CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG LỜI ĐỘNG VIÊN NGÀNH Y TẾ

Tác phong, đạo đức đầy nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức cảm hóa, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Tầm nhìn chiến lược của Người đã trở thành tài sản vô giá, đặc biệt đối với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh tư liệu

Vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành y tế nước ta. Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” và cũng kể đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành y tế.

Trong bức thư, Người nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt thì dần dần xóa bỏ”.

Ngành y tế cần xác định được vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước, để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, thỏa đáng. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Bác Hồ luôn nhấn mạnh: “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc, đồng thời phải như một người mẹ hiền. “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948).

Trong thư gửi cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói đó rất đúng”.

“Lương y phải như từ mẫu” - lời dạy của Bác là yếu tố cốt lõi của đạo đức ngành y. Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cũng đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.

Thời gian qua, bên cạnh rất nhiều những y bác sĩ đang ngày ngày tận tâm, tận lực với bệnh nhân, thì qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng biết được có những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho bệnh nhân, thậm chí gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần, thể lực, nghiêm trọng nhất là khiến bệnh nhân thiệt mạng chỉ vì trình độ yếu, y đức kém. Một phút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách đến vô cảm của đội ngũ cán bộ nghề y cũng có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến mất mát đớn đau và to lớn mà không gì có thể bù đắp nổi cho gia đình bệnh nhân - những con người đã đặt tất cả niềm tin, hy vọng vào họ.

Trong lúc cả nước đang đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, một lần nữa tiêu chuẩn đạo đức “Lương y như từ mẫu” lại được toàn thể cán bộ ngành y nói riêng và nhân dân ta nói chung quan tâm đặc biệt. Trước những cám dỗ của đồng tiền, người thầy thuốc phải giữ vững bản lĩnh của mình, nhìn thẳng vào căn bệnh, vào thể trạng bệnh nhân mà điều trị, không phân biệt giàu nghèo để có sự quan tâm như nhau, phải lấy tư tưởng y đức của Bác làm kim chỉ nam để không bị lầm đường lạc lối gây ra những buồn phiền cho người bệnh.

Lịch sử ghi danh những chiến sĩ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Trong số họ, có biết bao người đã để lại một phần máu xương của mình hay vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đất nước hòa bình, các chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, kể cả đồng bào ở những miền núi cao hay nơi hải đảo xa xôi.

Đối với con đường phát triển nền y tế nước nhà, Bác nói rằng: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Ðông và thuốc Tây” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955).

Theo Bác, “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc tây chữa được... Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho Nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học Tây y... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ Nhân dân, như người có hai cái tay, hai bàn tay cùng làm việc thì làm việc được tốt, cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”. Đó chính là sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc. Định hướng đúng đắn của Bác kính yêu đã được Đảng và Nhà nước ta thực hiện đạt kết quả tốt.

Quang Hòa