TÂY NGUYÊN ĐÃ VÀ ĐANG “THAY DA ĐỔI THỊT”

Thời gian qua, lợi dụng cái danh mĩ miều "thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên", các tổ chức phản động đã thực hiện nhiều hành vi tuyên truyền, kích động người dân bạo loạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chia rẽ Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, trong số đó có nhóm “Người Thượng vì công lý – MSFJ”, tổ chức phản động “Việt tân”...Dù các thế lực thì địch, cực đoan tìm mọi cách tuyên truyền những luận điệu sai lệch, xuyên tạc, sự thật về tình hình Tây Nguyên không thể đảo ngược.

Phát triển Tây Nguyên nhanh, toàn diện và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Đến nay, ở Tây Nguyên, hơn 98% diện tích được phủ điện lưới quốc gia, 99% có trạm y tế, trường học và phủ sóng di động. Đi đôi với phát triển kinh tế xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các công nhân của Binh đoàn 15, 16 trên địa bàn, đa phần là người DTTS, Binh đoàn đã hướng dẫn họ phát triển và sản xuất cây cao su với những cánh rừng cao su trải dài hàng trăm hécta, người DTTS có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, con cái họ được trông nom tại các nhà trẻ, trường mầm non...

Nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các DTTS, đến với Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt vùng đồng bào DTTS đã tạo nên một diện mạo mới cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Đó là các chương trình 134, 135, 167 của Chính phủ nhằm chuyển đổi ngành nghề; sống bằng nghề rừng; phát triển văn hóa, du lịch thông qua các lễ hội… Đơn cử như thành phố Buôn Ma Thuột - Thủ phủ của Tây Nguyên, được phát triển với nhiều chính sách ưu đãi cởi mở. Sự khác nhau về phong tục, tập quán - điều mà các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng triệt để khai thác nhằm chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước ta thì nay được thu hẹp; không những thế còn được Đảng, Nhà nước bảo vệ, tôn trọng và phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên”, vùng đất Tây Nguyên đã đổi thay thực sự. Qui mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỉ đồng, gấp 14 lần năm 2002. GRDP (cách tính tốc độ tăng trưởng-TG) bình quân giai đoạn 2002-2020 gần 8%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, được đặt trên nền tảng kinh tế xã hội khá thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%. Tây Nguyên cũng đã trở thành vùng sản xuất một số nông sản chủ lực qui mô lớn, chiếm tỉ trọng cao; vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường…

Điểm đáng chú ý là hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Hiện nay, hệ thống giao thông liên vùng Tây Nguyên tương đối phát triển, với 19 km đường cao tốc và hơn 3,1 nghìn km đường quốc lộ kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và các cảng biển, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn trong nước và các nước trong khu vực. Toàn vùng có 3 sân bay, gồm Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Gần đây, hàng loạt các dự án đường cao tốc nối liền Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung đang được khởi động. Giao thông thuận tiện, chuỗi các đô thị Tây Nguyên nối liền vào nhau, những thành phố trong khu vực trở thành những đầu tàu kinh tế - xã hội toàn vùng.

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị (Khóa XIII) có Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Nghị quyết 23 đặt ra mục tiêu, Tây Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7 đến 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng... Đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong bối cảnh phát triển kinh tế và thực sự trở thành động lực phát triển cho các tỉnh trong vùng. Nghị quyết 23 xác địn tầm nhìn đến năm 2045: “Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường”.

Trước thực tế phát triển mạnh mẽ của các tỉnh Tây Nguyên, các thế lực thù địch, phản động có lôi kéo, tuyên truyền, kích động bà con các DTTS Tây Nguyên như thế nào, chúng cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết dân tộc; không thể bôi nhọ chính sách bảo đảm các quyền con người; không thể chia rẽ Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên bởi một sự thật hiển nhiên: Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã và đang “thay da đổi thịt”, thực hiện ước mơ ngàn đời của họ. Tây Nguyên đại ngàn, hùng vĩ đang từng ngày bứt phá đi lên, không chỉ là nguyện vọng của đồng bào các DTTS và người dân Tây Nguyên nói riêng, mà còn của Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam nói chung. Những kẻ cố tình phá hoại cuộc sống của người dân nơi đây chỉ chuốc lấy thất bại thảm hại bởi sự thật và lẽ phải thuộc về Nhân dân.