TỪ PHÁT NGÔN CỦA TRẤN THÀNH NGHĨ VỀ CHUYỆN HƯỚNG NGHIỆP

Trong một cuộc giao lưu mang tính chất hướng nghiệp cho những người yêu thích điện ảnh, sân khấu gần đây, MC Trấn Thành lại “vạ miệng” lần nữa khi nói: “Sinh viên Việt Nam rất thiệt thòi, thiếu thốn vì ở Việt Nam không có đơn vị đào tạo chính thống, chính quy mà dùng từ dễ hiểu nhất là ra hồn”.

Chuyện nhân vật nổi tiếng trong một phút hứng khởi nào đó “vạ miệng” vốn là chuyện không lạ và việc một người luôn tự ý thức rằng mình đang ở vị trí ngôi sao hàng đầu của làng giải trí như Trấn Thành mắc vào “vạ miệng” lại càng quá bình thường. Nhưng từ chính cái phát ngôn “ngớ ngẩn” của Trấn Thành (nhận xét của NSƯT, nhà giáo Công Ninh - theo Thanh Niên), chúng ta có thể nhìn lại câu chuyện vẫn gây tranh luận nhiều thập niên qua xoay quanh ngưỡng cửa đại học.

Từ phát ngôn của Trấn Thành nghĩ về chuyện hướng nghiệp -0
Trấn Thành lại gặp vạ miệng.

Trước tiên, phải thừa nhận là Trấn Thành có những ý đúng khi nói tới sự thiệt thòi của sinh viên Việt Nam, nhất là sinh viên ngành điện ảnh, sân khấu. Những thiệt thòi đó thể hiện rõ trong tương quan so sánh giữa các cơ sở đào tạo trong nước với các cơ sở đào tạo ở các nước tiên tiến. Ví dụ, trong ngành diễn xuất chẳng hạn, ở các trường kịch nghệ của Mỹ hay châu Âu, sinh viên sẽ được học phần lớn các môn nghệ thuật bổ trợ đa dạng, từ âm nhạc, múa cho tới diễn xuất. Việc đào tạo 1 diễn viên điện ảnh hay kịch nghệ nước ngoài không chỉ chú trọng đúng vào khả năng diễn xuất mà thôi. Tốt nghiệp một trường kịch nghệ, thậm chí có những sinh viên không bao giờ lựa chọn con đường diễn xuất mà có thể lập nghiệp ở vai trò của một nhạc sĩ, một biên đạo, một biên kịch… Ở Việt Nam, các môn học bổ trợ đa dạng ấy cũng được giảng dạy ở 2 trường: Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, song mức độ chuyên sâu chưa đủ để một người tốt nghiệp ra trường có thể theo đuổi con đường nghệ thuật khác với chuyên môn chính (sân khấu, điện ảnh) một cách tự tin và đủ bản lĩnh nghề.

Và một khi đã so sánh giữa trường kịch nghệ quốc tế với trường Sân khấu- Điện ảnh ở Việt Nam, chúng ta cũng nên nhìn vào thực tiễn đời sống. Nguồn gốc của cái yếu của các trường ở Việt Nam đến từ ba nguyên nhân sau:

 Thứ nhất, kinh phí đầu tư để phát triển chuyên sâu các môn học nghệ thuật đi kèm như múa, âm nhạc… là rất lớn và khó có thể được bù đắp từ đầu vào học phí đơn thuần.

Thứ hai, lực lượng giáo viên chuyên môn còn rất thiếu. Ngay cả hai trường nhạc lớn nhất Việt Nam là Học viện Âm nhạc Quốc gia và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng đang còn thiếu giáo viên, nhất là ở chuyên khoa nhạc nhẹ.

Thứ ba, và cái quan trọng nhất là vấn đề năng lực của sinh viên. Thực chất, sinh viên của các trường kịch nghệ ở Việt Nam đa phần bước vào ngưỡng cửa đại học chỉ với hành trang cơ bản là những kiến thức trung học phổ thông cùng với năng khiếu diễn xuất, cùng lắm là biên kịch. Bản thân sinh viên còn hổng năng lực các môn bổ trợ. Thậm chí, có những sinh viên bắt đầu vào trường Sân khấu - Điện ảnh với một con số 0 tròn trĩnh về kiến thức âm nhạc. Nói không đâu xa, chính Trấn Thành cũng từng thổ lộ điểm yếu nhất của anh trong âm nhạc là khả năng ký xướng âm. Trong khi đó, ký xướng âm chính là thứ kiến thức âm nhạc phổ cập nhất mà một học sinh trung học ở các nước tiên tiến cần phải có.

Cái sai lớn nhất trong phát ngôn của Trấn Thành chính là việc phủ nhận các nỗ lực đào tạo của các trường kịch nghệ trong nước. Có thể nhìn thấy rất rõ, chính ngôi trường mà Trấn Thành từng học dở dang là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, nơi NSƯT Công Ninh từng giảng dạy, đã có rất nhiều ngôi sao sáng, thậm chí là huyền thoại sống, của làng kịch nghệ, điện ảnh của Việt Nam theo học và tốt nghiệp. Những cái tên điển hình chính là Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng… Sự thành công của những cá nhân ấy đến từ nỗ lực cá nhân của họ rất lớn và có thể tính thêm vào đó cả sự ưu ái của số phận. Song, không cách gì có thể phủ nhận được họ đã có một nền tảng rất tốt từ chính những gì họ học hỏi, trao đổi, nghiên cứu khi còn ở dưới mái trường đại học ngày nào.

