NGUY CƠ CHO "NHỮNG MIỀN ĐẤT HỨA"

“Chúng tôi không muốn số phận kết thúc trên đường phố”. “Số phận người nhập cư như tôi có thể viết thành sách”. “Tôi bị đối xử không khác gì con vật”… Chiến tranh, nghèo đói đã thôi thúc những con người với số phận không may mắn này rời bỏ đất nước để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình và bản thân họ.

Bế tắc và tuyệt vọng, không ít người đã gia nhập IS ở Iraq, tuyên bố thà chết ở đó chứ không bao giờ trở về. Vấn đề này đã tạo ra không ít những nguy cơ về an ninh và xã hội ở những quốc gia tiếp nhận người di cư.

t28 (1).jpg -0
Những người tị nạn Syria được giải cứu ngoài khơi đảo Cyprus được đưa đến địa điểm lưu trú được chỉ định ở làng Kokkinotrimithia, gần Nicosia  (Ảnh: The Guardian)

“Thiên đường” cho người di cư Syria?

Trên đảo Cyprus ở Địa Trung Hải, thị trấn nhỏ Chlorakas đã trở thành điểm nóng về vấn đề người tị nạn. Một phần tư cư dân ở quốc gia Nam Âu này là người tị nạn. Mặc dù chính quyền địa phương đã lên tiếng báo động về “khu ổ chuột” và tìm cách di dời một số cư dân ở đây, nhiều người mới đến đã từ chối rời đi, vì lý do đơn giản là họ không còn nơi nào khác để đi. Chính phủ Cyprus cho biết nước này có số lượng đơn xin tị nạn cao nhất tính theo đầu người trong Liên minh châu Âu (EU).

Cách thành phố Paphos ở bờ biển phía Tây 5 km, Chlorakas hiện có 7.000 cư dân đang sinh sống, trong đó có 1.700 người xin tị nạn, tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua, và hầu hết đến từ Syria. Theo Thị trưởng Chlorakas, ông Nicholas Liasides, điểm nóng của vấn đề là khu dân cư phức hợp St Nicolas ở ngoại ô thị trấn, nơi có khoảng 700 người tị nạn sinh sống.

Nằm trên một ngọn đồi nhìn ra biển Địa Trung Hải, khu này gồm khoảng 20 khối nhà màu hồng đào lát gạch đất nung. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm 2020 khiến lượng du khách quốc tế sụt giảm, những người tị nạn đã đến thuê nhà trọ ở đây.

Theo ông Liasides, giải pháp là tái định cư cho những người tị nạn trên khắp đảo Cyprus. “Đây là một khu ổ chuột và thực sự chúng tôi muốn phá dỡ nó”, ông nói. Tháng trước, chính quyền địa phương tuyên bố địa điểm này hiện không còn thích hợp để ở và đã cắt nguồn cung cấp nước cho 250 căn hộ.

Nguy cơ cho những “miền đất hứa“ -0
Một con hẻm trong khu phố nghèo Bab al-Tabbaneh của Tripoli, miền Bắc Lebanon (Ảnh: AFP)

Tháng trước, căng thẳng ở Chlorakas trở nên tồi tệ hơn sau hai vụ ẩu đả giữa những người tị nạn, trong đó có một số người sống tại St Nicolas. Cảnh sát Paphos cho biết trong một tháng qua đã điều tra hơn 80 người sống bất hợp pháp ở đó. Từ đầu năm 2022, người dân thị trấn đã tiến hành 2 cuộc biểu tình, trong đó có nhiều người có tư tưởng thù địch với tị nạn.

Hơn 12.000 người Syria đã tìm cách xin tị nạn ở Cộng hòa Cyprus kể từ năm 2011, khi cuộc nội chiến nổ ra ở quốc gia Bắc Phi này khiến hàng triệu người phải đi di tản.

Đảo Cyprus đã bị chia cắt sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược vào năm 1974 và chiếm 1/3 phía Bắc của hòn đảo này. Hàng trăm nghìn người Cyprus gốc Hy Lạp ở miền Bắc và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Nam đã chạy sang hai phe đối địch nhau. Cách đây hơn một năm, Mohammed Ramadan Diab, 37 tuổi, người gốc Idlib (miền Bắc Syria), đã đặt chân đến Chlorakas qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ một cách bất hợp pháp.

