KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946-19/12/2021) BÀI HỌC CỦA Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG

Cách đây 75 năm, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhân dân cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau trân trọng và xúc động lắng nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát cao, chứa đựng tư tưởng, quan điểm, đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân đánh giặc, lâu dài, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi.

Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, lệnh nổ súng kháng chiến trên toàn quốc bắt đầu. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch vang lên, thúc giục quân dân cả nước đồng lòng đứng lên cứu quốc.

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” (1).

Toàn thể dân tộc Việt Nam buộc phải đứng lên cầm súng chống thực dân Pháp là một tình thế bất đắc dĩ. Vì yêu chuộng hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Sự nhân nhượng chỉ có giới hạn. Khi độc lập của Tổ quốc, tự do cho Nhân dân Việt Nam không còn bảo đảm được nữa, khi mà lòng nhẫn nhịn, hòa khí nhún nhường để gìn giữ hòa bình buộc phải thay thế bằng lòng tự hào dân tộc, khí phách quật cường của người Việt Nam thì hào khí “Sát thát” của cha ông lại được nhân thành tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà chết không chịu làm nô lệ”.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch là tiếng gọi của non sông đất nước, là mệnh lệnh cách mạng tiến công, thôi thúc, giục giã mọi người dân Việt Nam đứng dậy cứu nước, chấm dứt chiến tranh, đi đến hòa bình. Khát vọng yêu chuộng hòa bình ấy đã khắc sâu trong tâm khảm người Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Khát vọng đó đã được thực hiện bằng chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và chiến thắng 30/4/1975.

Để chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Việt Nam, ngay sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình. Đường lối đối ngoại “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nhất quán triển khai thực hiện sâu rộng và liên tục trong mọi thời kỳ, trên mọi lĩnh vực.

Chúng ta đã chủ động hòa giải với các nước đã từng gây ra chiến tranh và tham chiến ở Việt Nam. Với tinh thần hòa bình, hợp tác và nhân đạo, Việt Nam không chỉ tích cực giải quyết vấn đề tù binh mà còn đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm, trao trả hài cốt những quân nhân Mỹ mất tích sau chiến tranh. Chúng ta đã chủ động đẩy mạnh các quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực nhằm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Những nỗ lực đó của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, không chỉ được nhân dân các nước, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, cộng đồng trên thế giới hoan nghênh, ghi nhận mà ngay cả những chính phủ, gia đình và nhân dân những nước trước đây đã từng có thái độ thù địch, tham gia chiến tranh ở Việt Nam, đánh giá cao.

Lời kêu gọi: “Chúng ta muốn hòa bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp không chỉ vang vọng và khắc sâu trong tâm khảm mọi thế hệ người Việt Nam, mà đó còn chính là những tư tưởng chỉ đạo cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá Vũ Như Khôi đã viết: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến “đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng: Mỗi khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc...”. Với ý chí, quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, chúng ta có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu tới” (2).

75 năm trôi qua, lời kêu gọi thiêng liêng ấy đã hun đúc và nhân lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên những chiến công rạng rỡ trong các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam” (3), được khẳng định một lần nữa tại Đại hội XIII của Đảng. Với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn.

Thừa Thiên Huế online