NGÀY 28-4-1975, PHÁ VỠ CÁC KHU PHÒNG THỦ, ÁP SÁT NỘI ĐÔ SÀI GÒN

Ngày 28-4-1975, các hướng của ta tăng cường vây ép Sài Gòn, phá vỡ các khu phòng thủ vòng ngoài của đối phương, ngăn chặn không cho các sư đoàn chủ lực của đối phương co cụm về vùng ven nội thành.

Hướng Đông do Quân đoàn 4 đảm nhiệm, đêm ngày 28-4, mũi thọc sâu Sư đoàn 7 hành tiến theo đường quân sự làm gấp đến Suối Đỉa, sau đó theo Đường số 1 vào Long Lạc, Hố Nai thì bị đối phương chặn lại. Tại đây, hai Sư đoàn Bộ binh (341, 6) đang tập trung lực lượng đột phá Hố Nai, nên Sư đoàn 7 phải tạm dừng. Đòn tiến công của Quân đoàn 4 từ Hố Nai đến Tam Hiệp diễn ra hết sức ác liệt. Lữ đoàn Tăng thiết giáp 3, lữ đoàn dù 4 và lực lượng địa phương quân Sài Gòn dựa vào hệ thống phòng thủ khá vững chắc, gồm nhiều tuyến hào chống tăng, trận địa hỏa lực, bãi mìn, vật cản dày đặc, ngoan cố chống trả các đợt tiến công của ta, khiến cuộc tiến công của Quân đoàn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Ngày 28-4-1975, phá vỡ các khu phòng thủ, áp sát nội đô Sài Gòn

Trận địa pháo 130mm của Quân giải phóng pháo kích vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy ngày 28-4-1975. Ảnh tư liệu.

Sáng 28-4, ở hướng Đông Nam của Quân đoàn 2, Sư đoàn bộ binh 325 tập trung lực lượng và hỏa lực, chia thành nhiều mũi, đồng loạt tiến công mãnh liệt vào Nhơn Trạch. Sau nhiều giờ chiến đấu, ta đã làm chủ Nhơn Trạch. Sư đoàn bộ binh 325 nhanh chóng đưa một bộ phận Lữ đoàn Pháo binh 164 vào chiếm lĩnh trận địa, nã đạn xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Đêm 28-4, phối hợp tác chiến với các binh đoàn chủ lực trên hướng Đông và Đông Nam, các đơn vị bộ đội chủ lực Miền được tăng cường một bộ phận của Đoàn đặc công 193, Đoàn đặc công 113 mở cuộc tiến công giành lại và chốt giữ các đầu cầu. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thế giằng co hết sức ác liệt. Ở cầu xa lộ Đồng Nai, mặc dù địch tổ chức bố phòng nhiều tầng, cả dưới sông và trên hai đầu cầu, nhưng sau hơn 3 giờ bí mật tiếp cận thành công, một bộ phận lực lượng của Đoàn đặc công 116 bất ngờ nổ súng đánh chiếm và trụ lại chốt giữ cầu, bảo đảm cho các mũi thọc sâu bộ binh cơ giới hành tiến vào nội đô.

Trên hướng tiến công Tây Bắc, Quân đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh 316 tiếp tục đánh bại hai đợt phản kích của bộ binh và xe tăng địch nhằm nới rộng vòng vây bảo vệ Trảng Bàng. Trước thế trận vây ép và liên tục công kích mạnh của ta, ngày 28-4, một tiểu đoàn của trung đoàn 50 địch ra đầu hàng. 

Trên hướng Bắc do Quân đoàn 1 đảm nhiệm, sáng 28-4, Bộ tư lệnh Sư đoàn 320B quyết định tập trung một bộ phận lực lượng của 2 trung đoàn (27, 48) và một số phân đội hỏa lực chiến thuật tiến hành đột phá dứt điểm sân bay Ông Lĩnh, mở toang cửa cho bộ đội cơ động sang Đường 16, phát triển tiến công theo đúng kế hoạch.

