TỪ THIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM

Thời gian qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh tại nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, khiến nhiều vùng vốn đã nghèo khó lại càng thêm thiếu thốn, khó khăn, qua đó tinh thần lá lành đùm lá rách của người Việt Nam lại trỗi dậy, nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra kêu gọi ủng hộ để giúp đỡ những khó khăn mà đồng bào mình đang gánh chịu.

Hoạt động từ thiện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta. Đây là một điều đáng được khuyến khích, hoan nghênh.

Tuy nhiên sau những lùm xùm từ thiện của một vài nghệ sĩ thời gian gần đây, việc các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi, quyên góp đã vắng bóng dần. Từ đó trên một số trang mạng xã hội lại có những bình luận kiểu như: “Thế này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa, rồi ai cứu dân”, “Làm từ thiện mà bị soi mói, thì ai dám làm nữa. Rồi người khổ, người cần cứu trợ là thiệt thòi thôi”,... Những người lên tiếng như vậy đánh giá quá cao nghệ sĩ trong việc làm từ thiện, mà quên mất rằng hoạt động này trước đây đã được nhiều tổ chức, cá nhân làm từ lâu khi chưa có nhiều nghệ sĩ tham gia. Nghệ sĩ tham gia trong hoạt động từ thiện là rất đáng ghi nhận. Nhưng đối với việc này thì không nên kể công và cũng không nên đo đếm ít nhiều, bởi vì từ thiện là từ tấm lòng.

Thật nực cười khi nhiều người cứ sợ sau vụ lùm xùm từ thiện của giới nghệ sĩ, lại không còn ai dám đứng ra kêu gọi cứu trợ, từ thiện. Hào quang và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ, với lượng "fan" trong nước, nỗi bất bình với một số trường hợp trục lợi cứu trợ có lẽ đã khiến họ lo lắng. Nhưng thiết nghĩ lo lắng ấy có lẽ là thừa. Bởi bao năm nay, Nhà nước chưa bao giờ bỏ dân và đồng bào ta cũng chưa bao giờ rời bỏ nhau. Từ khi “cơn bão” mang tên Covid-19 ập đến toàn cầu, trong đó có nước ta thì với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã kịp thời chống chọi thành công hạn chế tối đa thiệt hại. Khi bão dịch tạm thời lắng xuống thì khúc ruột miền Trung lại gánh chịu “bão chồng bão, lũ chồng lữ”. Và một lần nữa, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chống chọi thiên tai với tinh thần “thời chiến”, chạy đua với bão.

Rồi mới đây, cơn bão số 4 (Naru) đổ bộ vào miền Trung. Đây là cơn bão được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng tới nước ta trong những năm qua. Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bộ vào đất liên là ban đêm, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã vào cuộc khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp trước bão, xông pha vào tận biển nước, trèo lên từng mái nhà, đến từng nhà dân hỗ trợ hết sức nên đã giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Còn đâu đó những mạnh thường quân tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,... đã kịp thời hỗ trợ bà con, sinh viên, người nghèo nơi lưu trú, đồ ăn, thức uống trong cơn bão số 4. Họ làm từ tâm, từ tấm lòng tương thân tương ái của một người dân Việt Nam, không phô trương, không rầm rộ.

Cần hiểu rằng, việc làm từ thiện của nghệ sĩ không ai chỉ trích, việc họ bỏ ra tiền, công sức của chính mình để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn là rất đáng quý trọng và hoan nghênh. Người ta chỉ lên tiếng khi việc dùng tiền của người khác nhân danh cá nhân mình đi từ thiện nhưng lại không minh bạch. Ai muốn bênh vực thần tượng, tin tưởng vào thần tượng thì cứ làm.

Và chuyện các nghệ sĩ đi làm từ thiện cũng rất đáng trân trọng. Nhưng đừng chỉ nhìn vào sự hào nhoáng đó mà cố tình quên đi sự hi sinh thầm lặng của những người khác. Không phải lấy lý do đồng cảm với những người mắc thị phi mà vô ơn, tự cho mình cái quyền phủ bỏ công lao của Đảng, Nhà nước, quên đi những nước mắt và máu của những người đã hi sinh, những người “VÌ DÂN MÀ PHỤC VỤ”, phủ nhận sự góp công, góp của của đồng bào cả nước với tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

Phan Thị Thanh Bình