Ăn khuya

Huế lại vào mùa nữa rồi. Mùi khói thơm cứ bốc lên nghi ngút, mấy bạn trẻ Huế chỉ chực kiểm tra lại hầu bao lần nữa rồi đợi đến tối là nhanh nhảu hỏi: “Chừ bên mô, góc mô đây tụi bây?”.

Ăn đêm đã trở thành thú vui của người trẻ

Đã sang thu. Trời Huế đã rõ sự thay đổi. Sáng mới nắng gắt mà tối đến đã lại lắc rắc đến rầm rập mưa, thành ra nhiều lần kế hoạch rong chơi đều đành lỡ dở. Tôi cứ chắc nịch về một “nước Huế” vẫn còn nhiều truyền thống, khi một vài cung đường đến khoảng 9 giờ tối là mọi nhà đóng cửa lui đèn gần hết. Một vài “tay chơi” tuổi teen hay vừa sém qua teen ngang tầm đó cũng giật mình khi điện thoại báo giờ “giới nghiêm” réo rắt đổ.

Nhưng giờ cũng có không ít bạn Huế phải vào tối một đỗi mới bắt đầu rời nhà. Các cuộc vui nhiều lúc cũng phải tầm khuya mới xong được. Vì vui trong lòng, rồi còn phải ấm cái bụng nên hàng ăn ở Huế cũng thế mà kéo dài từ chập tối đến tận sớm mai. Đêm Huế ở phía đó từ lúc nào không rõ đã bắt đầu nhộn nhịp hẳn.

Sau những suy luận ngắt quãng khi được hỏi mấy bạn Huế ham khuya từ lúc nào, tôi đoán thời gian “chơi bời” hẳn cũng trải qua được vài năm – đúng với ngần đó thời gian mấy hàng ăn dưới chân cầu 12 nhịp mở ra để phục vụ nhu cầu của giới trẻ. 4 - 5 năm nay đổ lại, ở Huế chắc đầu cầu Trường Tiền là nơi tụ họp đông nhất của cái lứa ăn đêm. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mì Trường Tiền 7.000 đồng chắc phải hot bằng mì Phượng 20.000 đồng ở Hội An khi người ta sẵn sàng nối đuôi nhau thành hàng dài chờ đợi. Rồi giờ ngoài cầu Trường Tiền, khu ăn đêm đầu cầu Gia Hội cũng nối gót “người anh em” để trở thành nơi yêu thích buổi khuya của nhiều người. Tôi đoán, người ta mở vậy là để phục vụ cho mấy bạn trẻ của bờ bên kia, hay họa chăng là không muốn bờ Bắc bên nớ thua thiệt bờ Nam bên ni sông Hương.

Là hậu bối của mấy o bán hàng ở bờ Nam, nhưng hàng quán quanh cầu Gia Hội mở ra sớm lắm. Mọi hôm chỉ chực nắng chiều vừa thôi len lỏi và xịu mặt dần xuống là hàng khói dài từ nồi bánh canh đã bốc lên nghi ngút tới tận đọt cây. Mùi mắm, ruốc cho mẻ cơm, bún hến sắp lên đã ở đâu phảng phất đậm đà vô tận.

Không tập trung thành một cụm như chân cầu bên này, các hàng quán ăn vặt đến ăn no của bờ Bắc trải rộng từ góc này, đến góc khác. Người chạy ngang giờ không cần để mắt tìm nữa mà chỉ phải ngắm đúng chỗ, chọn đúng món mình thích rồi tấp vào.

Mở hàng sớm nhất chắc là dãy bánh canh đầu cầu Gia Hội. Giờ chơi bắt đầu khá muộn, nên nhiều lúc tôi và đám bạn vẫn nghĩ chắc quá nửa giờ cơm mới là giờ đắt khách. Nhưng ngó vậy mà cỡ 4 - 5h chiều, khu này đã đông đặc. Khách hàng “ăn vặt” giờ đó không phải là học sinh, sinh viên mà phần lớn là những cô chú, anh chị từ trưởng thành đến đứng tuổi. Người cúi cúi ăn vội thìa bánh canh để đến ca làm chiều, người thở phào thảnh thơi cởi vành nón bảo hiểm ngả vàng rồi hít hà mùi ớt, mùi bột, mùi thịt thơm sau ngày làm vất vả.

Cơm hến, món ăn khuya được yêu thích

Dừng dọc xóm bánh canh như hưởng ké chút “lộc phát”, mấy gánh bắp luộc cũng tầm đó là bắt đầu bận rộn. Ngày trước còn bé, thứ hấp dẫn mình không phải là răng bắp tròn đều tăm, mà chỉ mong cùng mẹ, cùng bà đến mua để ngắm cho đã mấy màu xanh của lá chuối phủ ngoài quang gánh và nếm cho trọn vị nước luộc ngọt thơm. Giờ lớn hơn chút nữa, cái thú đó vẫn không đổi, chỉ khác là các cô bán hàng quen đã vội đi mất, nên muốn ăn hẳn phải chạy rất xa. Nhưng biết thế nào được. Mê rồi “mà vẽ”.

Thủng thẳng thả ga xuống chân cầu thì biết bao nhiêu mà chọn. Chợ Đông Ba tan, các sạp trái cây phía ngoài bắt đầu thu lại để nhường chỗ cho lò lửa đỏ của gánh bún bò, hay bún thịt nướng, nem lụi cùng vô vàn các món ngọt, mặn khác. Xe tắt máy là tranh thủ ngó sang trái để ngắm nồi nước lèo nóng đỏ ùng ục sôi, rồi quay sang phải để ti hí mờ ảo nhìn xuyên qua làn khói nướng, hoặc hướng mắt xa hơn để phân biệt cái xanh xanh, đỏ đỏ của chè này, chè kia rồi bắt đầu chọn.

Mấy hàng quán to trông thế thôi, chứ chắc cũng coi kiểu ăn uống này là đối thủ đáng gờm dữ lắm. Vì vị Huế lề đường coi vậy chứ mà đậm, màu sắc ngó thế chứ mà tươi nên người bước vào rồi khó mà rời được. Tôi cũng trẻ, cũng ham ăn uống kiểu này, nhưng nhiều lúc chỉ muốn đến để “bắt” cho mình một cảnh thật quen như ngày xưa cùng đám bạn vẫn hay chùm hum chơi đồ hàng giữa hằng hà sa số nồi, niêu, xoong, chảo nhựa.  Và cả ba tôi – người đại diện cho lớp tuổi ngũ tuần coi vậy mà mê, nên vài lần sau khi la cà vẫn chạy qua ăn cho được tô bún giò, bún chả rồi về thủ thỉ bằng chất giọng lơ lớ nam pha nồng mùi thuốc: “Bên nớ bán đồ ngon lắm con, lúc nào đi thì hai chị em nhớ ghé ăn thử”.

Huế lại vào mùa nữa rồi. Mùi khói thơm cứ bốc lên nghi ngút, mấy bạn trẻ Huế chỉ chực kiểm tra lại hầu bao lần nữa rồi đợi đến tối là nhanh nhảu hỏi: “Chừ bên mô, góc mô đây tụi bây?”.

Theo Thừa Thiên Huế online