ANH HÙNG HỒ A NUN ĐÃ HÒA VÀO SÔNG NÚI

Khi nghe Thượng tá Hồ Văn Hóa, Chính trị viên Ban CHQS huyện A Lưới (Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế) thông tin: Anh hùng LLVT nhân dân Hồ A Nun vừa qua đời, tôi thực sự rất buồn, bởi với tôi, ông Hồ A Nun là người anh hùng huyền thoại, một đời sống giản dị, hiên ngang, bất khuất như cây sao, cây lim sừng sững giữa núi rừng A Lưới hùng vĩ.

Ông không chỉ là biểu tượng, là niềm tự hào của đồng bào Pa Cô, huyện A Lưới, mà còn là niềm tự hào, là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế học tập, noi theo.
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ A Nun sinh năm 1944, thường trú tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới; là em ruột của nữ Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Kan Lịch và cháu ruột của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đức Vai-những người anh hùng đầu tiên của đồng bào dân tộc Pa Cô được gặp Bác Hồ và được Bác lấy họ Hồ đặt cho đồng bào Pa Cô.

Từ nhỏ, cậu bé Hồ A Nun đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, hằng ngày quê hương bị máy bay Mỹ liên tục ném bom xuống đồi A Bia gần nhà. Khắp huyện miền núi A Lưới đâu đâu cũng nham nhở vết bom đạn; nhà cửa, rừng núi bị cày xới, dân làng bị chết, bị thương nhiều, nên Hồ A Nun rất căm thù giặc Mỹ. Hồ A Nun xin gia đình đi theo cách mạng, lên rừng làm liên lạc cho lãnh đạo xã và bộ đội địa phương. Sau đó, A Nun được phân công làm trinh sát ở huyện Phong Điền. Khi Đoàn 559 thành lập để vận chuyển đạn dược, hàng hóa vào chi viện miền Nam, A Nun tình nguyện tham gia gùi, thồ hàng ở tuyến đường Trường Sơn đi qua địa bàn huyện A Lưới.

Anh hùng Hồ A Nun đã hòa vào sông núi

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ A Nun. 

Tháng 7-1961, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng từ tuyến đường Quảng Trị vào Quảng Nam, Hồ A Nun xung phong ở lại tuyến vận tải Khu 5 tiếp tục tham gia gùi, thồ hàng vào chiến trường. Trong thời gian khoảng 8 năm (từ 1961 đến 1969), Hồ A Nun đã đi vào huyền thoại khi lập nên kỷ lục gùi 179 tấn vũ khí, lương thực, đạn dược, tương đương một đoàn xe. Lúc ở lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, có lúc một mình Hồ A Nun đã gùi tới 192kg đi hàng chục km! Về thành tích này, ông được báo chí trong và ngoài nước ví là "người ngoài hành tinh! Hồ A Nun đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1969.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Anh hùng Hồ A Nun được cấp trên cử ra miền Bắc học tập, sau đó trở về công tác tại Huyện đội A Lưới làm trợ lý động viên-tuyển quân, rồi phát triển lên chức Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện A Lưới. Ở cương vị nào ông cũng luôn mẫu mực nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách; được đồng chí, đồng đội tin yêu, nể phục.

Năm 1988 ông nghỉ hưu, được lãnh đạo xã đề nghị tham gia công tác tại địa phương, làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hồng Bắc. Trên cương vị mới, ông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã nhiều giải pháp giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xóa các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tuyên truyền bà con thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh hùng Hồ A Nun đã hòa vào sông núi

 Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ A Nun và chị gái- Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Kan Lịch. 

Anh hùng Hồ A Nun thường xuyên được các trường học trên địa bàn mời nói chuyện truyền thống và ông chính là tấm gương sáng ngời "bằng da bằng thịt" để lan tỏa về tình yêu quê hương đất nước, về sự cống hiến, hy sinh quên mình cho Tổ quốc.

Đại úy Hồ Văn Thảo (Trợ lý tham mưu, Ban CHQS huyện A Lưới) là con trai của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ A Nun xúc động nói: "Cả đời ba tôi đi theo cách mạng, vào sinh ra tử, vì nhiệm vụ bất chấp hiểm nguy. Đến cuối đời vẫn luôn trăn trở làm sao cho bà con A Lưới thoát nghèo, cho quê hương được giàu mạnh. Tôi luôn tự hào về ba tôi".

Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ A Nun đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng... Trong lễ truy điệu ông, rất nhiều người đã có mặt để đưa tiễn người anh hùng huyền thoại về nơi an nghỉ cuối cùng, hòa vào sông núi với tình cảm thiêng liêng, trân quý.

QĐND online