TỤC THỜ CÚNG VUA HÙNG Ở HUẾ

Không phải sau này người Huế mới có lệ thờ cúng Hùng Vương. Ngay từ buổi vác cuốc cày, gồng gánh con trẻ vượt Hoành Sơn vào đây cắm cây nêu xác lập chủ quyền trấn trị, người Việt vùng Thuận Hóa - Phú Xuân, sau này là kinh đô Huế đã có lệ thờ cúng Hùng Vương; đồng thời, còn thờ luôn cả các vị vua, vị tướng có công với đất nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.

 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như là một ký ức tập thể, kỷ niệm của Nhân dân về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao. Ảnh: TTXVN

Ở vùng đất mới, ngoài việc thờ cúng tổ tiên người Việt, mỗi năm hai lần, người Huế còn thu sản vật từ vườn nhà để dâng lên cúng tế các thần linh tiền trú khuất mặt “từng là chủ nhân trước đây của xứ sở này” mà ngày nay thường gọi là “Cúng Kỳ An hay cúng đất tháng Hai, tháng Tám” một cách thành kính. Những việc thờ cúng này vốn chỉ tồn tại trong đời sống dân gian ở cấp độ tùy tâm, tùy người nhằm “tri ân tổ tiên, tưởng nhớ về cội nguồn”. Mãi sau năm 1802, khi nhà Nguyễn chọn đất Huế để đóng kinh đô, đặt Quốc hiệu Việt Nam thì tục thờ cúng ấy mới được chú ý và được đưa vào điển lệ. Việc thờ cúng các vua Hùng trở thành nghi lễ quan trọng do triều đình trực tiếp tổ chức.

Cùng với việc xây dựng đền miếu thờ tự các bậc công thần mở cõi, những người trung nghĩa có công với triều đại, với đất nước, nhà Nguyễn còn cho xây dựng miếu Lịch Đại Đế Vương (mà người Huế thường đọc trại thành Lịch Đợi Đế Vương) trên một ngọn đồi khá rộng và bằng phẳng để thờ Hùng Vương và những vị vua của các triều đại có công dựng nước và giữ nước.

Sách Đại Nam nhất thống chí (tập Thừa Thiên phủ) cho biết, miếu Lịch Đợi Đế Vương được xây dựng “Ở địa phận làng Phú Xuân, phía ngoài Kinh thành, hướng về phía nam, lập từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823)” (nơi ấy, nay có xóm Lịch Đợi, đường Lịch Đợi nằm phía sau ga Huế, thuộc phường Phường Đúc). Nhà chính 5 gian, bên cạnh gian chính thờ các vị vua trong truyền thuyết như Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế… còn có 6 bàn thờ chính khác, gồm": 1. Bàn thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Đinh Tiên Hoàng Đế. 2. Bàn thờ các vua Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Thánh Tông, Nhân Tông. 3. Bàn thờ các vua Trần Thái Tông, Nhân Tông, Anh Tông. 4. Bàn thờ các vua Lê Thái Tổ, Thái Tông, Trang Tông. 5. Phía đông dựng gian thờ các danh thần: Nguyễn Bặc, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu, Lê Niệm, Lê Xí, Hoàng Đình Ái. 6. Phía tây dựng gian thờ các danh thần: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Đinh Liệt, Lê Khôi, Trịnh Duy Thuận, Phùng Khắc Khoan…

Hàng năm, cứ vào ngày Tân đầu tháng Hai (Âm lịch), triều đình cử quan lại cao cấp (nhận ủy thác, thay mặt nhà vua), sắm lễ vật đến miếu tế. Ví như năm Quý Mão này, được tế vào ngày mồng 3 (Âm lịch) nhằm thứ sáu ngày 22/2/2023. Cũng có năm nhà vua thân hành đến làm chủ lễ. Chẳng hạn như năm Minh Mạng thứ 11 (1810) và 21 (1840), nhà vua hai lần đến tế; năm 1843 và 1846 vua Thiệu Trị tự thân đến lễ; năm 1850 vua Tự Đức dẫn đầu các quan đến làm chủ tế.

Đây là một lễ tế quan trọng, triều Nguyễn xếp vào hàng đứng đầu các lễ chính trong năm. Điển lễ này kéo dài cho đến sau Cách mạng tháng 8/1945. Riêng ngôi miếu Lịch Đợi Đế Vương, phần thì do chiến tranh, phần do những người dân di cư đến ở vùng này phá bỏ sau năm 1954. Mặc dù ngôi miếu bị phá, những năm đất nước còn đang chia cắt, cứ vào tháng Hai (Âm lịch), theo lịch cũ, lệ cũ, người dân Huế, nhất là người dân theo đạo Phật ở vùng Lịch Đợi vẫn âm thầm bảo nhau lập đàn lộ thiêng, sắm lễ vật dâng lên cúng tế các vua Hùng.

Mấy chục năm gần đây, đất nước có nhiều đổi thay, Giổ Tổ Hùng Vương ở Huế được phục hồi trở lại, tại một số  ngôi chùa, đền thờ thánh rất đông người dân đến dâng lễ cúng Quốc Tổ diễn ra một cách thành kính. Và một trong những việc bảo tồn tục lệ này là trong các bài văn tế, câu đầu tiên bao giờ cũng được xướng lên “Nhớ thuở Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước”…

Huế bây giờ là thành phố Cố đô lịch sử, nơi còn lưu giữ được khá nhiều tế lễ theo nghi thức cung đình và dân gian, dù đứng trước những đổi thay của đời sống hiện đại nhưng lễ nghi ở Huế vẫn ít bị pha tạp, ít bị biến tướng. Giổ Tổ Hùng Vương bây giờ không chỉ là tập tục thờ cúng thuần túy, mà đã trở thành một cách ứng xử văn hóa với tiền nhân, một nghi thức biểu trưng của sự “cố kết lòng dân” hướng về cội nguồn Đất Việt. Chính vì vậy, tục thờ cúng Hùng Vương có một sức sống mãnh liệt nằm sâu trong tâm thức của người dân Huế và Việt Nam theo một lẽ tự nhiên.

Dương Phước Thu