THỂ CHẾ MỀM LÀM LÀNH MẠNH HÓA MÔI TRƯỜNG MẠNG XÃ HỘI

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Quy tắc lành mạnh; Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc trách nhiệm- như một thiết bị “bộ lọc” giúp kiểm soát thông tin, xây dựng một xã hội lành mạnh trên môi trường internet.

Môi trường mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, bên cạnh những lợi ích mà môi trường mạng xã hội đem lại cho con người: giúp cho mọi người giao lưu, liên kết, chia sẻ và nâng cao trí thức, nâng tầm hiểu biết, phục vụ cuộc sống, môi trường số cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực, tác hại không nhỏ đến cộng đồng sử dụng mạng mà không có sự chọn lọc.

Đơn cử những vụ việc như hai kênh YouTube Thơ Nguyễn hay gần đây nhất là trang Tik Tok  Nờ Ô Nô bị xử lý vì những nội dung độc hại ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ và cộng đồng, đăng tải những nội dung thiếu lành mạnh, phản cảm… là minh chứng rõ rệt cho mặt trái của mạng xã hội.

Bên cạnh đó, game online, những trào lưu văn hóa lệch lạc, những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức được chia sẻ trên mạng xã hội tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, khó kiểm soát. Điều này dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức và ứng xử của nhiều người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ.

Trên mạng, nhiều người nói tục, chửi bậy, xúc phạm người khác, tạo ra các mâu thuẫn xã hội. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, cần phải áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân trên không gian mạng.

Mỗi người dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm.

Tự do ngôn luận bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư cá nhân, quyền được tôn trọng về danh dự nhân phẩm của công dân. Nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân hoặc quyền lợi của nhà nước thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vu khống; Tội làm nhục người khác; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành, tuy đây không phải một văn bản pháp lý mang tính bắt buộc mà là chuẩn mực ứng xử để mọi người tôn trọng và làm theo, tạo cơ sở để dư luận phê phán hoặc lên án những mặt trái của mạng xã hội, làm lành mạnh không gian văn hóa trên mạng xã hội, hình thành đạo lý và nhân cách con người với mối tương tác xã hội chuẩn mực.

Bộ quy tắc như một thiết bị “bộ lọc” giúp kiểm soát thông tin, giúp phát hiện sớm và gỡ bỏ nội dung độc hại trên môi trường mạng đồng thời trang bị kỹ năng cơ bản cho cộng đồng, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng để người sử dụng mạng xã hội có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ và có hành động thích hợp.