12 NGÀY ĐÊM TRONG KÝ ỨC TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN PHIỆT, NGUYÊN TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG TÊN LỬA 77

Tháng 12/2022, trong khí thế hào hùng hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. Trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tên lửa 77 bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1972, “Điện Biên Phủ trên không” là 12 ngày đêm chiến đấu không cân sức, khốc liệt nhất trong đời binh nghiệp của ông.

Trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt (sinh năm 1938) là vị tướng phá màn nhiễu, hạ hai B52 trong 10 phút trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972

Muốn bắt cọp phải vào hang cọp
Khi Hội nghị Paris bế tắc, Mỹ ép ta về mặt quân sự trên chiến trường và tại Hội nghị Paris vì Mỹ còn có con át chủ bài B-52 bất khả xâm phạm, luôn đe dọa đánh vào Hà Nội, đưa Hà Nội “về thời kỳ đồ đá”. Theo đó, Mỹ sẽ mở chiến dịch Linebacker II tập kích bằng B52 với cường độ cao nhất lịch sử để ấn định cán cân trong Hội nghị Paris, song quân dân miền Bắc đã chuẩn bị tâm thế cho cuộc đọ sức trên bầu trời năm 1972 và đã chiến thắng lẫy lừng. Mặc dù các đơn vị đều được đặt trong tình trạng báo động cao, nhưng bộ đội tên lửa thời điểm ấy phân tán làm nhiều nhiệm vụ, vừa chiến đấu bảo vệ Quảng Trị, tiến sâu vào chiến trường miền Nam, vừa trấn thủ yếu địa Hà Nội, Hải Phòng…

Trên thực tế, cách đánh B52 bắt đầu được nghiên cứu, bổ sung từ năm 1966-1967 bởi Bác Hồ và Trung ương đã dự liệu sớm muộn gì Mỹ cũng đưa loại máy bay này ra đánh Hà Nội. Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho hay, Quân chủng Phòng không – Không quân thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn bắt cọp phải vào hang cọp”, đã chỉ thị cho các binh chủng vào Quân khu 4, nơi máy bay B52 đang gây tội ác với nhân dân ta, để nghiên cứu, hiểu rõ B52 và tìm ra cách đánh thắng nó.

Ngày 5/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các Quân khu, Quân chủng Phòng không – Không quân sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể, dù luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó máy bay B-52, nhưng từ tháng 4 đến 6/1972, lực lượng phòng không vẫn chưa bắn rơi được chiếc nào tại chỗ bởi đội hình bay B52 liên tục thay đổi và trang bị máy phá nhiễu để đối phó với hệ thống radar của Việt Nam. “Ức lắm, sốt ruột lắm nên phải tìm cho bằng được cách đánh”, ông chia sẻ. Trong hội nghị Quân chủng Phòng không Không quân tổ chức đầu tháng 11/1972, từ Tư lệnh Lê Văn Tri đến trắc thủ ngồi chụm đầu cùng nhau bàn bạc, thống nhất cách đánh, bố trí đội hình, lập nhiều điểm đánh trên một đường bay của B52… để sẵn sàng nghênh chiến.

Chiều 15/12/1972, đơn vị nhận được điện không đi chiến trường B (chiến trường miền Nam) nữa, ở lại sẵn sàng chiến đấu, đánh B52 bảo vệ Hà Nội. Đảng ta đã nhận định, tới đây địch sẽ đánh phá Hà Nội ác liệt hơn, có cả máy bay B52 nên cần phải chuẩn bị thật chu đáo, địch vào phải chiến đấu tốt, đánh thắng ngay từ trận đầu.

Sáng ngày 16/12/1972, Tiểu đoàn tập trung mở hội nghị quân sự bàn cách đánh máy bay B52. Sau hội nghị, toàn đơn vị ra sức luyện tập theo phương án đã bàn.

