ĐỈNH CAO NỀN NGOẠI GIAO CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Thành công trên mặt trận không tiếng súng ấy là minh chứng hào hùng cho tầm nhìn chiến lược vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được kết tinh thành chân lý, cụ thể thành bài học, và hiện thực hóa bởi chính nhà cách mạng, cũng là học trò xuất sắc của Người: Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.

3-1.jpg -0
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cái bắt tay lịch sử với đối thủ của ông - cố vấn Mỹ Henry Kissinger. Ảnh Tư liệu.

Người từ chối giải Nobel Hòa bình

Tháng 4/1968, khi đang công tác ở chiến trường Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị triệu tập gấp ra miền Bắc để chuẩn bị đảm nhiệm trách nhiệm “cố vấn đặc biệt” của đoàn Đại biểu Nhà nước ta tham gia cuộc đàm phán với phía Mỹ ở Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn. Có một sự trùng hợp rằng, năm 1965, đồng chí Lê Đức Thọ từng được cử sang thăm Pháp nhằm vận động dư luận quốc tế lên án Mỹ xâm lược và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Song lần này, với vai trò “tướng cầm quân ngoài mặt trận” tại bàn đàm phán Hiệp định Paris, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị giao cho toàn quyền quyết định, xử lý mọi vấn đề theo nguyên tắc bảo vệ bằng được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc. Và sự tài tình của vị tướng ấy đã được công nhận bởi chính đối thủ của mình.

Trong ký ức của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger, cố vấn Lê Đức Thọ là một đối thủ không hề đơn giản, với những ấn tượng sâu sắc ngay từ lần gặp đầu tiên: “Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc marông. Đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ điều gì đã thôi thúc ông khi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo... Lê Đức Thọ tiếp tôi với sự lễ phép có khoảng cách của con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như hạ cố”. Cũng phải thôi, bởi lập trường rất kiên quyết, lời nói rất đanh thép của nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Đức Thọ trên bàn đàm phán đã khiến vị “trưởng lão” trong làng ngoại giao Mỹ phải dè chừng.

Còn với nhà ngoại giao Phạm Ngạc - người trực tiếp tham gia phiên dịch cho đoàn đàm phán của ta trong suốt 5 năm hòa đàm – trong những chia sẻ của mình kể rằng, đồng chí Lê Đức Thọ thường khoét sâu sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ như một đòn tâm lý. Có lần, ông Kissinger ngoan cố đòi thảo luận lại các nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận về chính trị nội bộ miền Nam, cố vấn Lê Đức Thọ đã trả lời: “Các ông có muốn đàm phán nữa không? Nếu ông cố vấn muốn thôi thì chúng tôi cũng thôi, mà muốn bàn nữa thì chúng tôi bàn, mà bàn thì phải có đi có lại”. “Ông cố vấn đưa ra một tối hậu thư?”, Kissinger gặng hỏi. Lê Đức Thọ đập bàn, gằn giọng: “Về chương IV thì đúng như thế. Mấy chữ chúng tôi nói không thể nào thay đổi: ba thành phần, hội đồng các cấp, tên hội đồng. Ba điều đó chúng tôi không nhân nhượng!”. Những sắc thái trên bàn đàm phán của vị cố vấn đặc biệt đã khiến Kissinger phải thốt lên trong hồi ký rằng: "Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện trên bàn đàm phán Hiệp định không phải là ông Lê Đức Thọ".

Đàm phán Hiệp định Paris khép lại, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ mang chiến thắng trở về và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp thống nhất non sông. Năm 1973, ông được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng với Henry Kissinger, nhưng từ chối, với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Xin được mượn lời của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên để vẽ nên chân dung nhà ngoại giao xuất sắc này: "Điều làm nên thành công của Lê Đức Thọ là ông đã nhuần nhuyễn, có trí tuệ để thực hiện điều mình cần và mục tiêu đề ra. Trí tuệ của ông là tìm ra được một giải pháp mà giải pháp đó lại đúng với lợi ích của ta. Cái khó trong ngoại giao đối với nhà đàm phán là lúc nào thì “nhu”, lúc nào thì “cương”, thậm chí lúc nào thì nặng lời với đối phương. Ông Lê Đức Thọ đã thành công trong việc ứng xử linh hoạt này, khiến Kissinger phải nể phục”.

Nghệ thuật ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

Quay ngược thời gian trở về năm 1968, để chuẩn bị cho việc mở mặt trận ngoại giao, vừa đánh vừa đàm theo tinh thần của Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa III) tháng 1-1967, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 22/4/1968, khi bàn về việc đàm phán với Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ, lấy anh Sáu (tức đồng chí Lê Đức Thọ) tham gia Đoàn, có thể làm cố vấn”. Có thể thấy, sự tài tình trong việc sớm lựa chọn và bố trí đội ngũ cán bộ trên mặt trận ngoại giao, biến đây thành nhân tố quyết định thành công đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, theo TS Nguyễn Đình Luân, nguyên Thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Ngoại giao. Những quyết định mang ý nghĩa chiến lược mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” cùng những sách lược của ta trong suốt quá trình đàm phán công khai cũng như bí mật và những nội dung của Hiệp định Paris đều thể hiện tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và dự báo trước được rằng ta sẽ thắng – chiến thắng của lương tri, của niềm tin vào chính nghĩa.

Với Hiệp định Paris, vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới. Trong năm 1973, có tới 15 nước trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời, Việt Nam lần đầu tiên dự một hội nghị quốc tế sau Hội nghị Paris để xác nhận và cam kết thực hiện Hiệp định Paris với sự hiện diện của 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Nếu như nói ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh là một nghệ thuật, thì thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris chính là đỉnh cao của nghệ thuật ấy. Từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, những bài học có thể đúc kết quy tụ trong 4 chữ “K”: Kết hợp, Kiên trì, Kiên quyết, Khôn khéo.

Đầu tiên là tinh thần kết hợp, bởi chúng ta đang trong thế yếu đánh mạnh, cần tạo dựng được sức mạnh tổng hợp của những giá trị tinh thần, văn hóa dân tộc; hình thành 3 vòng mặt trận gồm: đoàn kết Bắc Nam, đoàn kết giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trên bán đảo Đông Dương, đoàn kết giữa cuộc đấu tranh của chúng ta với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình và độc lập dân tộc; kết hợp 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, trong đó sử dụng ngoại giao để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ gây ra trên đất nước ta, phát huy tính chính nghĩa và đóng góp vào việc tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, cùng sự kết hợp giữa ngoại giao Đảng, ngoại giao nhân dân.

Thứ hai, khi nền ngoại giao non trẻ đối đầu một nền ngoại giao sừng sỏ, chúng ta phải kiên trì để đạt được chiến thắng từng bước để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Thứ ba, chúng ta kiên quyết, bất di bất dịch trong việc yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày còn quân đội miền Bắc nhất quyết ở lại miền Nam, và khi nói chuyện với miền Nam Việt Nam thì phải có đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Mỹ phải công nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và quyền tự quyết của miền Nam Việt Nam. Và bài học cuối cùng, sự khôn khéo, như Bác Hồ đã dạy, nguyên tắc phải vững chắc và sách lược phải linh hoạt. Đầu tiên, chúng ta chưa đưa ra việc phải xóa bỏ chính quyền miền Nam.

Thêm nữa, đàm phán có hai đoàn miền Bắc và miền Nam, nhưng hai đoàn luôn thực hiện phương châm Bác Hồ căn dặn: “Tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Đây là sách lược rất khôn khéo và chưa từng có trong lịch sử thế giới.