BREXIT ĐƯỢC GỌI TÊN KHI CHÍNH TRƯỜNG ANH LIÊN TIẾP GẶP “SÓNG GIÓ”

Truyền thông Anh cũng như dư luận tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhận định, việc bà Liz Truss lùi bước là do sai lầm trong chính sách cắt giảm thuế mà nội các của bà công bố hồi tháng 9.

Tuy nhiên, với bức tranh chính trị tại Anh như hiện nay, giới chuyên gia nêu quan điểm rằng quyết định Brexit (Anh rời EU) 6 năm về trước, có thể là một trong những yếu tố cấu thành.

The Guardian ngày 21/10 dẫn lời Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho rằng, 6 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit, công dân Anh dường như đã khá quen với những cuộc khủng hoảng, từ chính trị, lao động, thực phẩm cho tới nhiên liệu, vốn được coi là nền tàng cho sự ổn định của một đất  nước.

Thủ tướng Ireland bày tỏ: “Anh và Ireland có quan hệ mật thiết từ chính trị tới kinh tế nên sự ổn định của mỗi nước đóng vai trò vô cùng quan trọng”. Theo ông Micheal Martin, tình hình hiện nay đòi hỏi “Xứ sở sương mù” cần sớm có một lãnh đạo đủ tầm giữ “ghế nóng”, nhấn mạnh người này cần biết rút kinh nghiệm sâu sắc từ hậu quả của các quyết định vội vàng.

Brexit được gọi tên khi chính trường Anh liên tiếp gặp “sóng gió” -0
Chính trường Anh liên tiếp gặp "sóng gió" kể từ quyết định Brexit năm 2016. Ảnh: Getty.

CNN dẫn lời giới chuyên gia phân tích, ban đầu, con đường Brexit mà Chính phủ Anh theo đuổi có mục tiêu là thoát khỏi EU, khôi phục sự tự do về chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư và công nghê.

Nhưng rõ ràng, việc Anh muốn “Brexit hoàn toàn” một cách nhanh chóng đã khiến các nhà đàm phán nước này “phải chạy deadline”, và có thể đã bỏ lỡ những điều khoản quan trọng trong các lĩnh vực như năng lượng hay lao động.

Về kinh tế, tháng 8/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo rằng nước này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế cuối năm 2022 và không thoát khỏi viễn cảnh này cho đến đầu năm 2024, phần lớn là do mức sống bị ảnh hưởng từ việc tăng giá năng lượng.

Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố hôm 19/10 cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh ghi nhận trong tháng 9 đã tăng từ 9,9% hồi tháng 8 lên 10,1%. Chỉ số này là mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.

Về chính trị, sau Brexit, phe ủng hộ và phe phản đối Brexit vẫn là hai đường thẳng song song. Nhất là khi thị trưởng gặp khủng hoảng, các cuộc đối đầu giữa các phe ngày càng gay gắt hơn, dẫn tới sự mất ổn định.

Kể từ năm 2016, Anh đã trải qua 4 đời Thủ tướng gồm ông David Cameron, bà Theresa May, ông Boris Johnson và bà Liz Truss. Trong khi giai đoạn 1979 - 2010, nước này chỉ có 4 Thủ tướng tại vị gồm bà Margaret Thatcher, ông John Major, ông Tony Blair và ông Gordon Brown.

Về xã hội, khi kinh tế giảm sút và chính trị bất ổn, mức tín nhiệm của người dân đối với chính phủ cũng từ đó tụt dốc. Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters mới công bố cho thấy, hiện chưa đến 40% người dân Anh tin tưởng vào Chính phủ so với mức 50% vào năm 2010.

Giới chuyên gia nhận định, rõ ràng, Brexit đã phần nào làm yếu đi các nền tảng của sự ổn định tại Anh. Thêm nữa, đại dịch COVID-19 trong 3 năm qua và cả chiến sự tại Ukraine đã “giáng đòn” quyết định, khiến sóng gió bủa vây “xứ sở sương mù”.

CAND ONLINE