Ông bố 6 con này cho biết anh đang cố gắng tìm chỗ ở khác, nhưng mọi người đều từ chối cho anh thuê vì anh “là người Syria”. Nayef al-Shouyoukh, 32 tuổi, cũng dân Idlib, đã ở St Nicolas được 3 năm, cho biết cảnh sát thường xuyên đến đập cửa để kiểm tra giấy tờ tùy thân của anh, khiến 3 đứa con anh sợ hãi. “Tôi không biết phải đi đâu”.

Nguy cơ cho những “miền đất hứa“ -0
Nhóm người di cư Syria bị Cộng hòa Cyprus trả về. (Ảnh: AP)

Tiền thuê nhà ở St Nicolas là 350 euro (400 USD)/tháng cho một căn hộ hai phòng ngủ có bếp - đã bao gồm điện và Internet. “Chúng tôi muốn ở lại”, Abdallah al-Khaled, 25 tuổi, người đã đến Chlorakas 3 năm trước, nói. “Chúng tôi đã sống sót sau các cuộc bao vây và đánh bom ở Syria. Chúng tôi không muốn kết thúc trên đường phố”. Chính quyền địa phương đề xuất chuyển những người tị nạn đến các khu tị nạn ở phía Đông Cyprus, nhưng các trại tị nạn này đã quá tải. 

Neofyto Paranetis, quản lý khu St Nicolas, tuyên bố: “Chính phủ nên cảm ơn chúng tôi vì những người tị nạn này không có lựa chọn thay thế. Một ngày nào đó, chúng ta cũng có thể trở thành người tị nạn, giống như chúng ta đã từng trải qua hồi năm 1974 trong cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Phân biệt chủng tộc không khác gì thời kỳ nô lệ

Vụ sát hại dã man một người Congo tại bãi biển ở Rio de Janeiro hôm 24-1 vừa qua đã đánh thức dư luận về những khó khăn mà người di cư châu Phi phải đối mặt tại Brazil, quốc gia có cộng đồng dân cư da màu lớn nhất bên lục địa Đen.

Moise Kabagambe, một thanh niên di cư 24 tuổi đã cùng gia đình bỏ chạy đến Brazil từ năm 2011 để thoát khỏi bạo lực ở CHDC Congo, mới đây đã bị đánh chết tại quán bar trên bãi biển nơi anh làm việc, gần khu phố thượng lưu Barra da Tijuca ở Rio. Gia đình Moise cho biết một nhóm kẻ hành hung đã dùng gậy bóng chày tấn công anh sau khi anh yêu cầu thanh toán tiền lương bị quá hạn.

Vụ giết người này đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Brazil, nơi nhiều người di cư châu Phi phải đối mặt với nghèo đói, bạo lực và phân biệt đối xử kép vì vừa là người nước ngoài lại là người da màu. Sagrace Lembe Menga, đồng hương của Moise, cho biết cô “đang nghĩ đến việc rời Brazil sau những gì đã xảy ra với Moise”.

Người phụ nữ 2 con này giải thích cô thường xuyên phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ở quốc gia chấp nhận cho cô tị nạn: “Một số người đối xử với bạn như thể bạn là một con vật. Nhiều người đã hỏi tôi có phải tôi sống với hươu cao cổ không”.

Nguy cơ cho những “miền đất hứa“ -0
Biểu tình đòi công lý cho người da màu sau vụ sát hại Moise Kabagambe, người tị nạn Congo ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP)

Brazil có 1.050 người tị nạn đến từ CHDC Congo trong tổng số khoảng 35.000 người nhập cư châu Phi, nhưng con số này, theo các chuyên gia, có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Dân tị nạn và nhập cư thường sống trong những khu ổ chuột do các băng đảng ma túy bảo kê và được trả lương thấp hơn nhiều so với những người nhập cư khác ở Brazil - trung bình xấp xỉ 2.700 reais (510 USD)/tháng, chỉ bằng một nửa so với những cộng đồng người nhập cư khác.

Elisee Mpembele, 23 tuổi, ca sĩ người Congo đến Brazil từ năm 2013 kể: “Nếu phải kể câu chuyện về những hình thức phân biệt chủng tộc mà tôi phải đối mặt, tôi có thể viết thành một cuốn sách”. Anh cho biết để tìm một công việc như một nhạc sĩ là rất khó khăn, vì vậy anh phải làm những việc vặt để kiếm sống. Phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử không phải là điều mới mẻ ở Brazil, nơi có dân số da màu lớn thứ hai thế giới, sau Nigeria.

