TUYẾN ĐẦU CỦA CUỘC CHIẾN ĐẤU TRONG THỜI BÌNH: "CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC"

Tuyến đầu của cuộc chiến đấu trong thời bình: chống tham nhũng, tiêu cực

Nhân Văn

Vì sao chống tham nhũng, tiêu cực còn gian nan, vất vả

Một trong những điều kiện bảo đảm thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là ngăn chặn, đẩy lùi, tiêu diệt được nạn tham nhũng, tiêu cực do mặt trái của nền kinh tế thị trường và chủ nghĩa cá nhân gây ra.

 Ở nước ta hiện nay, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có tín hiệu vui nhưng vẫn còn gian nan, vất vả; là vấn đề thời sự nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đến thời điểm này, tình hình chống tham tham nhũng, tiêu cực tuy đạt được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Song, nhìn chung, cuộc chiến đấu trong thời bình chống tham nhũng, tiêu cực – giặc nội xâm” vẫn diễn ra cam go, quyết liệt và hết sức phức tạp vì nó là thứ “bệnh nan y” ở trong cơ thể người, khó “chuẩn đoán, chữa trị”, lại được che đậy, giấu kín với nhiều mưu mô xảo trá của chủ nghĩa cá nhân và sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch. Tham nhũng, tiêu cực đã và đang gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội, cản trở sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành “quốc nạn”, tàn phá đất nước, làm mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nếu không chữa trị được căn bệnh nan y nguy hiểm này, nó sẽ trở thành nguy cơ đe doạ trực tiếp sự tồn vong của chế độ.

Vì sao tham nhũng, tiêu cực vẫn hoành hành, phòng, chống nó vẫn còn gian nan, vất vả? Vì sao nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý hình sự? Vì sao Đảng, Nhà nước ta bàn nhiều, đề xuất không ít giải pháp để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng nó vẫn tồn tại, chưa được đẩy lùi ? Vì sao vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên quyết liệt, dưới tê liệt” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Đến bao giờ thì tham nhũng, tiêu cực mới được chặn đứng, bị tiêu diệt, mới đáp ứng được sự kỳ vọng, mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về xây dựng một xã hội: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc?, v.v..

Vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cần phải làm gì, làm như thế nào cho hiệu quả để góp phần vào cuộc đấu tranh “sinh tử” vô cùng gay go, quyết liệt và phức tạp này ? Phải chăng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cần phải tiếp thêm sinh khí mới, bơm năng lượng tích cực để “tăng tốc, vào cuộc”? Với vũ khí tư tưởng, lý luận sắc bén và sự tâm huyết đầy trách nhiệm, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cần tiếp tục vạch mặt kẻ tham nhũng, chỉ ra các nguyên nhân, động cơ, mục đích, con đường, cách thức, thủ đoạn, tác hại của tham nhũng, tiêu cực; đề xuất đúng, trúng hơn các chủ trương, giải pháp, biện pháp khả thi để đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục cho được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên quyết liệt, dưới tê liệt” để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, quyết tâm chữa trị “căn bệnh nan y” tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh xã hội ta.

Đây là một nội dung cơ bản, có ý nghĩa rất quan trọng để khôi phục lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm – sứ mệnh thiêng liêng của đội ngũ cán bộ chúng ta đối với hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Vì vậy, chủ động, tích cực nhập cuộc và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – cuộc chiến đấu trong thời bình – không chỉ góp phần làm tốt chức năng phản biện khoa học và phê phán của của đội ngũ cán bộ chúng ta mà còn làm tốt chức năng thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học của lý luận tiên phong.

Giờ đây, điều khó khăn, vướng mắc nhất mà thực tiễn đang đòi hỏi phải giải đáp, tháo gỡ là vấn đề phương pháp luận và biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận nói riêng không thể đứng ngoài cuộc trước nỗi đau của Nhân dân, sự “trăn trở” của Đảng, khi hàng ngày, hàng giờ tiền thuế của Nhân dân, tiền vay nước ngoài của Nhà nước để phát triển đất nước lại bị bòn rút “chảy vào túi” thành “kho bạc, kho vàng” của kẻ tham nhũng; không thể chấp nhận kẻ cắp, ăn cướp tiền của, mồ hôi, công sức của Nhân dân một cách trắng trợn trong chế độ ta.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy công quyền của chúng ta hùng hậu là thế, nhất thiết không chấp nhận sự dương oai tác quái của tội ác; không thể để bọn xấu thao túng, hoành hành. Chúng ta tin tưởng rằng, Nhân dân và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nhất định sẽ sáng tạo, có những hiến kế hay, sách lược giỏi, có ích lợi giúp Đảng, Nhà nước sớm cắt “căn bệnh nan y” đáng sợ, tạo sự lành mạnh cho cơ thể Đảng và chế độ ta, để Nhân dân an tâm chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Làm gì và làm như thế nào để không ai dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng.

