LUÔN COI TRỌNG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CHO NHÂN DÂN VIỆT NAM

Chiều 9/2 tại Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ, trong đó trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu bồi thường liên quan đến chiến tranh Việt Nam, việc hai thuyền viên Việt Nam mất tích trong vụ lật tàu tại Hàn Quốc và tình hình công dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất.

Nêu cao tinh thần gác lại quá khứ và hướng tới tương lai

Liên quan tới phán quyết của toà án Hàn Quốc về vụ thảm sát của quân đội nước này tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam năm 1968, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho hay, đây là một trong nhiều vụ thảm sát mà quân đội nước ngoài đã gây ra cho nhân dân Việt Nam ở một số địa phương trong những năm cuối thế kỷ XX. Theo Phó Phát ngôn, Việt Nam quan tâm, theo dõi phán quyết của toà án miền Trung Seoul và luôn coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân Việt Nam.

“Trên tinh thần gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, Việt Nam muốn cùng với Hàn Quốc phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả, nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước”, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.

Luôn coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân Việt Nam -0
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại buổi họp báo thường kỳ. 

Được biết, tòa án khu vực Trung Seoul hôm 7/2 đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường hơn 30 triệu won (23.900 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn trong vụ kiện liên quan tới vụ thảm sát năm 1968 tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hội đồng xét xử thừa nhận rằng ngày 12/2/1968, binh lính thuộc Đại đội 1, Lữ đoàn 2 Thủy quân lục chiến của quân đội Hàn Quốc đã sát hại hơn 70 dân thường ở làng Phong Nhị, trong đó có người thân của nguyên đơn.

Số tiền bồi thường mà Hội đồng xét xử đưa ra dựa theo tính chất vi phạm pháp luật của vụ việc, tuổi của nguyên đơn, mức độ thiệt hại, mức độ xâm phạm nhân quyền và mức bồi thường trong các vụ án tương tự được tòa án các cấp đưa ra trước đó. Trong quá trình xét xử, nhiều nhân chứng, như binh lính tham chiến trong chiến tranh Việt Nam và người chứng kiến sự việc, đã trực tiếp làm chứng trước tòa.

Chưa tìm thấy hai thuyền viên Việt Nam mất tích

Luôn coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân Việt Nam -0
Lực lượng cứu hộ Hàn Quốc tìm kiếm các nạn nhân bên trong tàu cá gặp nạn tối 4/2. Ảnh: Yonhap.

Về sự việc một tàu cá của Hàn Quốc đã bị lật úp ngoài khơi bờ biển Tây Nam nước này hôm 4/2, khiến chín người mất tích trong đó có hai người Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt dẫn thông tin từ đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nêu rõ, hiện vẫn chưa tìm thấy hai công dân Việt Nam mất tích và công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Phó Phát ngôn thông tin: “Trong những ngày qua, đại sứ quán đã liên hệ với gia đình của hai công dân và thông báo hướng dẫn các thủ tục cần thiết liên quan để giải quyết về các vấn đề lãnh sự và bảo hộ công dân, đồng thời sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết để bảo vệ quyền lợi, quyền và lợi ích hợp pháp của của công dân Việt Nam”.

Theo Yonhap, tàu cá Cheongbo với 12 thuyền viên gặp nạn ở vùng biển ngoài khơi Tây Nam Hàn Quốc tối 4/2, trong đó ba người sống sót được một tàu thương mại cứu gần hiện trường. Chiếc tàu đánh cá nặng 24 tấn bị lật ở vùng biển cách đảo Daebichi không có dân cư 16,6 km về phía Tây, cách quận Sinan, tỉnh Nam Jeolla khoảng 20 km về phía Tây Nam.

Giới chức Hàn Quốc đã triển khai 30 tàu cảnh sát biển và ít nhất tám máy bay quân sự tìm kiếm quanh khu vực tàu chìm. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kêu gọi các quan chức huy động "mọi nguồn lực sẵn có" để mở rộng cuộc tìm kiếm cũng như hỗ trợ gia đình các thuyền viên mất tích.

Khẩn trương cập nhật thông tin về người Việt sau vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình công dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm hoạ động đất kinh hoàng hôm 6/2, khiến hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và người dân của hai quốc gia này về những thiệt hại vô cùng to lớn mà thảm họa động đất gây ra. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có các hình thức chia buồn với Chính phủ hai nước này”.

Luôn coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân Việt Nam -0
Số nạn nhân thiệt mạng vì trận động đất kinh hoàng ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria tăng lên gần 16.000. Ảnh: Getty.

Trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng của hai nước sở tại và các đầu mối của cộng đồng người Việt Nam tại đây để tìm hiểu thông tin về khả năng có công dân Việt Nam gặp nạn hay không.

Ông Đoàn Khắc Việt cập nhật: “Cho đến nay, công tác cứu nạn vẫn đang được triển khai tích cực và cũng chưa có thông tin gì về việc có công dân Việt Nam bị thương vong tại hai nước nói trên”.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria vẫn sẽ tiếp tục tích cực theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng chủ động các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Syria rất tốt đẹp. Việc hỗ trợ cứu trợ thảm hoạ sẽ được phía Việt Nam suy nghĩ tích cực.

CAND ONLINE