NGƯỜI NGA NGHĨ GÌ VỀ LIÊN XÔ?

Trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 17-3-1991, 76,4% công dân Liên Xô đã bỏ phiếu với mong muốn giữ lại Liên bang (LB) Xô viết. Nhưng Liên Xô vẫn tan rã. Vậy người dân Nga hiện nay nghĩ gì về Liên Xô và nước Nga kỷ niệm ngày 7-11 ra sao?

Putin và việc giữ gìn quá khứ

Sau sự kiện tháng 8-1991, ngày 29-8-1991, Đảng Cộng sản Liên Xô bị Xô viết Tối cao đình chỉ hoạt động dưới sức ép của Boris Yeltsin. Cùng trong ngày hôm đó, dưới sức ép của Yeltsin, Mikhail Gorbachev (Tổng thống Liên Xô) cũng ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ ngày 1-9-1991 chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” hoàn toàn, dẫn đến quân đội Nga dễ bề bị Yeltsin thao túng.

Yeltsin với tư cách là Tổng thống Nga đã ra sắc lệnh chuyển tất cả tài liệu, văn khố của Đảng Cộng sản Liên Xô sang văn khố của LB Nga cũng như quốc hữu hóa tất cả tài sản của Đảng Cộng sản Liên Xô ở Nga, không chỉ các cơ sở hội họp trung ương mà tất cả các cơ sở khác, như giáo dục, khách sạn... Ước tính có 4.228 tòa nhà làm việc, 180 trung tâm chính trị xã hội, 16 cơ sở nghiên cứu chính trị xã hội... của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị Yeltsin niêm phong và tịch thu.

Năm 1992, tại Tòa án Hiếp pháp LB Nga diễn ra vụ án liên quan đến Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản LB Nga, diễn ra từ ngày 26-5 đến hết ngày 30-11. Vụ án nói trên diễn ra khi một nhóm đại biểu quốc hội Cộng hòa LB Nga chống lại Tổng thống Yeltsin về việc lạm quyền trong giải tán bất hợp hiến Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản LB Nga, buộc tội Yeltsin chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của hai đảng. Đồng thời cũng là vụ án xét xử một vấn đề nữa liên quan đến một nhóm dân biểu khác của Cộng hòa LB Nga chống lại Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản LB Nga về “tội” hoạt động “bất hợp hiến”. Kết quả, những người bảo vệ  Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản LB Nga đã giành chiến thắng và hai đảng được hoạt động trở lại ở nước Nga.

Trong bài phát biểu ngày 30-12-1999 với tiêu đề: “Nước Nga buổi giao thời thiên niên kỷ”, Vladimir Putin khi đó là Thủ tướng LB Nga đã đánh giá rằng: “Trong thế kỷ sắp trôi qua này, nước Nga đã có 3/4 thời gian sống với những mục tiêu và lý tưởng cộng sản. Nếu có ai đó phủ nhận thành quả của chủ nghĩa cộng sản thì quả là sai lầm nghiêm trọng... Nếu chúng ta không nhận thức chính xác về vị trí của người dân và xã hội thì chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt, lúc này sai lầm sẽ càng trầm trọng hơn”.

Ngày 31-12-1999, Yeltsin tuyên bố từ chức, giao quyền tổng thống vào tay Thủ tướng Putin. Ngày 26-3-2000, nước Nga tổ chức bầu cử sớm với 11 ứng cử viên tham gia và Putin đã giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 52,92% tỷ lệ ủng hộ.

Tổng thống Nga V.Putin cầm chân dung của cha, một cựu chiến binh Liên Xô trong cuộc tuần hành ở Moscow năm 2016. Ảnh: TASS

Boris Yeltsin khi làm tổng thống Nga đã xóa bỏ Quốc ca Liên Xô. Rất nhiều cựu chiến binh, các bậc có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước thời Xô viết và ngay cả giới nhạc sĩ, trí thức đều không đồng ý. Thể theo ý nguyện của nhân dân Nga, Putin đã gửi đề xuất lên Duma Quốc gia nhằm viết lại bài Quốc ca mới cho nước Nga và được Hạ viện thông qua. Bài Quốc ca của nước Nga hiện nay do đó có phần nhạc là nhạc của Quốc ca Liên Xô (trước đây), còn phần lời thì cũng do chính Mikhalkov, một trong hai tác giả của lời Quốc ca cũ viết lại cho phù hợp với giai đoạn lịch sử hiện tại. Thượng viện sau đó đã phê chuẩn bài Quốc ca. Ngày 30-12-2000, bài Quốc ca mới được vang lên đầu tiên tại Điện Kremli. Bài Quốc ca vang lên trong giây phút Giao thừa, rất nhiều người trên mọi miền đất nước rộng lớn này đã tới tấp gửi điện, thư lên Quốc hội và Tổng thống nhiệt liệt ủng hộ, biểu thị sự hài lòng và niềm phấn chấn của mình. Một cựu chiến binh bày tỏ: “Tôi nay đã 90 tuổi, tưởng rằng cho tới khi sang thế giới bên kia sẽ không bao giờ còn được nghe bài Quốc ca hùng tráng của LB Xô viết vĩ đại ngày ấy nữa. Thế mà, ơn trời, bài hát chính thức của đất nước hùng cường của chúng ta lại vang lên”.

Tháng 7-2001, trong buổi họp báo tại Moscow, có nhà báo đã hỏi Putin: “Ngài đánh giá thế nào về sự đổ vỡ của Liên Xô?”. Ông khẳng định: “Ai không tiếc cho sự đổ vỡ của Liên Xô, người đó không có lương tâm”.

Khi đánh giá tổng kết về sự giải thể của Liên Xô, Putin đã khẳng định rất rõ ràng vào tháng 2-2004 rằng: “Liên Xô tan rã là bi kịch lớn của toàn dân tộc”. “Trước tiên, cần phải thừa nhận việc Liên Xô tan rã là thảm họa lớn nhất trong thế kỷ 20, nó là bi kịch của tất cả những người dân Nga. Công trình vĩ đại được xây bằng máu trong bao năm phút chốc sụp đổ, lòng tin của nhiều người không còn như xưa nữa, rất nhiều cơ quan, xí nghiệp cũng giải thể hoặc sẽ được cải cách. Hiện, sự toàn vẹn lãnh thổ luôn phải chịu những nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố. Hơn thế nữa, các tập đoàn kinh tế chỉ biết lo cái lợi cho mình, không biết tới cái lợi cho toàn cục, đẩy nhiều người tới cảnh nghèo khó. Cần phải biết rằng, tất cả những thứ đó đều được sinh ra từ bi kịch trượt dốc về kinh tế, khủng hoảng tài chính”.

Cũng tháng 2-2004, khi nước Nga tổ chức cuộc diễn tập chiến lược với sự tham gia của nhiều quân, binh chủng, trên vị trí Tổng chỉ huy cuộc diễn tập, Putin có bài phát biểu quan trọng, trong đó có đoạn: “Trong thời kỳ Liên Xô, sự tồn tại của Liên Xô cùng với sức mạnh hạt nhân của mình chính là một nhân tố để ổn định sức mạnh trên toàn thế giới”.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Nga tháng 2-2013, Tổng thống Putin đã gửi thư chúc mừng. Trong thư, Tổng thống Putin bày tỏ niềm tin tưởng rằng Đảng Cộng sản LB Nga sẽ ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Không dừng lại ở đó, Putin còn ra sắc lệnh lấy ngày 7-11 (ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga 1917) làm ngày đoàn kết dân tộc hằng năm.

Ngày 25-1-2016, phát biểu tại diễn đàn liên khu vực do Đảng Mặt trận Nhân dân toàn Nga cầm quyền tổ chức, Tổng thống Putin cho biết: “Tôi rất thích và cho đến nay vẫn thích tư tưởng cộng sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đó là những lý tưởng tốt đẹp”.

Ngày 2-3-2018, tại Kaliningrad, khi được hỏi nếu có cơ hội, ông muốn thay đổi điều gì trong lịch sử Nga, Putin trả lời sẽ tìm cách ngăn Liên Xô tan rã. Kết quả bầu cử vào tháng 3-2018 cho thấy, Putin đã giành được 76% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống LB Nga. Putin sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong giai đoạn 2018-2024.

Người dân nghĩ gì?

Liên Xô đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới từ những năm 30 của thế kỷ 20. Theo thống kê năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần, thu nhập quốc dân tăng 112 lần so với năm 1922 (năm Liên Xô thành lập). Năm 1975, chỉ cần hai ngày rưỡi, Liên Xô đã sản xuất ra lượng sản phẩm bằng cả năm 1913 (năm cao nhất của đế quốc Nga cũ). Điều đáng tự hào là vào đầu những năm 80, cứ 5 người lao động ở Liên Xô thì có một người tốt nghiệp đại học hoặc các trường kỹ thuật. Số sinh viên của Liên Xô lớn gấp hai lần số sinh viên của 15 nước châu Âu cộng lại. Liên Xô là nước có nền khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ, có nhiều ngành đứng hàng đầu thế giới như khoa học vũ trụ, luyện kim và ngành chế tạo máy.

Nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief-người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1973 (thầy của Paul Samuelson-người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1970, Robert Solow-người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1987 và Vernon L.Smith-người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002)-từng ca ngợi nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô vì đã đạt được bước đại nhảy vọt về công nghiệp trong những năm 30. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher giai đoạn 1979-1990 vào tháng 11-1991 đã nói: “Liên Xô là một quốc gia luôn tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho thế giới phương Tây. Tôi không nói về đe dọa quân sự. Không có mối đe dọa quân sự nào hết. Các quốc gia phương Tây được vũ trang tốt, trong đó có cả vũ khí hạt nhân. Tôi đang nói về mối đe dọa kinh tế. Nhờ chính sách kế hoạch hóa kết hợp với các biện pháp khuyến khích về mặt tinh thần và vật chất, LB Xô viết đã đạt được các chỉ số kinh tế rất cao. Tỷ lệ phần trăm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân đã cao gấp đôi so với các nước chúng ta. Nếu chúng ta tính đến nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Liên Xô, sau đó, cùng với sự quản lý hợp lý của nền kinh tế, Liên Xô có những cơ hội thực sự để loại bỏ chúng ta khỏi thị trường thế giới. Do đó, chúng ta luôn phải áp dụng những biện pháp nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Liên Xô và tạo ra những khó khăn nội tại cho họ”.

Ngày 27-7-2015, Yevgeny Fyodorov, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho rằng: Liên Xô đóng góp 22% thu nhập toàn cầu, nhưng bây giờ nước Nga chỉ còn 2%. Theo kết quả cuộc khảo sát “Sputnik.Mneniya” do các công ty nghiên cứu thực hiện tại 11 quốc gia thuộc Liên Xô (trước đây) theo đơn đặt hàng của đài Sputnik được công bố vào năm 2016, tại 9 nước trong số đó hầu hết cư dân trên 35 tuổi cho rằng cuộc sống thời Liên Xô tốt hơn thời hậu Xô viết. Ở Nga, trong số những người được hỏi ý kiến, 64% người từng sống dưới thời Xô viết cho rằng chất lượng cuộc sống ở Liên Xô là cao hơn so với thời gian hậu Xô viết. Ở Kazakhstan, trong số những người ở độ tuổi này thì 61% cũng cho rằng cuộc sống ở Liên Xô là tốt hơn. Ở Ukraine, Moldova và Kyrgyzstan, 60% người được hỏi chia sẻ ý kiến này. Ở Belarus là 53%, ở Gruzia là 51%. Các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ cao nhất tại Armenia (71%) và Azerbaijan (69%).

Trong một cuộc thăm dò do trung tâm Levada ở Nga tổ chức vào tháng 4-2016, có tới 56% người được hỏi cho biết họ mong muốn Liên Xô vẫn tồn tại. Còn một cuộc điều tra gần đây của Trung tâm nghiên cứu công luận toàn Nga (VTsIOM) cho thấy, 64% người Nga sẽ bỏ phiếu cho việc gìn giữ Liên Xô nếu như hôm nay tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giống sự kiện được tổ chức vào ngày 17-3-1991, trong đó, các công dân Xô viết được hỏi là có cần thiết phải giữ đất nước dưới hình thức chính trị hiện hành hay không.

NGUYỄN VĂN TOÀN