TIMOR LESTE TIẾN THÊM MỘT BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN ĐẦY ĐỦ CỦA ASEAN

Lần đầu tiên, Timor Leste đã xuất hiện tại một cuộc họp cấp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhằm xúc tiến quá trình trở thành thành viên thứ 11 của khối khu vực.

 

ASEAN ủng hộ kết nạp Timor Leste trở thành thành viên thứ 11 của khối. Ảnh minh họa: TTXVN/Lao động

Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết, sự kiện lịch sử diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 32 và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia).

Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác của Cộng hòa dân chủ Timor Leste, Tiến sĩ Adaljiza Albertina Xavier Reis Magno đã đại diện đất nước tham gia, sau khi nước này về nguyên tắc đã trở thành thành viên thứ 11 của khối.

Được biết, cuộc họp ACC lần thứ 32 đã bắt đầu bằng một báo cáo tóm tắt toàn diện của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, nước Chủ tịch ASEAN 2023 về các ưu tiên chính theo chủ đề “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng”.

Tại đây, các Ngoại trưởng của khối cũng có chung quan điểm rằng ASEAN thực sự xem trọng và cam đoan với Tiến sĩ Reis Magno về sự ủng hộ hoàn toàn của mình đối với việc Timor Leste gia nhập vào khối khu vực.

Cùng với đó, các bộ trưởng tin tưởng mạnh mẽ rằng những kết quả quan trọng dưới sự chủ trì của Indonesia trong năm nay sẽ giúp đưa ASEAN trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Cũng theo nội dung tuyên bố, về Timor Leste, các bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Nhóm công tác ACC về Timor Leste nhằm đẩy nhanh việc soạn thảo Lộ trình dựa trên các tiêu chí khách quan để giúp nước này trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42.

Thêm vào đó, các lãnh đạo của khối cũng tán thành Hướng dẫn Thực hiện Tư cách Quan sát viên để tham dự vào các cuộc họp của ASEAN cấp cho Timor Leste.

Cùng lúc, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn sẽ đóng vai trò then chốt trong tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực.

Cuộc họp cũng nhắc lại ý tưởng ban đầu về việc thiết lập Thỏa thuận Xanh ASEAN. Đây là một khuôn khổ thực tế và có thể triển khai thành hành động, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện quá trình chuyển đổi dần dần, hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn.