ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH – NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Ngày 1/1/2024 là tròn 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bí danh Nguyễn Chí Thanh là do Bác Hồ đặt cho người học trò xuất sắc của mình. Những ngày này, tại Thừa Thiên Huế - quê hương nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đã diễn ra nhiều hoạt động để tướng nhớ đến vị Đại tướng tài ba…

Sinh ra, lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng ở làng quê Niêm Phò (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) - nằm ven con sông Bồ hiền hòa, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh. Năm 1934, chàng trai trẻ Nguyễn Vịnh tham gia cách mạng và năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đến năm 1938, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Vịnh, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến nổ ra mạnh mẽ, làm kẻ thù hoảng sợ. Từ năm 1938 đến năm 1945, mặc dù bị địch bắt 3 lần và bị giam giữ trong các nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt, như: nhà lao Thừa Phủ, nhà tù Lao Bảo, nhà đày Buôn Mê Thuột nhưng đồng chí Nguyễn Vịnh thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đến tháng 3/1945, đồng chí được trả tự do và trở lại hoạt động.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh -0
Các đại biểu tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại TP Huế nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, tháng 8/1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Vịnh ra Việt Bắc dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại đây, đồng chí vinh dự được Bác Hồ đặt bí danh Nguyễn Chí Thanh, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở về Xứ uỷ Trung Kỳ lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng, đặc biệt là tổ chức khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng ở Huế, nơi đầu não của chính quyền phong kiến Nam Triều. Những cống hiến của đồng chí đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong những năm 1948 - 1950, được giao đảm trách cương vị Bí thư Liên khu ủy 4, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Liên khu ủy vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang và nhân dân liên khu vượt qua muôn vàn thử thách, cam go, xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi to lớn. Với những đóng góp xuất sắc và to lớn đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Bác Hồ tặng danh hiệu “Vị tướng du kích”.

Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công nhiều vị trí công tác trong Quân đội. Tại Đại hội Đại biểu lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là Ủy viên Bộ Chính trị…

Với những công lao to lớn, năm 1959 đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng, là Đại tướng được phong thứ 2 trong Quân đội ta.

Hoà bình lập lại trên miền Bắc, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III năm 1960, Đảng đã xác định mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với miền Bắc mà còn tác động tới cách mạng cả nước. Từ năm 1961 -1964, đồng chí được giao làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương. Trên cương vị mới, với tinh thần “bám đội, lội đồng”, đồng chí đã đến với nông dân, có mặt ở các hợp tác xã, các nông trường... tìm hiểu tình hình, từ đó cùng với Đảng đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân miền Bắc có bước phát triển vượt bậc, vững chắc. Với những đóng góp to lớn, đồng chí được gọi bằng cái tên trìu mến “Đại tướng của nông dân”.

Trong những năm 1964 - 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đứng trước những khó khăn, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị điều động Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam; là đại diện của Bộ Chính trị tại chiến trường, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam. Đại tướng đi đến nhiều địa bàn trọng điểm để nắm tình hình, nghiên cứu phương án tác chiến, đề ra chiến lược quân sự phù hợp, xác định tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công. Với khẩu hiệu: “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” và chủ trương xây dựng các “vành đai diệt Mỹ” đã góp phần hoàn thiện đường lối chiến tranh nhân dân, cung cấp cơ sở khoa học để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968… “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là người cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm khẳng định rằng, hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là biểu tượng sáng ngời của một người nông dân xứ Huế trở thành một nhà lãnh đạo cách mạng, một danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh. “30 năm chiến đấu dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh của giai cấp nông dân từng có mặt trong ngàn năm lịch sử đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin để trở thành lực lượng cách mạng tuyệt vời của nước Việt Nam hiện đại”, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm nhận xét.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung tá Nguyễn Chí Đức, cháu nội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xúc động, chia sẻ: “Qua sách vở và sự chỉ dạy của gia đình, tôi nhận thức sâu sắc rằng thế hệ của ông nội tôi - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng những người đồng chí của ông là thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh; là thế hệ đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự cống hiến và tâm nguyện của ông nội tôi và những người đồng chí của mình với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân là di sản vô giá của gia đình, của cả các thế hệ kế tục”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, phát huy truyền thống của quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng, đồng thời vinh dự và tự hào là quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị tướng tài năng của Quân đội, Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là truyền thống cách mạng của quê hương, bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người xứ Huế, phấn đấu thực hiện mục tiêu sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

CAND online