3) Trích Nghị quyết số 07, ngày 6/12/2021 của Hội đồng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.