Quân đoàn 1 đã cơ bản phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của đối phương ở bắc Sài Gòn. Các tuyến đường chiến lược 13, 14 đã bị Sư đoàn 312 chia cắt và phong tỏa. Sư đoàn 5 địch hoàn toàn bị bao vây cô lập, chẳng những không về ứng cứu được cho Sài Gòn mà các trung đoàn trong sư đoàn cũng không thể ứng cứu chi viện cho nhau. Ngày 28-4, ta cho bắn 10 quả đạn mang theo truyền đơn vào căn cứ Lai Khê, đồng thời dùng loa phóng thanh công suất lớn kêu gọi binh lính sư đoàn 5 hạ vũ khí đầu hàng.

Trên hướng Tây và Tây Nam do Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm, sau khi đánh chiếm khu vực An Ninh, Lộc Giang, Sư đoàn Bộ binh 3 vượt sông Vàm Cỏ Đông, mở rộng bàn đạp. Ngày 28-4, Sư đoàn phát triển tiến công đánh chiếm chi khu Đức Hòa, chi khu Đức Huệ, diệt căn cứ Trà Cú. Tàn quân địch ở Hậu Nghĩa chạy về hướng Củ Chi, bị Tiểu đoàn 1 Gia Định mai phục diệt và bắt hơn 500 tên. Cùng thời gian, mũi thọc sâu Sư đoàn 9 tổ chức vượt sông Vàm Cỏ Đông. Nhân dân địa phương đã huy động lực lượng, đóng góp phương tiện, giúp bộ đội cơ động trên địa hình sình lầy. Đặc biệt, khi Tiểu đoàn và các phân đội xe cơ giới tăng cường cho Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông thì trời đổ mưa. Xe tăng, xe thiết giáp và xe kéo pháo hạng nặng bị sa lầy, không thể tiến lên được. Ngay lập tức, nhiều người dân vùng Đức Huệ đã tự nguyện tháo dỡ nhà ở của mình, lấy gỗ, gạch, ngói lót đường, chống lầy cho xe, pháo vượt qua. “Xe chưa qua nhà không tiếc” là quyết tâm, là khẩu hiệu hành động của nhân dân các địa phương Khu 4 trên miền Bắc những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại lại sống dậy trong những ngày cuối tháng 4-1975 ở vùng sông nước Nam Bộ.

Cùng lúc Sư đoàn 5 và Sư đoàn 3 tiến công tiêu diệt sư đoàn 22 địch ở khu vực Thủ Thừa, Tân An, Đức Huệ, Đức Hòa, Trung đoàn 16 cũng nổ súng đánh chiếm hai cụm địch bảo vệ cầu Bình Điền và An Lạc, các Trung đoàn đặc công 115 và 117 mật tập Trung tâm truyền tin Phú Lâm ấp Bình Đông, ấp Bình Hưng, tạo bàn đạp cho lực lượng Sư đoàn 9 thọc sâu áp sát vào nội đô.

 

Ngày 28-4-1975, phá vỡ các khu phòng thủ, áp sát nội đô Sài Gòn

Phi đội Quyết thắng trước trận đánh bom Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu

Sự xuất hiện của các binh đoàn chủ lực Quân Giải phóng hùng mạnh xung quanh Sài Gòn càng làm cho nội bộ chính quyền Sài Gòn phân hóa mạnh mẽ. Cao Văn Viên - tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, sau khi ký lệnh "tử thủ đến cùng để giữ các phần đất còn lại" đã vội bỏ ra nước ngoài. Một loạt tướng tá quân đội Sài Gòn khác cùng gia đình hoảng hốt tìm cách di tản.

Chiều 28-4, Trần Văn Hương đã phải tổ chức trao quyền cho Dương Văn Minh. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống - tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Dương Văn Minh kêu gọi quân đội tiếp tục “giữ vững hàng ngũ, giữ vững vị trí để hoàn thành nhiệm vụ mới là bảo vệ phần đất còn lại”. Không đầy 10 phút sau khi Dương Văn Minh kết thúc diễn văn nhậm chức, Phi đội "Quyết thắng" không quân ta gồm 5 chiếc A37 ta thu của địch, do Đại úy Nguyễn Thành Trung dẫn đường, từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) đã ném bom chính xác xuống đường băng, khu để máy bay sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay các loại, diệt và làm bị thương hơn 100 tên, phá hỏng và làm tê liệt hệ thống chỉ huy, điều khiển tại sân bay. Trận tập kích bằng không quân táo bạo và bất ngờ càng làm tăng nỗi kinh hoàng, hỗn loạn trong hàng ngũ địch.

QĐND online