VIỆC ĐỌC SÁCH ĐANG DẦN BIẾN MẤT ?

Sách  từ lâu đã được xem như người thầy của tương lai. Thế nhưng, có lẽ người thầy này đang dần đánh mất vị thế trong xã hội hiện nay. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học và kỹ thuật phát triển, "đọc" liệu có còn cần thiết nữa hay không?

Sách cho ta kiến thức, cho ta động lực, cho ta mơ về những nơi xa hơn, tuyệt vời hơn. Sách giúp mở ra một thế giới tốt đẹp hơn, những con người tốt hơn, và cả một phiên bản hoàn hảo hơn của chính bản thân mình. Nói không ngoa, sách là cả thế giới của chúng ta. 

Tưởng rằng sách sẽ là thứ không hề bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thế nhưng, những năm gần đây, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã khiến cho văn hóa đọc sách đang dần bị mai một để rồi đứng trước nguy cơ biến mất bởi sự lấn át nặng nề của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Thay vì ra các hiệu sách để mua những cuốn sách chuyên ngành, các cuốn sách về văn hóa, giáo dục, kĩ năng,…đa số bạn trẻ dành thời gian lướt facebook, tìm kiếm thông tin, đọc sách trực tuyến. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để ngồi bên chiếc máy tính, điện thoại để đọc hàng chục, thậm chí là hàng trăm những mẩu truyện sến súa. Dù cho tác giả có viết hay, dù văn chương có bay bổng, cảm xúc đến ngất trời thì cũng không có ích lợi nhiều cho con đường tự học, tư duy hay nhận thức.

Trung bình, một người phương Tây sẽ đọc tầm 4 - 7 cuốn sách trong một năm, còn ở Việt Nam thì chỉ  là 0,7. Đặc biệt là giới trẻ ngày nay, họ quá đắm vào thế giới ảo để rồi đánh mất đi những giá trị đích thực tồn tại ẩn sâu bên trong những cuốn sách. Phần lớn giới trẻ họ tỏ ra thờ ơ hay thậm chí là vô cảm đối với những việc đọc. Nhiều người còn cho rằng đọc sách là quê mùa, là mất thời gian và không phù hợp với xu thế của thời đại. 

Có một câu nói như thế này: "Đọc vạn cuốn sách, đi vạn con đường". Một người muốn tiến bộ nhanh nhất thì chỉ có duy nhất một con đường, đó là không ngừng đọc sách tốt, sách quý, không ngừng hiện thực hoá đạo lý trong đó thì mới có thể thay đổi được cuộc đời mình. Mỗi con đường đều là tự chính bản thân mình phải đi, tự chính bản thân mình trải nghiệm thì mới có thể đi thành con đường của riêng mình, thành tựu cuộc đời của chính mình. Chính vì vậy, có thể hiểu cái mà con người ta cần nhất trong đời là quyền lựa chọn một cuộc sống được làm những điều có ý nghĩa. Và sách là một công cụ đầy tuyệt vời giúp ta đạt được điều đó một cách dễ dàng nhất.

Giới trẻ được ví như những ngọn đèn soi sáng của một đất nước. Vậy nên,  việc lười đọc sách của giới trẻ hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như việc thiếu hụt tri thức, lười vận động, thiếu năng lực tìm tòi. Lười đọc sách cũng khiến cho tâm hồn con người trở nên khô cằn, vô cảm, kiêu ngạo và tự mãn. Ở các trường đại học và những trường trung học, việc sinh viên hay học sinh ít đọc sách, dẫn đến thực trạng nhiều trường hợp viết sai chính tả, vốn từ hạn hẹp, thiếu hiểu biết, kỹ năng viết không tốt. 

Văn hóa đọc chỉ thật sự có ý nghĩa khi người đọc có thể biến tri thức từ sách báo thành tri thức sống và kỹ năng trong hàng ngày. Nếu trước đây, mục tiêu của những đối tượng đọc chủ yếu là sách văn học, giáo dục, thì bây giờ, người đọc còn cần phải hướng tới các sách báo, tài liệu cung cấp các kiến thức về khoa học, công nghệ để kịp tiếp cận với nguồn tri thức của thế giới. Và một người có văn hóa đọc tốt phải là người đọc biết gạn lọc, chủ động tiếp thu nguồn tri thức từ sách báo để làm giàu thêm vốn hiểu biết của riêng mình. 

Ở những trường học vẫn cần nâng cao và phát huy việc đọc sách, mở rộng thêm những tủ sách cho các em. Việc đọc sách vẫn cần đặc biệt coi trong và phát huy những giá trị cao cả của nó, bởi đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Đồng ý rằng, văn hoá đọc không thể hình thành chỉ trong ngày một ngày hai. Chính vì vậy, những độc giả cần kiên trì và xem đó như một hoạt động thường xuyên để hướng đến những thay đổi tốt hơn. George R. R. Martin từng có một câu nói khá nổi tiếng và đầy ý nghĩa: “Người đọc sách sống một nghìn cuộc sống trước khi anh ta chết, còn người không đọc sống chỉ một đời”.

Những người đọc sách thì sẽ được tìm hiểu, đi đến nhiều cuộc đời, nhiều số phận khác nhau trong một kiếp người. 

Thế nên, hãy kiên nhẫn lật dở những trang sách ra để thấy được những tia sáng loé lên từ đó. Cũng đừng quên gieo trồng thói quen đọc sách đến những người xung quanh ta, đặc biệt là trẻ em. Để hy vọng một điều rằng, những hạt mầm ấy sẽ mọc lên "những cây xanh cao lớn" trên đất Việt Nam mai sau.

Hồ Ngọc Ánh