VIẾT VỀ MỘT ĐỘI QUÂN ANH HÙNG

 Một đội quân từ gậy tầm vông đến những vũ khí hiện đại được tôi rèn trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đập tan ý chí xâm lược của những kẻ thù hùng mạnh, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc. Hiếm quân đội nào trên thế giới có lịch sử đặc biệt như Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Nói là “lịch sử đặc biệt” bởi lẽ: Quân đội ta ra đời trong phong trào cách mạng của quần chúng; hình thành trước khi xuất hiện chính quyền công-nông; ngay từ trong giai đoạn “phôi thai, trứng nước” đã tự nguyện đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện, giáo dục, dìu dắt.

Một đội quân được sinh ra từ một dân tộc anh hùng

Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua các thời đại, dân tộc Việt Nam luôn phải đánh trả những thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Lịch sử dân tộc đã ghi dấu những chiến công bất hủ như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa..., để lại cho nhân dân ta truyền thống chống giặc ngoại xâm ngoan cường, bất khuất và một tư tưởng quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc. Đó là tư tưởng chiến tranh nhân dân, lo giữ nước từ lúc chưa nguy, thực hiện "ngụ binh ư nông" để "quốc phú binh cường"; đánh giặc với nghệ thuật quân sự độc đáo "lấy ít địch nhiều", "lấy nhỏ thắng lớn", "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo"... Khi đất nước bị xâm lăng thì "trăm họ là binh"; khi đất nước thanh bình, những chiến binh lại trở về cùng nhân dân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi... Một dân tộc với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, một dân tộc anh hùng đã sản sinh ra những đội quân anh hùng. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng vẻ vang là một thành tựu vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước, tư tưởng quân sự của cha ông, trong thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã trở thành đỉnh cao của tinh thần lấy trí tuệ và lòng quả cảm để chiến thắng vũ khí hiện đại của địch, quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng.

Không ngẫu nhiên mà Quân đội ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là “Quân đội nhân dân”. Danh xưng này, một mặt, thể hiện ý nghĩa là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ; mặt khác, thể hiện cội nguồn sức mạnh của quân đội có xuất phát điểm từ sức mạnh vô địch của nhân dân. Từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta không chỉ là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước, chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, mà còn là lực lượng chiến đấu bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quân đội ta đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, như: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 12-1944); Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5-1945), Vệ quốc đoàn (tháng 11-1945), Quân đội Quốc gia Việt Nam (tháng 5-1946). Từ ngày 24-9-1954, tức là sau gần 10 năm ra đời, Quân đội ta chính thức có tên gọi mới là Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Từ đó đến nay, QĐND không chỉ là một danh xưng nói lên bản chất, cội nguồn sức mạnh của Quân đội ta mà còn là tên gọi thân thương, trìu mến trong tình cảm, niềm tin son sắt của các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước.

Ngày 22-12-1944 đi vào lịch sử như một sự kiện quan trọng mở đầu cho cả một chương lịch sử chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của QĐND Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, là một chương lịch sử mới của dân tộc ở thế kỷ 20, trong thời đại Hồ Chí Minh. Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Quân đội ấy đã trưởng thành từ không đến có, từ yếu đến mạnh và cùng với toàn dân lập nên một kỳ tích của thế kỷ 20, một huyền thoại khi một dân tộc nhỏ đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đưa nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam lên hàng ngũ những dân tộc đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân với những chiến thắng vang dội “chấn động địa cầu” như trận Điện Biên Phủ (năm 1954); Đồng khởi (1960), Tết Mậu Thân (1968), Điện Biên Phủ trên không (năm 1972) và Chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử (30-4-1975)… đưa non sông thu về một dải từ Nam Quan đến mũi Cà Mau; sau đó lại là cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam… Trong đó, quân và dân tỉnh Sóc Trăng góp phần vào thắng lợi chung với những chiến thắng như: trận đánh của “Du kích Long Phú” (chống Pháp); chiến thắng Xẻo Me năm 1951 (chống Pháp); Đồng khởi Trà Teo (năm 1960); trận đánh Giầy Lăng (năm 1965); 52 ngày đêm chiến thắng Chi khu Ngã Năm (năm 1968); các lần tập kích sân bay Sóc Trăng, Bạc Liêu (từ năm 1962 - 1972); chiến thắng 30-4-1975, rồi 10 năm (1979 - 1989) giúp bạn tỉnh Công Pông Chơ Năng (Campuchia) thoát khỏi sự diệt chủng của Khmer Đỏ…

Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, hình ảnh những người dân bước vào các cuộc chiến tranh vệ quốc đã in đậm những trang vàng lịch sử. Từ Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, đến anh giải phóng quân để lại "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" và những người lính hôm nay đang vững tay súng nơi biên cương, hải đảo đều từ nhân dân mà ra... Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng quân đội ta - một quân đội của dân, do dân và vì dân, là quân đội của giai cấp công nhân nhưng cũng là của cả dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam lấy truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam làm cơ sở tinh thần để xây dựng lực lượng, lấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm nguồn động lực và sức mạnh. Trong thời chiến hay thời bình, mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của quân đội đều vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Không được lãng quên những phẩm chất anh hùng

Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi thủ đoạn nhằm hiện thực hóa âm mưu đen tối là “phi chính trị hóa” quân đội, làm phai nhạt phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, chia rẽ mối quan hệ máu thịt quân dân.

Hằng năm mỗi khi đến gần ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 trên các diễn đàn, mạng xã hội lại xuất hiện các luận điệu đòi Đảng và Nhà nước ta bỏ Điều 4, Hiến pháp năm 2013, đòi “phi chính trị hóa” quân đội... với những lý lẽ xuyên tạc cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tổ chức, lãnh đạo quân đội là do nhu cầu lịch sử của công cuộc giải phóng dân tộc. Nhưng hiện nay Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng và thống nhất đất nước 47 năm, vai trò của Đảng trong lãnh đạo quân đội đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” và không cần sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Họ cho rằng, hiện nay, quyền lãnh đạo đất nước cần phải chia sẻ cho các lực lượng khác bằng cách thực hiện đa đảng và quân đội phải “trung lập”, quân đội phải “đứng ngoài chính trị”.

Âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội thực chất nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm mọt ruỗng bản chất cách mạng của QĐND Việt Nam đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau dày công vun đắp, giữ gìn bằng bao nhiêu xương máu, nước mắt, mồ hôi, công sức suốt 75 năm qua; đồng thời làm lung lay tận gốc rễ, cội nguồn tạo nên sức mạnh của QĐND Việt Nam. Điều đó chẳng khác nào phủ nhận quá khứ, phỉ báng lịch sử-một hành động vô ơn không thể chấp nhận được. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “trăm lần nói dối cũng có lúc làm ngả nghiêng, chao đảo người nghe”, thông qua phương thức “vết dầu loang”, hằng ngày, hằng giờ, các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài đã tung ra những thông tin khi thì thật-giả lẫn lộn, lúc lại cố ý “bám lâu, ngoáy sâu” vào khuyết điểm của một số quân nhân và một vài hạn chế trong hoạt động quân sự, quốc phòng nhằm tạo ra một “góc nhìn khác” về Quân đội ta. Các thế lực thù địch không chỉ quyết liệt thông qua mức độ, tần suất, liều lượng thông tin tiêu cực về lĩnh vực quân sự, quốc phòng ngày càng liên tục, dày đặc, mà nội dung thông tin xuyên tạc cũng ngày càng tinh vi hơn, biểu hiện ở nhiều khía cạnh nham hiểm hơn.

Thực tiễn đã chứng minh dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của quân đội cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Trong chiến đấu, Quân đội thực hiện xuất sắc vai trò nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong lao động sản xuất, Quân đội tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xung kích đến những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, gian khổ để xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước trong thời kỳ mới.

Hôm nay, khi đất nước đứng trước nhiều thách thức; khi xu thế toàn cầu hóa mang lại không ít mặt trái bên cạnh những điều tích cực; khi lòng tự hào dân tộc đang có biểu hiện mai một, giảm sút trong một bộ phận người trẻ thì việc giáo dục để khơi dậy lòng tự hào ấy là hết sức cần thiết. Bởi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã đưa đất nước Việt Nam nhỏ bé bước ra khỏi những tăm tối, cần lao, khổ đau để có được độc lập, tự do. Lòng tự hào dân tộc đã giúp chúng ta bước qua mọi khó khăn, thử thách và chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất để có được ngày hôm nay. Đó là sức mạnh, một thứ sức mạnh kỳ lạ mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển bền vững, muốn vươn lên phải biết gìn giữ, khai khác, phát huy. Đấu tranh, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò và sứ mệnh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam là góp phần bảo vệ lịch sử về truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn đời của dân tộc ta, cũng như xây dựng và bồi đắp về thế hệ kế cận trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Bình Nguyên