SÁNG TẠO CÙNG KEO NHỰA EPOXY RESIN

Từ keo nhựa epoxy resin, Nguyễn Phước Sơn, chàng trai 23 tuổi ngụ tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) đã chế tác ra những sản phẩm trang trí độc đáo, sáng tạo, giàu tính nghệ thuật.

 

Phước Sơn đã “chia tay” với nghề barista để theo đuổi đam mê cùng epoxy resin

Lung linh

Phước Sơn được biết đến với tài vẽ tranh cá 3D “siêu thực” trên chất liệu gốm, sứ. Hiện nay, không ngừng học hỏi, tự làm mới mình, Nguyễn Phước Sơn còn đầu tư tâm huyết vào những sản phẩm nghệ thuật được tạo tác từ keo nhựa tổng hợp nhân tạo epoxy resin.

Phước Sơn chia sẻ: “Trên thế giới, các sản phẩm từ keo epoxy resin không quá xa lạ, nhưng ở Việt Nam, nhất là với Huế, loại chất liệu này còn rất mới mẻ. Một điều may mắn là giá thành của epoxy resin không quá đắt đỏ, do đó mình có thể dễ dàng tiếp cận, học hỏi bộ môn này”.

Epoxy resin còn được gọi là nhựa epoxy, keo epoxy hay keo AB (A: Epoxy, B: Chất đóng rắn). Epoxy resin được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phải kể đến những sản phẩm thủ công handmade đẹp, độc đáo. Thông thường, người sử dụng epoxy phải cân đong thật chính xác, tỷ lệ chất keo trên chất rắn có thể là 2/1 hoặc 3/1 tùy loại. Đây là tỷ lệ vàng để ứng dụng trong vẽ tranh cá 3D, đổ mặt bàn, làm đồ trang sức...

Đại dương ngát xanh từ epoxy resin

Với epoxy resin, người chế tác tạo cảnh từ những thực thể cho đến hiệu ứng pha màu, dùng các loại keo chuyên dụng, thậm chí dùng chính keo epoxy để tạo những hiệu ứng như sóng biển… Phước Sơn chia sẻ: “Khi được kết hợp một cách nghệ thuật, sản phẩm từ epoxy rất có hồn, lung linh và tinh tế. Mình rất thích kết hợp epoxy với gỗ để làm nên những chiếc bàn nghệ thuật, có thể phối với với cảnh biển, cá 3D”.

Tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công đẹp lung linh của Phước Sơn, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những gì mà chàng trai 9X chia sẻ. Những cơn sóng biển lăn tăn vỗ vào ghờ gỗ, những chú cá 3D quẫy mình trong dòng nước xanh mát rong rêu. Tất cả đều vô cùng tự nhiên, sinh động và chân thực. Thực tế, không chỉ dùng để tạo tác nên bàn, ghế, tủ, epoxy resin còn được dùng để làm sa bàn, trang sức, ốp điện thoại… với độ bền cao và giàu tính nghệ thuật.

Biến đam mê thành tiền

Nguyễn Phước Sơn biết đến keo nhựa epoxy resin, chính nhờ mối “duyên” vẽ tranh cá 3D đã dẫn dắt, giúp chàng trai 9X có thêm động lực chế tác nên những sản phẩm giàu tính nghệ thuật. “Đối với mình, vẽ tranh cá 3D rất khó, làm những sản phẩm từ epoxy resin còn khó hơn gấp nhiều lần. Thử so sánh đơn giản kích thước một miệng bát gốm (để vẽ tranh cá 3D) và một khối bàn với chu vi cả mét (để làm bàn epoxy), chỉ riêng phần điều khiển, tiết chế keo đã là một vấn đề”.

Tỉ mỉ để tạo nên tác phẩm giàu tính nghệ thuật

Để tạo ra một chiếc bàn nghệ thuật, đầu tiên Phước Sơn phải lựa chọn, gia công kỹ lưỡng phôi gỗ. Để gỗ ăn khớp nhưng vẫn nổi bật khi kết hợp với keo nhựa epoxy resin, Sơn thường dùng gỗ nu, dỗi, xá xị. Phước Sơn chỉ gia công lớp vỏ hoặc phần chi tiết dễ bục, còn lại những nét vân gỗ đều giữ nguyên để tác phẩm mang vẻ đẹp tự nhiên nhất. Sau đó, mới đến phần làm khuôn, đổ keo. Chàng trai 23 tuổi cho biết: “Lớp keo đổ phải dưới 1cm để tránh keo sinh nhiệt, dễ gây biến dạng, sủi bọt. Thông thường mình vẽ cá 3D, hoặc tạo sóng biển, tạo hiệu ứng bằng sao biển, vỏ sò, sỏi…”.

Để có một sản phẩm epoxy resin hoàn hảo, tất cả các bước đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ xử lý gỗ, tạo khuôn, trộn keo, kiểm soát bọt khí cho đến tạo hiệu ứng. Phước Sơn đã trang bị cho mình máy chà nhám, máy khò để sản phẩm sáng, đẹp. Giàu tính nghệ thuật, đẹp lung linh, hơn nữa lại chống nước, chịu được nhiệt tốt, vì vậy, sản phẩm của Phước Sơn rất đắt hàng.

Đam mê với epoxy resin, chàng trai 9X đã từ bỏ công việc barista (nhân viên pha chế cà phê) để theo đuổi nghề. Sơn tâm sự: “Dù ở Huế epoxy resin vẫn chưa phát triển nhưng mình tin kiên trì, chuyên tâm và thật sự yêu nghề thì thành công sẽ đến. Giờ đây, có thể đắm mình trong những sản phẩm tinh khôi, đầy màu sắc này, đối với mình đã là một niềm hạnh phúc”. Hiện tại, sản phẩm Phước Sơn tạo ra chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng. Với mức giá trung bình mỗi chiếc bàn dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, sản phẩm nghệ thuật từ keo epoxy resin của chàng trai xứ Huế đã và đang chứng minh giá trị của mình trên thị trường nghệ thuật epoxy của cả nước.

Thừa Thiên Huế online