Từ phát ngôn của Trấn Thành nghĩ về chuyện hướng nghiệp -0
Việc đào tạo diễn viên cần có sự thay đổi. Ảnh minh họa

Trên thế giới, câu chuyện một ai đó không học đại học, hoặc bỏ dở đại học mà vẫn thành đạt, thậm chí tạo ra ảnh hưởng lớn tầm vóc toàn cầu là chuyện không lạ. Có thể nhìn thấy nhân vật tiêu biểu nhất là Bill Gates, Lý Gia Thành và Mark Zuckerberg. Song, chưa bao giờ họ chỉ trích hệ thống giáo dục đại học hay cụ thể hơn là những trường đại học mà họ bỏ ngang một cách dở dang. Cơ bản, họ bỏ học vì đã định hướng sớm được sự nghiệp mình theo đuổi và họ có cũng có sự chuẩn bị rất đầy đủ về nền tảng kiến thức, tri thức cũng như các yếu tố khác nữa cho việc khởi nghiệp. Rõ ràng, chuyện bỏ học để khởi nghiệp là vì say mê chứ không phải do hệ thống giáo dục quá tệ hay không phù hợp.

Điều đáng suy ngẫm nhất đối với sinh viên Việt Nam hiện nay chính là liệu họ đã chọn ngành học đúng hay chưa? Họ đã chuẩn bị gì cho nghề nghiệp trong tương lai ngay khi còn trên giảng đường đại học? Rất nhiều sinh viên thực chất chọn một trường đại học nào đó chỉ vì đó là lựa chọn duy nhất; hoặc “chẳng biết chọn gì thì đành chọn ngành nào phổ thông nhất”; hoặc “lựa chọn theo truyền thống/ý muốn của gia đình”. Cái tính định hướng hướng nghiệp ngay từ khi còn ở ghế THPT của thanh niên Việt Nam hiện nay khá yếu. Và nhiều khi, trong xu hướng vội vã, tốc độ của thời đại đầy chất “mì ăn liền” này, nhiều thanh niên chọn nghề chỉ vì họ nhìn thấy 1 tấm gương thành công nhanh chóng ở nghề đó. Cụ thể, khi nhìn vào những Trấn Thành, Trường Giang…, không ít người đánh giá con đường giải trí là con đường thành công nhanh nhất, dễ dàng nhất, tự do nhất. Và từ đó, họ lựa chọn các trường kịch nghệ mà quên mất rằng mình không có chút năng khiếu thiên bẩm nào.

Trong nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ, tôi từng cho rằng cách định hướng tốt nhất là nên ráp nối giữa khả năng mạnh nhất với sở thích bền bỉ nhất của mình. Ví dụ, tôi đã từng khuyên một người rất mê bóng đá nhưng đá bóng lại không giỏi song bù lại, năng lực của người đó rất mạnh ở công nghệ thông tin, lựa chọn theo học ngành phân tích dữ liệu thể thao (data analysist). Đây là một ngành mới và nhu cầu nhân lực trong ngành rất cao. Khi lựa chọn nghề này, anh được thỏa chí đam mê của mình (là bóng đá) và tha hồ tung tẩy trong lãnh địa ấy do năng lực (công nghệ) đủ mạnh. Việc định hướng nghề nghiệp cá nhân cho người trẻ nên được bắt đầu từ sớm, thậm chí có thể từ những năm học THCS. Từ tuổi 13-14 cho tới tuổi 17-18 là một quãng thời gian đủ dài để người trẻ tự đánh giá mình và từ đó có thể đưa ra lựa chọn cho mình tốt nhất sau này.

Thêm vào đó, khi đã ở vào ngưỡng cửa đại học, câu chuyện nghiên cứu tự thân luôn chiếm phần quan trọng rất lớn. Trường đại học dạy những gì cơ sở nhất và thứ có ích nhất mà mỗi người học được ở đại học chính là khả năng phương pháp luận cùng khả năng tư duy. Hai khả năng này sẽ hỗ trợ phát triển nghề nghiệp rất tốt nếu như bản thân cá nhân sinh viên (đã có định hướng nghề nghiệp đúng đắn) tự tìm tòi, nghiên cứu thêm từ các nguồn kiến thức bên ngoài liên quan đến những gì mình sẽ thực hành sau này.

Suy cho cùng, khi một nhân vật đình đám như Trấn Thành, với thành công mà nhiều người phải ngưỡng mộ, phát biểu điều gì đó mang tính chất “lời khuyên”, nhân vật ấy rất dễ bị chủ quan và có phần hơi tự mãn về thành tựu của mình cũng như con đường mình đã lựa chọn. Bởi thế, nếu có trách Trấn Thành thì cũng không cần thiết vì nếu chúng ta ở vị trí như anh ta, chúng ta cũng hoàn toàn có thể sẽ “vạ miệng”. Nên nhìn vào cái phát ngôn ấy để đánh giá lại chính những gì mà những người trẻ cần phải làm hôm nay để tương lai sau này người trẻ có khả năng vững bước hơn trên trường đời. Đặc biệt, đừng phủ nhận vai trò của đại học nhưng cũng không nên đề cao thái quá tới mức độ coi đại học là con đường duy nhất. Con đường duy nhất phải là cái nghề ta theo đuổi có phù hợp với chính bản thân ta hay không bởi ta chỉ có thể tìm thấy sự thư thái nhất, tự do nhất khi lao động nếu như trong công việc ta làm, ta tìm được chính bản thân mình.

Văn Đoàn