NGƯỜI TÀ ÔI ĐAN CHIẾU SÍNH LỄ ÂMBER

Chiếu Âmber của người Tà Ôi (A Lưới) có giá trị tương đương vải dèng bởi nó tốn nhiều công sức. Để làm ra sản phẩm này, quy trình hái lá, tước, phơi khô, nhuộm, đan… có khi mất hơn cả tháng. Con gái Tà Ôi trước khi về nhà chồng phải có vài ba tấm chiếu này làm lễ vật thể hiện tình yêu thương và tôn trọng gia đình nhà trai.

Lá A’anh chác là cây dứa dại mọc trong rừng, vùng sình lầy

Để lấy được lá A’anh chác – nguyên liệu chính đan chiếu, đồng bào vào rừng sâu từ sáng.

Lá A’anh chác người miền xuôi gọi là cây dứa dại có nhiều gai, dễ gây vết thương và ngứa da nếu hái không cẩn thận. Lá này trong rừng có hai loại, loại mọc trên đất sỏi đá và mọc ở vùng sình lầy.

Ông Viên Đăng Minh, một nghệ nhân ở A Roàng kể: “Có lá dài hơn cả sải tay người. Vất vả nhất là hái chúng ở vùng sình lầy. Đi hái lá này có khi về tay không vì tìm không có”!

Gùi lá về nhà, người phụ nữ sẽ dùng sợi tước từ thân cây đoác hoặc sợi cước đan lưới đánh cá tước A’anh chác thành nhiều sợi nhỏ. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, thuần thục bởi tước đều tay, chiếu đan sẽ đẹp.

Lá sau đó được đem phơi nắng hoặc gác bếp cho khô dần. Để tạo màu, người ta hái lá A’rưh (loại lá dùng nhuộm màu cho vải dèng) giã, trộn với vỏ ốc nấu sẽ cho ra màu xanh; phối trộn với nguyên liệu khác tạo ra màu hồng, tím. Hỗn hợp này sau khi nấu sẽ đổ vào chum và ngâm lá trong 1 tháng, sợi chiếu mới lên màu hoàn hảo.

Theo bà A Viết Thị Nhi, hầu hết phụ nữ Tà Ôi đều biết làm chiếu này từ nhỏ. Họ được bà, mẹ, chị truyền lại; khi đến tuổi cập kê có thể tự mình đan chiếu mang theo về nhà chồng. Thời nay, chỉ còn ít người giỏi đan chiếu bởi công việc này cần quá nhiều thời gian và sự tỉ mỉ. Vì là sính lễ buộc phải có trong ngày cưới nên người ta đặt hàng các nghệ nhân hoặc người lớn tuổi. “Chỉ khi bớt việc nhà mình bắt đầu đan chiếu. Làm trong 1 tuần liên tục mới có được tấm chiếu Âmber. Mỗi năm, mình làm giỏi lắm là 20-30 tấm cho khách thôi”, bà Nhi kể.

Chiếu Âmber khổ 1,2m x 1,2m có giá 800.000 đồng – 1.200.000 đồng/ tấm tùy sợi to nhỏ, loại hoa văn. Một số hộ đang thử nghiệm lá A’anh chác làm túi xách, mũ, nhẫn, vòng… phục vụ du khách.

Muốn xem làm chiếu Âmber, bạn có thể tìm đến nhà một vài nghệ nhân hoặc đăng ký trải nghiệm ở homestay Hương Danh (A Roàng).

Cùng Thừa Thiên Huế Online xem cách đan chiếu từ lá A’anh chác:

Để hái nhiều lá A’anh chác, bà con thường đi theo nhóm chị em hoặc gia đình

Loại lá này có ba sống gai dễ gây trầy xước, ngứa da nên phải có kỹ năng thu hái

A’anh chác còn có tên gọi là dứa rừng, dứa gai, dứa núi có thể chữa sỏi thận, viêm đường tiết niệu

Đôi tay có thâm niên hơn 40 năm tước lá A’anh chác đan chiếu

Lá A’rưh giã nhỏ quết dính như keo, trộn với vỏ ốc, nấu sẽ cho ra màu xanh, dùng tạo màu sợi chiếu

Hỗn hợp sau khi nấu sôi sẽ được dùng ngâm ủ sợi chiếu trong 1 tháng mới lên màu

Du khách tìm hiểu quy trình nhuộm, phơi lá 

Đan những nút đầu tiên của tấm chiếu sính lễ

Khách Tây cũng hào hứng trải nghiệm 

"Sáng tạo" từ sợi chiếu của du khách 

Chiếu Âmber khổ 1,2m x 1,2m hiện có giá 800.000 đồng – 1.200.000 đồng/ tấm

THỪA THIÊN HUẾ ONLINE