TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐẢNG TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, mật thiết với nhau. Phòng là việc thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực không xảy ra.

Công tác phòng ngừa tốt, hành vi tham nhũng, tiêu cực không xảy ra thì không cần phải chống. Ngược lại, chống tham nhũng, tiêu cực mặc dù là các hoạt động thực hiện sau khi hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra, có tác dụng hỗ trợ cho việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, giúp cho việc cảnh báo, răn đe những người có ý định tham nhũng, tiêu cực không dám tham nhũng, tiêu cực hoặc tránh những nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Không thể chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả nếu không coi trọng việc phòng ngừa. Đồng thời, không thể phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả nếu không coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Tham nhũng là hiện tượng xã hội phổ biến, tồn tại tất yếu, khách quan và xuất hiện từ lâu trong xã hội loài người có phân chia giai cấp. Tham nhũng được nhiều học giả và các tổ chức quan tâm nghiên cứu và có nhiều quan niệm khác nhau nhưng đều có điểm chung là: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của nước ta đã xác định: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (khoản 1, Điều 3).

Để thực hiện sứ mệnh của Đảng cầm quyền, từ khi ra đời Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra và khẳng định kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng, góp phần lớn trong việc hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng của đất nước, của Đảng và dân tộc. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong những phương thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã được các cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có đối tượng là cán bộ, đảng viên đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, nắm giữ quyền lực và thực thi pháp luật về việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đảm bảo thực hiện đúng đắn trong thực tiễn và phát hiện được những mâu thuẫn, bất cập, kẽ hở của cơ chế, chính sách dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, từ đó làm tốt công tác dự báo tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra để đưa ra các biện pháp phòng ngừa. V.I. Lênin đã nhấn mạnh: Kiểm tra tạo ra tinh thần trách nhiệm cao và kỷ luật nghiêm ở mỗi cán bộ, đảng viên, mặt khác kiểm tra sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh "chống chủ nghĩa quan liêu, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến, nhằm phát hiện, lột mặt nạ và đuổi ra khỏi Đảng những kẻ lén lút chui vào Đảng".

Đại hội X của Đảng đã nhấn mạnh: "Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta". Đại hội XI của Đảng nêu rõ: "Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng". Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài... Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội XIII của Đảng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đồng thời, bổ sung nội dung phòng, chống tiêu cực vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta để tuyên truyền xuyên tạc, kích động, tung tin thất thiệt, nhằm tạo ra nghi ngờ lẫn nhau, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Do đó, các cấp ủy cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần đồng thời coi trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chính trị, khẳng định rõ những ưu thế của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa cũng như quyết tâm, khả năng thực tế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt các nhóm giải pháp như hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức bộ máy trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Thực hiện xử lý nghiêm minh những cá nhân tham nhũng, tiêu cực theo kỷ luật của Đảng và quy định, pháp luật Nhà nước.

Tăng cường công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên để kịp thời phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.

LINH THIỆN