XÓA SỔ TIỂU ĐOÀN NGỤY

Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận chiến đấu xóa sổ tiểu đoàn Mi Khai Phoọc (ngụy Sài Gòn) của Thiếu tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đinh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 878 (Sư đoàn 357, Quân khu 2) vẫn còn nguyên vẹn.

Đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Văn Đinh tại thôn Thanh Huệ, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, chúng tôi được nghe ông kể: “Khoảng những năm 1968-1969, ở tỉnh Bình Long (Bình Phước ngày nay) có một tiểu đoàn ngụy quân địa phương mang tên của viên tiểu đoàn trưởng Mi Khai Phoọc. Tiểu đoàn này chuyên huấn luyện trẻ mồ côi và con em các dân tộc thiểu số tại địa phương. Bọn chỉ huy thâm độc đã tiêm nhiễm vào quân lính tư tưởng phản động cực đoan, tăng cường các hoạt động biệt kích, luồn sâu vào đội hình Quân Giải phóng, đánh phá, bắt người rồi chặt đầu mang bêu giữa đường, giữa chợ nhằm uy hiếp đồng bào yêu nước.

Không thể để bọn chúng tác quái, trung tuần tháng 11-1969, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 24 súng máy cao xạ 12,7mm, Sư đoàn 7, Bộ tư lệnh Miền) được đồng chí Đàm Văn Ngụy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 giao nhiệm vụ tăng cường cho Trung đoàn 209 của sư đoàn, trừng trị tiểu đoàn Mi Khai Phoọc ở ngoại vi thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Long.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi-Đại đội trưởng Đại đội 3-tổ chức trinh sát, nắm chắc hoạt động của đối phương rồi chỉ huy đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa giữa đêm cuối tháng. Bọn Mi Khai Phoọc “đánh hơi” thấy chúng tôi nên tổ chức phục kích. Chúng cho nổ hai quả mìn claymore ở cách đội hình Đại đội 3 đang hành quân vài chục mét rồi xả liên tục những tràng đại liên xong rút ngay. Hành động này là một đặc điểm tác chiến của tiểu đoàn Mi Khai Phoọc mà trinh sát ta đã nắm được. Chúng không biết rằng, bộ đội Đại đội 3 dày dạn kinh nghiệm đối phó với địch phục kích nên hạn chế tối đa thương vong.

 

Ông Nguyễn Văn Đinh (bên trái) kể về trận chiến đấu. 

Lúc 3 giờ sáng, Đại đội 3 triển khai lực lượng xong. Tất cả súng 12,7mm đều được bố trí ở những điểm lợi thế, cố định tầm bắn ngang thân quân giặc khi chúng vận động chiến, nhưng hướng bắn thì linh hoạt, có thể xoay những góc độ theo mệnh lệnh của chỉ huy đại đội. Chiến sĩ liên lạc của đại đội Lại Văn Hiểu làm nhiệm vụ quan sát xung quanh hầm chỉ huy; Nông Văn En phụ trách tổ tiền tiêu vào các vị trí quan sát. Tất cả chờ lệnh của đại đội trưởng.

Tờ mờ sáng, quân Mi Khai Phoọc bắt đầu hành quân qua khu vực quân ta bài binh bố trận. Chúng ranh mãnh, không đến từ hướng tiền tiêu ta dự định mà theo một hướng chếch rất hẹp tiến vào hầm chỉ huy Đại đội 3, dọn đường bằng một quả lựu đạn bay qua nóc hầm của tôi, rơi trước mặt đồng chí Hiểu vài mét. Tôi vừa kéo giật Hiểu vào hầm thì một quả nổ tiếp đúng chỗ anh ấy vừa đứng. Trên không, chiếc máy bay UH-1A của Mỹ vòng lượn chỉ huy hành động của quân lính dưới đất.

Xác định bọn Mi Khai Phoọc còn cách hầm chỉ huy Đại đội 3 khoảng 30m, tôi giao nhiệm vụ cho xạ thủ Nguyễn Văn Biên, khi tôi bắn máy bay thì nã đạn 12,7mm về hướng lựu đạn địch vừa bay tới, rê một góc 45 độ. Sau đó giây lát, máy bay UH-1A địch sà thấp ngay trước mặt. Tôi nã vào nó một băng đạn AK cùng lúc xạ thủ Biên giội lửa 12,7mm vào mục tiêu được giao. Chiếc máy bay UH-1A cố lao vài trăm mét thì lộn nhào bốc lửa. Ở phía đồng chí Biên nổ súng, cây cối tơ tướp bởi đạn 12,7mm xuyên thẳng. Cùng lúc ấy, đại đội hỏa lực của Trung đoàn 209 do anh Đồng Văn Đóm chỉ huy cũng tấn công vào các mục tiêu. 15 phút sau, trận địa trở lại im như tờ.

Từ đấy trở đi, chúng tôi không hề thấy bóng dáng cái tiểu đoàn Mi Khai Phoọc ấy nữa”.

QĐND Online