“LỆCH CHUẨN THẦN TƯỢNG” TRONG GIỚI TRẺ HIỆN NAY

Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều bạn trẻ thể hiện sự ngưỡng mộ, sùng bái đối với “thần tượng” là các diễn viên, ca sĩ, những “ngôi sao” trong các lĩnh vực giải trí, khoa học, thể thao… Hiện tượng này ngày càng phổ biến và lan rộng trên mạng xã hội.

Từ trước đến nay, “Thần tượng” được hiểu là hình tượng đẹp, hình mẫu của giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà con người ngưỡng mộ và hướng tới. Khi thần tượng một hình mẫu nào đó chính là tôn trọng và đánh giá cao những tài năng, nét đẹp, giá trị của hình mẫu đó. Ngưỡng mộ thần tượng khiến mỗi người có thêm động lực sống, làm việc và thực hiện đam mê của mình.

Tuy nhiên, do thần tượng được cảm nhận, đánh giá qua lăng kính tư duy, tình cảm của chủ thể, nên thần tượng mang tính chủ quan, có tính tương đối. Chính vì vậy, nhiều trường hợp họ chỉ là người bình thường trong mắt người này nhưng lại vĩ đại trong khái niệm của người khác. Từ đó đã dẫn đến nguyên nhân khiến hiện tượng “thần tượng đúng chuẩn”“thần tượng lệch chuẩn” cùng tồn tại trong thực tế.

Lệch chuẩn được hiểu là những hành vi đi lệch khỏi hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội. Do đó, “lệch chuẩn thần tượng” nghĩa là sai lầm khi lựa chọn thần tượng, là sự sùng tín đối với các đối tượng lệch chuẩn.

Với sự phát triển của mạng xã hội, hiện nay có không ít bạn trẻ đang lệch chuẩn trong việc lựa chọn thần tượng. Nhiều bạn trẻ không chỉ hâm mộ những diễn viên, ca sĩ… mà còn sùng bái những “giang hồ mạng”. Sự nổi tiếng của các nhân vật “giang hồ mạng” không phải do tài năng hay đóng góp đặc biệt cho xã hội, mà xuất phát từ những hành vi vô văn hóa hoặc lan truyền các hình ảnh, clip lố lăng, nhảm nhí, thậm chí có nhiều yếu tố kích động bạo lực, tình dục và gắn với những drama trên mạng xã hội, như: Bà Tưng, Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Bình “Trọc”, Dũng “Trọc”, Phú Lê,… Bên cạnh đó, các thanh niên xăm trổ đầy mình, có hành vi côn đồ, tiền án tiền sử… cũng được một số bạn trẻ xem là thần tượng. Hàng loạt “giang hồ mạng” sở hữu các kênh youtube, fanpage có số lượng người theo dõi, chia sẻ đông đảo. Nguy hại hơn là các bạn trẻ từ tò mò xem cho biết, không ít người đã bắt chước, học theo lối sống, hành vi lệch lạc của những đối tượng đó mà không lường được những hệ lụy xấu khi cổ xúy cho tư duy cực đoan.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “lệch chuẩn thần tượng” trong giới trẻ hiện nay. Về khách quan, đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội với trào lưu chia sẻ, lan rộng những “hiện tượng” thu hút sự quan tâm cao của cộng đồng mạng. Trên môi trường mạng xã hội, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực  thì không tít những thông tin xấu, độc, tin giả, những bài báo “giật tít, câu view”, thậm chí là video clip, phát ngôn gây sốc, hành vi “kỳ quặc”... cũng được lan truyền nhanh chóng.

Bên cạnh đó, “lệch chuẩn thần tượng” cũng xuất phát từ việc thiếu vắng sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong giáo dục con cháu tại gia đình. Trong xã hội hiện đại, không ít các bậc làm cha làm mẹ chưa dành thời gian thích đáng để chăm sóc, giáo dục con cái; một bộ phận gia đình còn chạy theo lối sống thực dụng; phương pháp uốn nắn, giáo dục chưa khoa học khiến cho nhiều bạn trẻ có cái nhìn và nhận thức lệch lạc về con người, xã hội. Mặt khác, giáo dục trong nhà trường còn nặng về lý thuyết, xem nhẹ ý nghĩa của việc nêu gương. Trường học nào cũng có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, song thực tế, giáo dục đạo đức vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Về chủ quan, giới trẻ là những người đang độ tuổi chuyển giao giữa thời kỳ thiếu niên, phụ thuộc sang những người trưởng thành với những thay đổi về cả sinh lý, tâm lý. Các bạn trẻ thường có tâm lý sôi nổi, nhiệt tình nhưng đôi khi bồng bột, ngộ nhận; họ có khát khao sáng tạo, cống hiến nhưng cũng dễ chạy theo các mới, dễ hoang mang, kích động và bị cám dỗ. Trước những hiện tượng, những hành vi hay phát ngôn “kì quặc”, những đặc điểm tâm lý này sẽ kích thích sự hào hứng, tìm hiểu và theo dõi của một số các bạn trẻ. Chỉ cần thấy hiện tượng này, hiện tượng kia, người này, người kia nổi tiếng trên mạng xã hội, giới trẻ sẽ chạy theo trào lưu, “theo trend”, thường xuyên theo dõi, truy cập, tương tác mà không tìm hiểu sâu xa, tận tường, cặn kẽ trong thực tế những con người ấy là như thế nào.

Thiết nghĩ, để khắc phục hiện tượng “lệch chuẩn thần tượng”, nhất thiết phải tăng cường công tác giáo dục để nâng cao nhận thức cho giới trẻ. Công tác giáo dục phải tiến hành đồng bộ từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Phụ huynh cần quan tâm xây dựng môi trường sống tốt đẹp để con cái hình thành và phát triển nhân cách; uốn nắn con từ cách phát ngôn, ứng xử với mọi người đến việc định hướng chúng sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Giáo dục trong nhà trường không chỉ chú trọng giảng dạy về kiến thức mà phải tăng cường đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Quan trọng hơn, mỗi thầy cô, phụ huynh phải thực sự là tấm gương trong việc ứng xử có văn hóa để giới trẻ noi theo. Các tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên nêu cao vai trò trong định hướng về lối sống tích cực, lành mạnh, vì cộng đồng, thượng tôn pháp luật; ngày càng tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa, sân chơi giàu tính giáo dục để thu hút các bạn trẻ, giúp họ tránh xa những tác nhân xấu.

Thứ hai, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam mới với những chuẩn mực: tinh thần yêu nước, đoàn kết, lòng nhân ái, bao dung, lối sống cần cù, giản dị, yêu lao động, sáng tạo, bản lĩnh cá nhân, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng… là điều vô cùng quan trọng. Muốn vậy, đòi hỏi phải sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng gương người tốt, việc tốt; mặt khác phải lên án những tệ nạn xã hội, sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (ngày 17/6/2021). Đây được coi là chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, có tác dụng điều chỉnh hành vi của mỗi người trên môi trường mạng, để người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm với những phát ngôn, hành vi của mình, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Trong thời gian tới, cần xây dựng và ban hành thêm những các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đối với hành vi trên mạng xã hội để tăng cường quản lý, làm sạch văn hóa mạng.

Riêng các bạn trẻ, bên cạnh kiến thức phải trau dồi bản lĩnh, lối ứng xử, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, lối sống của bản thân. Trong quá trình học tập, lao động, để mình “hòa nhập nhưng không hòa tan”, biết chọn lọc và tiếp thu những điều tốt đẹp để khẳng định và nâng cao giá trị bản thân.

Hà Tiên