XÂY CHÙA, TẠC TƯỢNG, ĐÚC CHUÔNG…

Trong đời sống Phật pháp, tâm linh ông cha ta có câu “Xây chùa, tạc tượng, đúc chuông. Trong ba việc ấy thập phương nên làm” . Đây là câu ca dao được truyền bá trong nhân gian từ xưa ý nói 03 việc làm trên là những việc tốt, mang lại công đức lớn lao, không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ đối với Tam Bảo mà còn là hành động gieo trồng phúc đức, gieo duyên lành cho tha nhân, cho mọi người cùng được Tu học, cùng chung hưởng ánh sáng nhiệm màu của Phật pháp.

Xây chùa, tạc tượng, đúc chuông. Trong ba việc ấy thập phương nên làm

Là một phật tử có duyên được đi từ Nam ra Bắc, tôi đã được đi chiêm bái rất nhiều ngôi cổ tự, tâm linh cho đến những chùa “tư nhân”, tôi hoan hỷ và cảm nhận giá trị của Phật pháp đã mang đến sự lợi lạc, thanh tịnh, trang nghiêm, ấm cúng xứng tầm với phát triển của thời đại. Tuy nhiên, tôi cũng rất trăn trở khi yếu tố đạo đức đang bị lợi dụng để trục lợi. Tu sĩ ngày càng đông; chùa, thất to, nhỏ, mới ngày càng nhiều và tiện nghi, sang trọng, kín đáo, không khác gì dịch vụ resort. Sắm nhà riêng, mua xe hơi, thậm chí có người “ giúp đỡ” về mặt tinh thần, không những một mà còn đến vài người…Thử hỏi, cả cuộc đời của một công chức (người có thu nhập ổn định) có đủ tiền mua được một ngàn mét đất và xây dựng ngôi nhà với đầy đủ công năng, hiện đại, tiện ích. Nhưng với một tu sĩ điều này cũng đơn giản và dễ dàng hơn. Tại sao lạ vậy?

Có thể nói người Việt mình rất chuộng tâm linh, bởi vì thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Phật giáo nên phật tử và những người mến mộ rất kỳ vọng, tin tưởng vào sự uy nghi, đạo đức, sự tu tập của vị tu sĩ từ đó cúng dường xây dựng, trùng tu chùa khang trang hơn để thờ tự và hướng dẫn tâm linh đạo đức cho phật tử được thành tựu. Tuy nhiên, có phải tu sĩ nào cũng giữ được tâm nguyện, thực hiện lý tưởng hộ trì, xiển dương chánh pháp như câu ca dao của người xưa  “Kiếp tu hành đạm bạc rau, tương. Miễn cầu được an khương bốn bể

Sự tác động của xã hội hiện đại đã làm cho sự phân tầng giàu nghèo, ham muốn hưởng thụ, xem trọng hình thức đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thiểu dục tri túc mà giáo lý Phật giáo răn dạy cho tăng sĩ trong hành trì, tu tập. Có rất nhiều trượng hợp xây chùa mới được vài năm nhưng không vừa ý lại lấy nhiều lý do mà vận động để làm lại, có tu sĩ lại muốn có thất riêng nên đã vận động kinh phí để làm chùa nhưng lại trở thành tài sản riêng của bản thân, khi vô thường lại dẫn đến tranh chấp thừa kế…Điển hình là vụ tranh chấp ở chùa Diệu Giác - Sài Gòn và còn rất nhiều trường hợp nữa đang ẩn chứa tranh chấp. Vài trường hợp khác khi vị trụ trì qua đời, tài sản của chùa, của bá tánh lại trở thành tài sản riêng của gia đình, tranh chấp giữa gia đình với tu sĩ trong chùa, giữa lý và tình làm mất đi tình cảm tốt đẹp giữa người phật tử với nhà chùa, ảnh hưởng đến cả mọi người xung quanh.

Phật tại tâm nhưng yếu tố kinh tế, xã hội hiện nay là không thể tránh khỏi, biết nhận, biết sử dụng đúng mục đích, biết từ chối khi xét thấy không lợi lạc quần sanh. Nên nhớ rằng phật tử phát tâm cúng dường với thành ý xây chùa, tạc tượng, đúc chuông nhằm vun trồng phước đức cho bản thân, gia đình, xã hội. Mỗi công đức của họ tuy rất nhỏ, có thể chỉ là viên gạch nhưng đó là lòng thành. Do vậy, phật tử cũng nên sáng suốt khi cúng dường, xây chùa, tạc tượng, đúc chuông để thành ý của bản thân đúng pháp.

Còn là tu sĩ, hơn ai hết cần học hạnh quét rác

Rác lòng, rác đời quét vơi

Bao giờ hết rác, thảnh thơi an nhàn

Chuyện đời trả lại thế gian

Đừng nên chấp giữ sầu than cuộc đời

 (Sưu tầm)

Đôi lời cùng chia sẻ và góp ý nhìn chủ quan của bản thân, ngưỡng mong quý tăng ni, phật tử cùng nhau suy ngẫm.

Trí Tâm