Brazil là quốc gia cuối cùng ở châu Mỹ xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1888, và cho đến nay người gốc Phi vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, bị gạt ra bên lề và bị phân biệt chủng tộc có hệ thống. Bas Willele Malomalo, một chuyên gia về di cư Brazil gốc Phi tại Đại học Unilab, cho biết: “Các vấn đề hội nhập mà người di cư châu Phi phải đối mặt có cùng nguồn gốc với những vấn đề mà dân nô lệ trước đây gặp phải khi bị coi không khác gì động vật”.

Rui Mucaje, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Phi -Brazil (AfroChamber), cho biết nhiều người châu Phi đến Brazil với tham vọng làm ăn để gửi tiền về cho gia đình, nhưng họ gặp rất nhiều trở ngại và rủi ro. Hầu hết đều làm những công việc vặt, phi chính thức: “Không có gì lạ khi thấy một kỹ sư đang làm việc tại siêu thị và một nhân viên khảo sát đang làm việc như một lao công ở khách sạn. Ông kết luận, cái chết của Kabagambe là “kết quả bi thảm của những vấn đề do phân biệt chủng tộc gây ra ở Brazil”.

Bế tắc vì nghèo đói, thanh niên gia nhập đội quân thánh chiến

Zakaria al-Adl được cho là đã tìm cách vượt biển sang châu Âu sau khi anh ta mất tích vào mùa Hè, nhưng rốt cuộc người thanh niên này đã bỏ mạng ở Iraq. Đến từ thành phố Tripoli, miền Bắc Lebanon, thanh niên 22 tuổi này là một trong số ít nhất 8 người được cho là đã bị giết ở Iraq kể từ tháng 12-2021 vì bị nghi là chiến binh thánh chiến.

Thời gian qua, nhiều người đến từ thành phố cảng Địa Trung Hải này đã gia nhập hàng ngũ IS, và người tuyển mộ họ là một chiến binh thánh chiến cũng đến từ Tripoli. “Chúng tôi không biết nó ở Iraq cho đến khi chúng tôi được thông báo nó đã chết” - mẹ của Zakaria, bà Ghufran al-Adl, nói với AFP từ căn hộ một phòng ngủ của họ ở khu phố Bab al-Tabbaneh, một trong những nơi nghèo nhất nước. Zakaria đã mất tích từ mùa Hè năm ngoái, nhưng phải đến tháng 12 khi quân đội Iraq công bố những hình ảnh và video về các chiến binh IS bị tiêu diệt ở sa mạc Anbar, phía Tây Iraq, gia đình anh mới biết tin.

Gia đình Zakaria cho biết nghèo đói chứ không phải ý thức hệ là điều khiến chàng trai trẻ gia nhập hàng ngũ thánh chiến, vào thời điểm Lebanon đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy. Anh trai của Zakaria cho biết: “Khi nó biến mất, chúng tôi nghĩ rằng nó có ý định đến Thụy Điển theo con đường bất hợp pháp. Nó ra đi vì nghèo”.

Kể từ tháng 8-2021, hàng chục thanh niên đã biến mất khỏi Tripoli. Một quan chức an ninh cho biết trong 5 tháng qua, ước tính khoảng 50 thanh niên gia nhập IS. Gia đình đã thông báo cho chính quyền về nơi ở mới của họ sau khi nhận được cuộc gọi từ Iraq. Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2019, thành phố lớn thứ hai của Lebanon đã được coi là một thành trì của chiến binh.

Các khu dân cư nghèo nhất ở đây là nơi ủng hộ các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào quân chính phủ và tham gia các hoạt động thánh chiến ở Tripoli và các nơi khác. Hàng nghìn người đã bị bắt giữ vì tình nghi liên quan khủng bố. Quan chức an ninh cho rằng “động cơ tài chính” là lý do chính khiến thanh niên Tripoli gia nhập IS. Tổ chức khủng bố này đang chiêu mộ những chiến binh mới với lời hứa hẹn “mức lương lên tới 5.000 USD/tháng”.