SỰ THẬT ