Miên man sách cũ …

Người ta bảo, sách cũ, bạn cũ và rượu cũ là 3 thứ được người có văn hoá rất xem trọng. Rượu cũ và bạn cũ thì tôi chưa “cảm giác” được nhiều, những sách cũ thì tôi may mắn được một vài trải nghiệm...
• Sách dù cũ nhưng tri thức không cũ
Những buổi chiều cuối tuần rảnh rỗi, dông xe vào Thành nội hoặc rảo quanh một vài con đường ở bờ Nam con sông Hương thơ mộng của Huế, chợt một thoáng rưng rưng lòng mà không hiểu cơn cớ làm sao khi chứng kiến những ông lão, những cô cậu sinh viên, hay anh công chức đã luống tuổi ngồi tẩn mẩn đọc, chọn rồi mua cho mình một đôi cuốn tại những chiếu sách cũ được bày lặng lẽ dưới những bóng cây bên một góc phố vắng. Đôi ba lần, tôi cũng dừng lại, đọc, chọn và mua. Và thỉnh thoảng cũng chọn cho mình được vài cuốn ưng ý, mà giá thì rẻ đến bất ngờ. Một ngàn có, đôi ba ngàn cũng có, mà cao lắm cũng chỉ độ mươi, mười lăm ngàn một cuốn. Sách cũ nhưng tri thức tàng chứa bên trong thì không bao giờ cũ. Có những cuốn chọn được, mong cho chóng về tới nhà và ngấu nghiến đọc. Đọc xong cứ tần ngần. Sao sách hay thế này mà có người lại bỏ đành bỏ đoạn. Rồi lại tự... mừng. Cũng nhờ vậy mà mình mới có cơ may...
Có lắm điều thú vị, lắm điều bất ngờ từ những cuốn sách cũ. Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân từng tiết lộ, trước đây ông từng hùn vốn mở một quầy mua bán sách cũ với người bạn mà mục đích trên hết là được ưu tiên chọn mua cho mình trước . Cũng nhờ “kế” ấy mà ông đã kiếm được không ít sách hay, sách quý, hay những cuốn mà trong một bộ sách nào đó của ông còn đang thiếu...Bây giờ thì ông đang sở hữu cả một “gia tài” sách đồ sộ. Ông cũng là người làm công tác tư liệu hết sức khoa học, hết sức công phu, đến mức có thể “nhắm mắt mà vẫn có thể lấy bất cứ cuốn sách nào mình cần”.
Chúng tôi cũng từng lên thăm nhà nhà văn Tô Nhuận Vỹ ở chân đồi Thiên An. Ngôi nhà ông vừa xây xong chưa lâu, được thiết kế theo kiểu hiện đại, hệ thống cửa đều toàn bằng kính khiến ngôi nhà rất sáng và gần như không có sự ngăn cách giữa nội thất với hoa cỏ thiên nhiên bên ngoài. Có điều, chính điều ấy cũng gợn trong ông chút lo lắng. Không lo gì cả, chỉ lo kẻ gian nhòm ngó rồi rinh mất tủ sách, thứ mà ông bảo rằng ông quý hơn tất cả. 


Rồi cũng cách đây chưa lâu, chúng tôi sang gặp NNC Hồ Vĩnh khi anh vừa lên tầng được ngôi nhà mới. Việc lên tầng được ngôi nhà khiến anh như cất được gánh nặng trong lòng bởi từ đây anh sẽ thoát được nạn ôm sách chạy lũ mỗi năm. Trong tủ sách của Hồ Vĩnh có nhiều cuốn sách, nhiều tư liệu cổ mà hễ dính nước là coi như xong. Trời hành cơn lũ mỗi năm, nhà anh lại ở nơi thấp trũng trong Thành nội Huế nên cũng đã từng phải ngậm ngùi “hiến tặng” không ít sách vở như thế. 
Chúng tôi cũng đã may mắn được nhà giáo, NNC Nguyễn Hữu Châu Phan dẫn đi giới thiệu về tủ sách hơn vạn cuốn của gia đình ông. Nhiều cuốn sách trong đó có tuổi đời hơn thế kỷ. Gáy sờn, mối xông, được ông nâng niu, cẩn trọng lật từng trang để giới thiệu. Sau này, khi mở thư phòng, “xả cửa” cho mọi người vào đọc miễn phí, khi có ai đó cần copy phần này phần khác, ông giành luôn, trực tiếp đi photo, rút tiền lưng ra trả rồi... tặng luôn bản copy cho người cần. “Mình đích thân đi làm sẽ cẩn thận hơn, ít ra cũng giữ cho sách đỡ hỏng bởi đa phần đều đã xuất bản khá lâu rồi...”-Ông Phan cười hiền lành chẳng giấu diếm....
• Và chợt ngẫm…
Những tủ sách như của Nguyễn Hữu Châu Phan, của Nguyễn Đắc Xuân, của Tô Nhuận Vỹ, của Hồ Vĩnh, của Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thuận An, Hồ Tấn Phan, và của nhiều những gia đình khác nữa ở Huế hẳn đang chất chứa trong nó một khối lượng tri thức khổng lồ về văn hoá, lịch sử và cả về nhiều lĩnh vực khác nữa. Trong đó, những bản sách cũ phần nhiều là những bản sách đặc biệt quý hiếm mà có khi đến những thư viện danh tiếng có thể còn không tìm ra. Thế cho nên không ít những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã phải đến Huế cậy nhờ các tủ sách gia đình khi thực hiện một công trình nghiên cứu nào đó của mình. Trường hợp nhà Đông Phương học Boris Ritin của Viện Hàn lâm khoa học Xô viết (Liên Xô cũ) trước đây cất công sang Việt Nam, được đến Huế, rồi may nhờ có Nguyễn Đắc Xuân dẫn đến nhờ tủ sách của cụ Phan Văn Dật; hay gần nhất là cuộc viếng thăm của nhà sử học nổi tiếng của Úc David Marr, của Lawrence Raymon Fife (Đại học New England) đến tủ sách của NNC Nguyễn Hữu Châu Phan để nghiên cứu, tham khảo, làm tư liệu cho luận án tiến sỹ là những đơn cử…
Trong một bài viết cách đây gần chục năm, NNC Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Huế đã từng là một trung tâm tư liệu lịch sử-văn hoá nổi tiếng của Việt Nam. Để minh chứng khẳng định này, Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến những tủ sách, những “tàng thư” lừng danh một thời của Huế: Đó là những tủ sách của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Cao Xuân Dục; là Quốc sử quán, Tân thơ viện, thư viện Bảo Đại, hay tủ sách của gia đình Đào Duy Anh, gia đình Võ Bá Hạp, của Hội Quảng Tri, Hội Đô Thành hiếu cổ, của nhà thờ Thiên An...Nguyễn Đắc Xuân cũng nhắc để mọi người nhớ, Huế là mảnh đất đã từng sản sinh ra những bộ sách thuộc loại quý giá nhất của dân tộc như bộ sử Nam Triều khai quốc công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên gồm 560 quyển biên niên từ thời chúa Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ Thuận Quảng cho đến cuối đời Đồng Khánh; bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, 53 quyển, biên niên từ thời Hùng Vương đến đời Lê Chiêu Thống; rồi các bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên và chính biên (85 quyển); Đại Nam nhất thống chí (28 quyển)...Ngoài ra còn có nhiều sách sử của người Tây phương viết về Huế, về Việt Nam đầu thế kỷ XX như Souvenirs de Hué của Đức Chaigneau, Souvenirs de l’Indochine của Paul Doumer...Gần hơn nữa có Tự phán của Phan Bội Châu, Việt Nam văn hoá sử cương của Đào Duy Anh, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân; các bản dịch các tác phẩm nổi tiếng của Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam của Đại học Huế dịch như An Nam chí lược (Lê Tắc), Hải ngoại ký sự (Thích Đại Sán)...Báo Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một tờ báo có từ rất sớm và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử, văn hoá Việt Nam cũng ra đời tại Huế....
Quy luật của thời gian và những biến động khắc nghiệt của lịch sử đã khiến cho sách vở của Huế bị thất thoát, mai một rất nhiều. Tuy nhiên, với niềm yêu, niềm đam mê và nhu cầu đọc sách, trong các gia đình trí thức của Huế vẫn còn bảo tồn một lượng sách không phải là ít, và chắc chắn trong đó có không ít sách quý, sách hiếm. 
NNC Hồ Vĩnh từng ước ao Huế tổ chức một cuộc triển lãm sách cũ để người yêu sách có dịp giao lưu và công chúng, du khách được dịp chiêm ngưỡng những bản sách quý. NNC Nguyễn Đắc Xuân thì từng thiết tha đề xuất tỉnh nên “học tập vua Minh Mệnh “hạ chiếu” tìm tài liệu lịch sử và có chủ trương, chính sách thoả đáng cho việc sưu tầm, bảo quản, sử dụng tư liệu văn hoá lịch sử tại tỉnh nhà; nếu có thể thì tiến hành lập một Ngân hàng sách...” 
Sách là văn hoá, và “đất” cho những hoạt động văn hoá liên quan đến sách không nơi nào phù hợp hơn so với Huế. Một ngân hàng sách, những triển lãm sách cũ được tổ chức định kỳ, một thư tịch đầy đủ và cần thiết cho những ai muốn đọc, muốn học, muốn sao lục...đều là những hoạt động, những việc làm gây nhiều bất ngờ thú vị và có khả năng hấp dẫn du khách không ít. Và biết đâu, đó cũng là tiếng gọi để những tủ sách quý cùng tìm về “cư ngụ” với Huế, để rồi một ngày nào đó, Huế lại nổi tiếng là một Trung tâm tư liệu lịch sử-văn hoá của Việt Nam như một thời đã có...

Diên Thống