TRANH HUẾ KHÔNG CHỈ CÓ LÀNG SÌNH

Nói về tranh dân gian Huế, hầu như ai cũng nghĩ đến tranh làng Sình. Nhưng đất cố đô, nơi gắn với hàng trăm đế nghiệp nhà Nguyễn, nơi pha trộn bản sắc văn hóa Việt-Chăm mang trong mình một kho văn hóa bề thế, là nền tảng để ra đời những loại hình tranh dân gian khác nhau: tranh in giấy, tranh gương kính, tranh khảm gốm sứ...

Mới đây, Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ cho ra mắt cuốn sách Tranh dân gian Huế. Qua cuốn sách, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa đã giải mã nhiều nét độc đáo của tranh xứ Huế.

Trong suy nghĩ của nhiều người, nói về tranh dân gian, điều đầu tiên, ai cũng nghĩ đến dòng tranh làng Sình. Nhưng cuốn sách Tranh dân gian Huế do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội vừa cho ra mắt đã đem đến với độc giả một cái nhìn mới. 

Đất Thần kinh còn nhiều dòng tranh dân gian khác. Thí dụ như tranh dân gian vẽ tay, tranh gương kính, tranh thêu, tranh phù điêu đắp mảnh... Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa là tác giả 3 cuốn sách: Tranh dân gian Hàng Trống, Tranh dân gian Kim Hoàng, Tranh dân gian Đông Hồ. Với mong muốn hình thành một “tổng tập” tranh dân gian, chị tiến về miền trung, nghiên cứu tranh Huế.

Chị nhớ lại: “Tôi đến Huế, trong đầu chỉ có suy nghĩ về tranh làng Sình. Nhưng khi đến đất này, tôi nhận ra còn nhiều dòng tranh khác. Muốn hiểu về tranh dân gian xứ Huế, cần có cái nhìn sâu hơn về vùng đất, con người đất Cố đô. Huế là nơi giao thoa văn hóa Việt-Chăm; trong một thời gian dài, khói lửa binh đao không dứt. Huế là đất định đô của nhà Nguyễn. Tranh Huế, vừa có yếu tố cung đình, vừa có yếu tố dân gian mà những nhân tố trên đã chi phối”.

Những bất ngờ đó khiến hành trình đến xứ Huế của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa nhiều hơn dự kiến. Khi gặp nghệ nhân này, lại “nảy” ra nghệ nhân khác, thậm chí, là những loại tranh mà các nghiên cứu hầu như chưa bao giờ đề cập. Điển hình như loại tranh đồ thế vẽ tay.

Các sản phẩm của tranh đồ thế vẽ tay chủ yếu là tranh cúng – phục vụ cho các nghi lễ tâm linh. Sau khi cúng bái xong sẽ được đốt, hoặc thả trôi trên sông hồ, đầm phá... Chủ đề tranh đồ thế có thể là 12 con giáp, bộ bát âm 8 cô tố nữ, hay các vị thần thánh khác gắn với đời sống tâm linh người Huế. Một dòng tranh rất đặc sắc khác mà không phải ai cũng biết đến là tranh làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế).

Tranh Huế không chỉ có làng Sình -0

Nếu tranh làng Sình, tranh gương kính đậm chất dân gian thì tranh làng Chuồn lại ảnh hưởng của văn hóa bác học. Làng Chuồn là ngôi làng hiếu học, từng có nhiều vị làm quan trong triều đình. Điều đó đã sản sinh ra một dòng tranh, chủ yếu là tranh chữ với nghệ thuật viết chữ đẹp, trang trí thêm các chi tiết, hình vẽ dân gian và phối màu để phục vụ cho dịp Tết. Tranh thường dùng cho các không gian thờ tự như gian thờ trong gia đình, nhà thờ họ, đình, đền, điện... Nghệ nhân in tranh trên giấy dó, dùng bút chỉnh sửa rồi bồi tranh. Trong đó, có những bức đại tự được viết chữ Phúc, chữ Thọ... và trang trí hài hòa, có thể sử dụng nhiều năm.

Huế gắn với đế nghiệp nhà Nguyễn, và ở mảnh đất này, dòng tranh phù điêu đắp mảnh vừa là đặc trưng văn hóa, vừa phản ánh chất cung đình. Những mảnh gốm sứ, thủy tinh màu được ghép thành tranh, tạo nên sự lộng lẫy của các công trình.

Tất nhiên, nói về tranh Huế, tranh làng Sình vẫn mang dấu ấn đậm nét nhất. Trong 3 chương của cuốn sách, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa dành hẳn 2 chương nói về tranh làng Sình. Ở đó, tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của xứ Huế - nền tảng sinh ra tranh làng Sình.

Trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh đất Huế, ngoài ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo, còn có nét đặc trưng rất riêng là Thiên Tiên Thánh giáo. Thiên Tiên Thánh giáo có “cốt” là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, nhưng các vị thần linh trong tín ngưỡng còn chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, tín ngưỡng của người Hoa, người Chăm bản địa (thờ nữ thần Thiên Y A Na). Thế giới tâm linh này phản ánh trong tranh làng Sình.

Trong tín ngưỡng dân gian xứ Huế, thường có các đồ hiến tế cho các vị thần, nên có rất nhiều loại tranh thế mạng cho người, cho các động vật... Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Nhìn hệ thống thần trong tranh làng Sình chúng ta còn thấy văn hóa biển, văn hóa sông rất rõ nét. Điều đó do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, hệ thống sông ngòi đầm phá chằng chịt ở Huế”.

Một điểm khác biệt của cuốn Tranh dân gian Huế của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa là sự khảo tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ quy trình làm các loại tranh. Tác giả đã trực tiếp đặt các nghệ nhân phục chế một số mẫu tranh để lấy tư liệu cho quá trình nghiên cứu. Đây cũng chính là những tư liệu quan trọng để có thể phục chế nhiều mẫu tranh nếu không may chúng bị thất truyền.

Dù giá bán không rẻ, 500 nghìn đồng/cuốn bìa mềm (những cuốn khác giá cao hơn), nhưng cuốn Tranh dân gian Huế đã được bán hết sau thời gian ngắn ra mắt. Điều đó cho thấy sự quan tâm đáng kể của xã hội đối với các dòng tranh dân gian.

GIANG NAM