“Chúng tôi tìm hiểu, học tập và đã hiểu được khá rõ về máy bay B52. Đây là một trong những loại vũ khí chiến lược của Mỹ có sức mạnh ghê gớm, được quảng cáo “Siêu pháo đài bay, pháo đài bay thượng đẳng”, là máy bay chiến lược hạng nặng, tầm xa của không quân Hoa Kỳ. Sản phẩm này hội tụ những thành tựu kỳ diệu nhất của nền công nghiệp quân sự hàng đầu thế giới, được coi là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ 3 vũ khí chiến lược của Mỹ (tàu ngầm hạt nhân, tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược B-52)”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nói.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, máy bay B52 thường bay trong đội hình đầy nhiễu: Nhiễu do các loại máy bay F4, F105 đi bảo vệ, nhiễu do bản thân máy bay B52 mang (một chiếc B52 có 15 máy gây nhiễu) và nhiễu ngoài đội hình do các máy bay vòng ngoài phát ra, gây khó khăn cho tên lửa phòng không. Một tốp B52 đi ném bom, có các loại máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66, EC-12, A-6, A-7 bảo vệ, đánh trực tiếp các trận địa tên lửa và không quân của ta.

Nhớ lại 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt đó, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ, trận đánh để lại kỷ niệm sâu sắc đối với ông là trận đánh rạng sáng ngày 21/12/1972. Thượng úy Nguyễn Văn Phiệt đã chỉ huy Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn Phòng không 361 bắn hạ hai máy bay B52 chỉ trong vòng 10 phút, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ. Thắng lợi này cho thấy trí tuệ thông minh, sáng tạo nghệ thuật quân sự tài tình của quân đội ta.

Chiến công của Tiểu đoàn 57 đã góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội đập tan âm mưu đánh đòn quyết định của giặc Mỹ. Đêm 20, rạng sáng 21/12/1972 cũng là một ngày lịch sử, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay các loại của đế quốc Mỹ, có 7 máy bay B52, trong đó có 5 chiếc B52 rơi tại chỗ.

Cuốn tài liệu về cách đánh B-52, năm 1972.

Kỳ tích 10 phút bắn rơi 2 máy bay B52.
Đúng như nhận định, ngày 18/12/1972, không quân Mỹ mở cuộc cuộc tập kích đường không chiến lược mang mật danh Linebacker II kéo dài 12 ngày đêm (18-29/12) vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Mục đích nhằm hủy diệt tiềm lực của ta, làm giảm khả năng chi viện cho cách mạng miền Nam, buộc ta phải chấp nhận các điều khoản sửa đổi có lợi cho Mỹ tại Hội nghị Paris.

Đêm 18 rạng sáng 19/12 Mỹ huy động 90 lần máy bay B-52 và 135 lần máy bay chiến thuật; đêm 19 rạng ngày 20/19, chúng huy động 87 lần máy bay B-52 và 165 lần chiếc máy bay chiến thuật. 4h46 ngày 21/12/1972, B-52 Mỹ bay vào Hà Nội đánh phá. Tiểu đoàn ông Phiệt được lệnh vào cấp 1 sớm để đón đánh địch. Trên tiêu đồ lúc này, các tốp B-52 liên tục xuất hiện, có tốp ở gần, có tốp ở xa. Trong tình huống hết sức khẩn trương, Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 57: “Bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu, quyết tâm bắn trúng, bắn rơi tại chỗ B-52”. Lúc 5h5, có 45 lần chiếc B-52 từ hướng Tây Bắc lao vào đánh phá Hà Nội, quân ta phát hiện các tốp số 518, 532, 533… Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 57 tiêu diệt tốp số 518. Khi mục tiêu vào khu vực phóng, ông Phiệt khi đó ra lệnh phóng đạn, nhưng đạn hỏng, không phóng đi. Ông liền ra lệnh phóng tiếp quả thứ 2, đạn nổ ở cự ly 25km. Trên màn hiện sóng cường độ nhiễu giảm nhanh, mờ dần. Mục tiêu bị tiêu diệt lúc 5h9 ngày 21/12. Chưa đầy 10 phút sau, lại có báo động xuất hiện B-52 ở cự ly 45 km. Máy bay vào tầm sát thương thì đạn nổ. Chiếc máy bay thứ hai này rơi tại khu vực chợ Thá, gần Núi Đôi lúc 5h19. Như vậy, chỉ sau 10 phút với 2 quả đạn, Tiểu đoàn 57 đã bắn rơi 2 máy bay B52, góp phần vào thành tích bắn rơi 7 máy bay B-52 của bộ đội ta trong đêm 20 rạng ngày 21/12.

