THIỆP CHÚC TẾT CỦA BÁC PHIÊU

Do công việc, tôi hay về Thuận An. Về hoài thành ra thân thiết như con cháu trong nhà của nhiều người cao tuổi ở đây, đặc biệt là ông Lê Văn Tẩy và ông Nguyễn Văn Hà - ở làng Rồng - tổ dân phố An Hải, phường Thuận An.

Hình ảnh tấm thiệp chúc tết của bác Lê Khả Phiêu 

Nhà ông Tẩy và nhà ông Hà ở gần nhau. Hai ông ngày trước là bạn đi biển, một thời ăn sóng, nói gió, chuyện nghề vui buồn đều chia sẻ cùng nhau, bây giờ cao tuổi, hai ông trở thành bạn trà đàm đạo mỗi ngày. Tôi về thăm một ông là thăm luôn hai ông, vui là vậy. Nói về chuyện tết xưa, tết nay, rồi kể sang chuyện những kỷ niệm với cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Hà hớn hở nói: “Để ông về nhà lấy tấm thiệp chúc tết của bác Lê Khả Phiêu tặng dân làng Rồng cho con coi hí”. Nói rồi ông đứng dậy, nhanh nhẹn đi về nhà lấy món quà kỷ niệm mà ông giữ gìn, trân trọng như một cách cất giữ tấm lòng của một vị lãnh đạo cao nhất nước dành cho những người dân làng Rồng, sau cơn hoạn nạn cách đây một phần tư thế kỷ.

Làng Rồng là ngôi làng được thành lập sau trận đại hồng thủy năm 1999. Cái đêm kinh hoàng 2/11/1999, đập Hòa Duân bị vỡ, 64 ngôi nhà sụp đổ, chìm trong biển nước, 14 người thiệt mạng. Mất mát đau thương bao trùm, bà con trắng tay sau cơn lụt thế kỷ. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm, sau đó Bộ Quốc phòng khởi công xây dựng 64 căn nhà cho 64 gia đình. Chính tên làng Rồng là do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt. Làng Rồng ra đời từ đó.

Ông Hà trở lại với chiếc phong bì màu hồng nhạt với nụ cười rạng rỡ. Cả ba ông cháu cùng xem. Đó là chiếc phong bì kích cỡ cũng bằng những thiệp chúc tết khác, nhưng đặc biệt ở chỗ trên chiếc phong bì có hình trống đồng in chìm, phía góc trái, trên cao là dòng chữ “LÊ KHẢ PHIÊU - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”, phía dưới là dòng chữ “Xuân Mậu Tuất 2018” cùng với cành hoa mai và hoa đào điểm xuyết những chiếc lá xanh, ở giữa bì thư là dòng chữ “Chúc mừng năm mới - Happy new year” in bay bổng, mềm mại.

Cẩn thận mở chiếc phong bì, ông Hà lấy ra tấm thiệp chúc tết. Trên nền giấy trắng đã hơi ngả màu, nổi bật dòng chữ màu vàng dịu dàng “Chúc mừng năm mới - Happy new year” bằng tiếng Việt và tiếng Anh cùng chữ ký của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt bên kia của tấm thiệp in hình dòng sông và những chiếc thuyền du lịch, xa xa là mái chùa Bái Đính - Ninh Bình. Chỉ vào chữ ký của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Hà xúc động nói: “Sau cơn lũ lịch sử, bác Lê Khả Phiêu mấy lần vô thăm làng Rồng, lần nào cũng tặng quà. Những năm sau vì sức khỏe không về được thì bác gửi quà và thiệp chúc tết. Bà con làng Rồng ơn bác lắm”.

 Hai người bạn cao niên là ông Hà và ông Tẩy bên bàn trà đầu xuân

Ông Lê Văn Tẩy cũng ngắm nghía tấm thiệp rồi nhớ lại “Hồi đó mỗi lần bác về thăm làng Rồng là ông đều có mặt. Ông nhớ bác Lê Khả Phiêu còn động viên ông nhận tàu mà đi biển và khuyên bà con cố gắng làm ăn, xây dựng làng Rồng”. Rồi ông Tẩy chỉ tay ra phía đường, nói: “Bây giờ nhiều bà con làng Rồng đã giàu lên, xây nhà lầu 2-3 tầng, con cháu đi học đàng hoàng, còn một số ít chưa vươn lên được, ông cũng mong Nhà nước quan tâm cho những hộ này, nhưng nhìn chung cũng ổn định. Nghĩ lại trước đây, nhờ được cấp ngôi nhà mà người dân làng Rồng, cha mẹ, con cái còn ở bên nhau làm ăn đến bây giờ, nếu không thì ly tán mưu sinh, vì tiền mô mà mua đất xây nhà, tiền mô mà làm nhà”.

Những chén trà ấm làm cuộc trò chuyện của ba ông cháu càng thêm phần thân thiết. Tấm thiệp được ông Hà cất lại cẩn thận trong phong bì. Ông nhìn tôi cười hiền lành: “Mình dân thường mà được bác Lê Khả Phiêu tặng thiệp chúc tết, không dễ gì có được nên phải trân trọng. Nay bác không còn, ông giữ tấm thiệp này để kỷ niệm về bác Phiêu, nhớ về một người đã rất thương dân làng Rồng”.

Chia tay hai ông ra về, tôi thấy lòng ấm áp. Những người dân làng Rồng chân chất, hiền lành đã sống đúng với truyền thống đạo đức của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Một mùa xuân mới đang về, ở một ngôi làng nhỏ ven biển ở Thừa Thiên Huế có một lão ngư đã giữ gìn cẩn thận “tấm thiệp chúc tết của bác Phiêu”, kỷ vật đơn sơ nhưng tấm lòng của người tặng và người nhận thì vô cùng ấm áp.

Báo Thừa Thiên Huế online