 Với nhiều phương thức khác nhau, chúng ta nhất định sẽ khắc phục được căn bệnh nan y tham nhũng, tiêu cực, nếu “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tất cả cùng vào cuộc, thực hiện tốt các giải pháp sau:

(1) Tiếp tục chấn chỉnh lại công tác “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa sống còn là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó kiện toàn và tăng thêm sức mạnh cho bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở và các ban, bộ, ngành có liên quan là việc cần làm ngay, không thể trì hoãn; phải coi đây là cuộc chiến đấu trong thời bình.

(2) Kiên quyết khắc phục tình trạng hạn chế về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên khi để tham nhũng, tiêu cực hoành hành, làm cho một số tổ chức đảng bị tê liệt, sức chiến đấu bị giảm sút. Không được để tái diễn tình trạng “cánh hẩu”, nể nang, né tránh, bao che, xuôi chiều… là “căn bệnh khó chữa” của không ít cấp ủy, tổ chức đảng. Vì lẽ đó, việc lãnh đạo tập thể không được xem nhẹ, nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch về tài chính trong công tác đảng cần được coi trọng hơn. Cán bộ chủ trì, cấp uỷ một số tổ chức đảng phải làm gương mẫu mực. Tuyệt đối không để cán bộ yếu kém, “lọt lưới” chui vào tổ chức đảng, giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, nắm “quyền cao, chức trọng”. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng hơn lúc nào hết phải được quan tâm nhiều hơn, đúng mức, thiết thực, có hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, công tác giám sát, phản biện, kiểm tra, thanh tra, xét xử phải được đầu tư, nâng cấp để đủ sức răn đe, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Có thể nêu ví dụ: Vụ đại án Việt Á…là một điển hình; vụ này và các vụ tham nhũng khác đã gây dư luận bất bình, phẫn nộ trong toàn xã hội ta.

(3) Đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phải suy nghĩ và bằng cách nào đó, tìm giải pháp, biện pháp hữu hiệu nào đó để đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước “bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc” chữa trị dứt điểm căn bệnh quái ác này. Cách tốt nhất là làm sao để không ai dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, vướng vào các tiêu cực. Cần coi trọng và quyết liệt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào trong nội dung công tác cán bộ, coi đó là biện pháp hữu hiệu để cán bộ nêu gương, một nội dung có ý nghĩa quyết định sự sống còn của Đảng và tính ưu việt của chế độ ta.

(4) Có biện pháp quyết liệt hơn trong giám sát, phản biện xã hội, tạo lập cơ chế công khai, minh bạch trong thu chi, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản công; kiên quyết khắc phục tình trạng khép kín “trong nội bộ” lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị; không để tập thể cấp ủy, thường vụ cùng vi phạm kỷ luật. Mọi công tác, việc làm, nhất là sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản công phải có sự giám sát của Nhân dân và các cơ quan chức năng. Thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch vững mạnh, có đủ sức “đề kháng”, “miễn dịch” trước bất cứ sự mua chuộc, cám dỗ của đồng tiền, vàng, đô la từ việc chạy chức, chạy quyền, chạy án, nhất là án tham nhũng, tiêu cực.

(5) Khắc phục tình trạng ngồi “nhầm ghế” do “chạy chức, chạy quyền” trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Kiên quyết không để lặp lại điệp khúc thiếu “lương tâm”, nghèo “nhân phẩm” của nhân sự khi đề bạt, bổ nhiệm chức vụ mới cho cán bộ vì nó đã và đang gây nhức nhối trong xã hội ta; gây tác hại ghê gớm, tàn phá đáng sợ, không chỉ làm mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn gây nghi ngờ, đố kỵ, chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội những kẻ tham nhũng, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, đang đương chức hay đã nghỉ hưu; không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Cùng với đó, là cải cách chế độ tiền lương, thu nhập, cải tiến chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước; đảm bảo cho công chức sống được bằng tiền lương là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhất.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm nhân văn “trị bệnh cứu người, không thể trì hoãn

Rõ ràng là, chỉ khi nào cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực đi đến hồi kết, thật sự có hiệu lực, đạt hiệu quả như mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đến lúc ấy, cơ thể Đảng và đời sống tinh thần xã hội Việt Nam mới thật sự khoẻ mạnh, chúng ta mới thực sự an tâm chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng; phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nhân dân ta mới thật sự được sống trong hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến đấu trong thời bình, một công việc cấp bách, cần làm ngay: “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật vài người để cứu muôn người”, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, thực chất là việc làm nhân văn, có ý nghĩa “trị bệnh cứu người”, “cứu chế độ”, không thể coi nhẹ, xem thường, trì hoãn. Nó là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhận cao./.