Một chiến thắng vĩ đại
Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam, từ ngày 18/12 đến 30/12/1972. Tại chiến dịch này, Hoa Kỳ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của họ là “pháo đài bay” B52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm.

Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến 1971. Không quân Mỹ đã ném bom phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người. Riêng ở Hà Nội, tính đến ngày 20/12/1972 đã có 215 người bị chết, 325 người bị thương. Còn ở Hải Phòng riêng ngày 18/12/1972 đã có 45 người chết, 131 người bị thương và hàng ngàn nhà dân bị phá hủy.

Trong đau thương, mất mát, quân và dân ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng vĩ đại đó có một phần đóng góp quan trọng của Quân chủng Phòng không – Không quân, của bộ đội tên lửa phòng không. Bộ đội tên lửa phòng không trong chiến dịch đã đánh 192 trận, tiêu thụ 334 quả đạn tên lửa, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại trong đó có 29 máy bay B52, bằng 85,3% số máy bay rơi của chiến dịch. Riêng trên bầu trời Hà Nội, tên lửa đã đánh 134 trận, tiêu thụ 241 quả tên lửa, tiêu diệt 25 máy bay B52, có 16 chiếc rơi tại chỗ và một F4. Cuộc tập kích bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ đã chịu thất bại thảm hại.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhấn mạnh, trong 12 ngày đêm, chúng ta đã chiến đấu với đối thủ mạnh hơn hẳn ta về trang bị vũ khí, khí tài, có trình độ khoa học tiên tiến; là đội quân thiện chiến nhà nghề, có tiềm lực kinh tế to lớn. Nhưng chúng ta đã chiến đấu, chiến thắng bằng ý chí, trí tuệ Việt Nam, bằng sự thông minh, sáng tạo, bằng truyền thống bất khuất của dân tộc, với sự đồng lòng quyết tâm triệu người như một, quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược. Nửa thế kỷ nhìn lại, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện được sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí, trí tuệ Việt Nam; sức mạnh của lực lượng phòng không ba thứ quân, phòng không nhân dân rộng khắp, lấy Quân chủng Phòng không – Không quân làm nòng cốt.

Nhân dân thủ đô theo dõi bản tin về chiến dịch. Ảnh tư liệu/TTXVN

Chiến thắng vĩ đại đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Phòng không – Không quân. Chiến thắng vĩ đại đó là kết quả của một quá trình tích lũy những kinh nghiệm của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu bảo đảm, giữ gìn những bộ khí tài tên lửa để sẵn sàng chiến đấu với máy bay hiện đại của Mỹ trong bất kỳ tình huống nào.

Tướng Phiệt khẳng định, chiến thắng vĩ đại đó còn có sự đóng góp to lớn, có hiệu quả của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân Liên Xô đã giúp ta vũ khí, khí tài, tên lửa BNHA; đưa những chuyên gia, những người con Liên Xô là những chiến sĩ Hồng Quân ưu tú giảng dạy, cùng chúng ta chiến đấu giai đoạn đầu. “Chúng ta biết ơn Đảng, nhân dân Liên Xô, những người bạn chí tình, chí nghĩa, tuy ở xa ta hàng nghìn dặm nhưng đã vì Việt Nam, dành cả tình cảm, con người, vật chất để giúp nhân dân Việt Nam đánh thắng máy bay chiến lược B52 của đế quốc Mỹ trong cuộc đọ sức quyết định”, tướng Phiệt nhấn mạnh.

Chiến thắng vĩ đại đó còn bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân ta, của các lực lượng. Sự hiệp đồng quả cảm của các lực lượng đã đánh sập uy thế của B52 – một thần tượng của đế quốc Mỹ đã ngã gục trước Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và nhân dân Việt Nam kiên cường, bất khuất.

https://tapchidongnama.vn/12-ngay-dem-trong-ky-uc-trung-tuong-nguyen-van-phiet-nguyen-tieu-doan-truong-ten-lua-77/