CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ ĐỘI TUYÊN TRUYỀN XUNG PHONG VIỆT MINH TRUNG BỘ

Một nhân chứng sống là ông Nguyễn Xuyến từng hoạt động trong Đội Tuyên truyền xung phong (TTXP) Việt Minh Trung Bộ đã chia sẻ nhiều điều quý giá về thời kỳ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của gần 80 năm về trước...

Ông Nguyễn Xuyến lật từng trang tư liệu và kể thời gian hoạt động trong Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ 

Huấn luyện đội viên cấp tốc

Một chiều cuối tháng 8, bầu trời Cố đô Huế nắng nóng “như thiêu, như đốt”, chúng tôi đã tìm đến nhà cụ Nguyễn Xuyến (99 tuổi, ở đường Phan Bội Châu, phường Phước Vĩnh, TP. Huế) để nghe những câu chuyện về thời kỳ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa từ 78 năm về trước. Ông Xuyến là một trong những nhân chứng lịch sử từng hoạt động trong Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ (1945-1946).

Ông Nguyễn Xuyến bồi hồi nhớ lại: “Tôi là người con của quê hương đất võ Bình Định, từ quê nhà ra Huế học. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thế hệ chúng tôi đứng trước rất nhiều sự lựa chọn, một là tiếp tục học, hai là tham gia hoạt động cách mạng, theo tiếng gọi của Tổ quốc. Theo thôi thúc của trái tim người con đất Việt, tôi đã chọn đi theo con đường cách mạng”.

Thời điểm này, đồng chí Đào Duy Dếnh (em trai ruột nhà sử học nổi tiếng Đào Duy Anh và nhà cách mạng Đào Duy Kỳ), là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam năm 1938, vượt ngục trở về Nam Trung Kỳ. Năm 1940, đồng chí Đào Duy Dếnh làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Năm 1942, bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai và đày đi Côn Đảo. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, Đào Duy Dếnh về đất liền và trở lại hoạt động ở Huế, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh giao nhiệm vụ gấp rút tổ chức Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ, đồng thời làm Đội trưởng và huấn luyện viên chính.

“Lúc đó, vào thượng tuần tháng 9 năm 1945, được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Đội trưởng Đào Duy Dếnh đã yết bảng chiêu tập các thanh niên cả nam và nữ, có trình độ văn hóa tương đương bằng “thành chung” hoặc tú tài thời Pháp thuộc, để dự khóa huấn luyện thời gian chỉ trong một tháng nhằm đào tạo trở thành đội viên Tuyên truyền xung phong” - ông Xuyến nhớ lại.

Với nhiệm vụ là tuyên truyền cho chính quyền cách mạng, góp phần củng cố chính quyền Nhân dân non trẻ sau Cách mạng tháng Tám, Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ đã tham gia diễn thuyết, biểu diễn văn nghệ từ đô thị đến thôn, bản, nơi rừng núi, rẻo cao. Trụ sở của Đội TTXP được đặt tại Phủ Tôn Nhơn cũ bên trong Thành Nội Huế (nay là một phần của công viên Nguyễn Văn Trỗi, TP. Huế).

Ông Nguyễn Xuyến kể: “Chỉ sau hơn 1 tháng giành chính quyền, vào tháng 10 năm 1945, khóa I huấn luyện cấp tốc Tuyên truyền xung phong Trung Bộ đã diễn ra. Khóa này đã đào tạo hơn 10 tiểu đội gồm nam và nữ, được chiêu tập vào cuối tháng trước, đặc biệt trong số các học viên khóa này có 4 giảng sự Phật học Trung bộ”. “Kế liền khóa I, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ thị cho Đội trưởng Đào Duy Dếnh mở tiếp khóa II vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm đó, huấn luyện thêm một số đội viên nữa học cùng chương trình như khóa I” - ông Nguyễn Xuyến nói.

Bữa “chiêu đãi” đáng nhớ

Ông Nguyễn Xuyến cho biết: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất và trong những thời điểm gian nan nhất, đồng chí vẫn kiên quyết bám đất, bám địa bàn, đi sâu đi sát với Nhân dân và quân đội. Với các lớp huấn luyện, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường đến thăm lớp và dành nhiều thời gian cùng với Đội trưởng Đào Duy Dếnh xem các tiểu đội trình duyệt các vở kịch ngắn sẽ được biểu diễn phục vụ công chúng khi đi làm nhiệm vụ trên nhiều địa bàn khác nhau trong toàn xứ.

Các chủ đề tuyên truyền của Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ là giới thiệu rõ về Mặt trận Việt Minh, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kêu gọi quần chúng nhân dân chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm đã kéo vào Nam Bộ và cả các tỉnh phía nam của Trung Bộ. Bên cạnh đó, kêu gọi đồng bào ủng hộ binh sĩ của ta trên mặt trận Nha Trang, Nam Bộ và cả Trung Lào và đặc biệt cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6/1/1946.

Mặc dù các đội viên tuổi đời còn trẻ (hầu hết đều ở lứa tuổi 20), nhưng với sự nhiệt huyết của tinh thần cách mạng, họ đã diễn thuyết ở mọi nơi, những nơi tập trung đông người như trên tàu hỏa, ngoài đường phố. Nhiều thế hệ tiểu đội hoàn toàn nữ đã tiếp nối nhau đi vào các chiến trường tại Nam Trung Bộ, vượt qua mọi khó khăn, đụng đầu với địch ở một số mặt trận.

Ông Nguyễn Xuyến nhớ lại: “Khi có Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Chính phủ ta và Phái đoàn của Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bàn bạc với Đội trưởng Đào Duy Dếnh chuyển một số tiểu đội sang Tỉnh bộ Việt Minh Thừa Thiên như một số tỉnh khác đã thực hiện”. Ông Nguyễn Xuyến còn cho biết thêm: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn chỉ thị đồng chí Đào Duy Dếnh huy động gấp lực lượng “TTXP Trung Bộ” vào nhiệm vụ đặc biệt là lùng quét bọn Quốc Dân đảng từ Hà Nội vào thâm nhập Cố đô Huế, quậy phá ta nhân có Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3”.

Trước khi ra về, ông Nguyễn Xuyến đã mở cho chúng tôi nghe bài truyền thống của Đội TTXP do Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác, những câu hát như còn vang mãi. “Anh em thanh niên TTXP chúng ta. Ra đi xông pha băng mình qua núi sông nhà. Mưa rơi ta xem thường. Anh em ta lên đường. Qua bao nhiêu nơi tuyên truyền cho khắp người. Dù rằng đường dài cùng nhau tươi cười. Kìa bao sông núi phương xa nhuộm nắng vàng. Ta vui ca hát tiếng ca lừng vang…”.

Tuy thành lập và hoạt động trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 10/1945 đến tháng 4/1946, nhưng Đội TTXP Việt Minh Trung Bộ có một vai trò và tác động quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.

https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-chua-ke-ve-doi-tuyen-truyen-xung-phong-viet-minh-trung-bo-131479.html