NHỮNG CHỦ ĐỀ ĐỐT NÓNG ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA

Tầm nhìn cạnh tranh siêu cường Mỹ - Trung hay những rủi ro với an ninh khu vực sẽ là tâm điểm chú ý trong Đối thoại Shangri-La, giới chuyên gia dự đoán.

"Trung Quốc và Mỹ có thể tận dụng sự kiện đối thoại để khẳng định mạnh mẽ lập trường đối trọng của mỗi bên", Bryce Wakefield, Giám đốc điều hành Viện Các vấn đề Quốc tế Australia, nói khi nhận định về các vấn đề nóng sẽ nổi lên tại Đối thoại Shangri-La 2022, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/6 tại Singapore.

Ông dự báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bài phát biểu ngày 11/6 sẽ đề cao những sáng kiến và hoạt động nổi bật thời gian qua của chính quyền Tổng thống Joe Biden như Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ).

Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa có thể đáp trả trong bài phát biểu ngày 12/6 bằng cách nêu lên tầm nhìn riêng của Bắc Kinh về trật tự mới ở khu vực. "Bài phát biểu của ông Ngụy sẽ là tuyên bố cứng rắn về các lợi ích của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia Australia đánh giá.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trả lời họp báo ở Washington vào năm 2021. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trả lời họp báo ở Washington vào năm 2021. Ảnh: Reuters.

James Crabtree, Giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trong bài phân tích hôm 6/6 cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi khẳng định căng thẳng Mỹ - Trung sẽ giữ vị trí trung tâm tại Đối thoại Shangri-La. Ông lưu ý quan hệ giữa hai siêu cường trong năm 2019 đã chứng kiến nhiều sóng gió, khi chính quyền tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách thương mại chống Trung Quốc và áp loạt cấm vận công nghệ với tập đoàn Huawei.

Trong hai năm Đối thoại Shangri-La gián đoạn vì đại dịch Covid-19, quan hệ song phương Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi.

Theo Crabtree, có ít nhất 5 phương diện nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung nhiều căng thẳng hiện nay, gồm: dẫn dắt các khối địa chính trị, tranh cãi về eo biển Đài Loan, thay đổi vị thế quân sự trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hạn chế tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược, và cuối cùng là thiếu cơ chế đối thoại quản lý quan hệ siêu cường.

Chuyên gia người Anh nhận định Mỹ và Trung Quốc đang giữ vai trò dẫn dắt các khối địa chính trị có lợi ích trái ngược nhau. Bắc Kinh không ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moskva phát động ở nước láng giềng Ukraine, nhưng cũng không lên án Nga. Vài ngày trước khi chiến sự bùng phát, Nga - Trung còn tuyên bố hai nước đã đạt "quan hệ hữu nghị không giới hạn" và hợp tác "không có vùng cấm".

Bắc Kinh còn chủ động xúc tiến tầm nhìn của họ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình và "Tầm nhìn Phát triển Chung" với các đảo quốc Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Mỹ tích cực thúc đẩy những liên kết mang xu hướng đối trọng Trung Quốc, trong đó có mô hình Bộ Tứ hay liên minh an ninh AUKUS với Australia và Anh.

Mỹ đã tuyên bố kế hoạch chuyển dịch nguồn lực sang Thái Bình Dương từ vài năm trước. Dù quá trình này chưa diễn ra nhanh như kỳ vọng, những tuyên bố gần đây từ Washington phát tín hiệu họ đang tìm thêm hỗ trợ từ đồng minh để duy trì động lực gia tăng ảnh hưởng lẫn vị thế quân sự ở khu vực.

Tài liệu Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden nhấn mạnh Trung Quốc đang đe dọa lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. "Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ nhằm thiết lập vùng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục tiêu trở thành cường quốc giàu sức ảnh hưởng nhất thế giới", Nhà Trắng nêu trong tài liệu chiến lược được công bố hồi tháng 2.

Crabtree nhận định đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã vô tình kìm hãm cuộc đối đầu giữa hai siêu cường. Lãnh đạo hai nước chuyển trọng tâm chính sách sang giải quyết những thách thức nội tại do cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có gây ra.

Tuy nhiên, khi Covid-19 dần được kiểm soát, những biến động địa chính trị gần đây cho thấy nguy cơ cạnh tranh siêu cường vượt kiểm soát đang gia tăng trở lại.

"Chúng ta không thể bỏ qua nguy cơ xảy ra 'bất ngờ chiến lược' trong ngắn hạn, như cảnh báo từ Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính phủ Mỹ. Quan hệ giữa hai siêu cường vẫn có khả năng tiếp tục xấu đi", Crabtree nhận định.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng chiến hạm hộ tống diễn tập ở vùng biển tây Thái Bình Dương, tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng chiến hạm hộ tống diễn tập ở vùng biển tây Thái Bình Dương, tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường ngày một phức tạp, diễn ra trên nhiều tầng nấc với phạm vi rộng lớn như vậy, những sự kiện như Đối thoại Shangri-La mở ra cơ hội quan trọng cho Mỹ và Trung Quốc ngồi lại cùng nhau để thảo luận những mối quan tâm chung.

Bryce Wakefield lưu ý ngoài hai bài phát biểu chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ có cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La. Đó sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.

"Buổi hội đàm là dịp hữu ích để hai nước quản lý cạnh tranh trong mối quan hệ", Wakefield phân tích, khi Mỹ và Trung Quốc hiện nay gần như đang đóng băng các kênh đối thoại. Những cơ chế này bao gồm đường dây nóng, thỏa thuận tránh va chạm bất ngờ trên biển, các kênh ngoại giao chính thức và không chính thức cùng các quy tắc quân sự.

"Rủi ro tăng lên vì mỗi bên đều cho rằng đối phương đang có ý đồ xấu", Michael Green, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định về nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm trong quan hệ Mỹ - Trung. "Hai bên đều rất khó có thể xuống nước".

Theo chuyên gia Wakefield, trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La lần này, ông Ngụy nhiều khả năng sẽ chất vấn Bộ trưởng Austin về những tuyên bố gần đây của Tổng thống Biden liên quan đến vấn đề Đài Loan. Tổng thống Mỹ thời gian qua liên tiếp có những phát biểu cho thấy Washington dường như sẵn sàng từ bỏ chính sách "mơ hồ chiến lược" lâu nay trong đảm bảo phòng thủ cho hòn đảo.

Wakefield cũng dự đoán các cường quốc tầm trung như Nhật Bản và Australia sẽ thể hiện vai trò nổi bật hơn trong Đối thoại Shangri-La.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến có bài phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị tối nay. Wakefield cho rằng Thủ tướng Nhật trong bài phát biểu sẽ đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như nhấn mạnh lập trường rằng không quốc gia nào được phép sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực.

"Rõ ràng tầm nhìn của Mỹ và Trung sẽ là tâm điểm chú ý của sự kiện, nhưng cũng rất thú vị khi chứng kiến các vấn đề an ninh khác đang làm thay đổi suy nghĩ về cạnh tranh nước lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như thế nào", chuyên gia Wakefield nhấn mạnh.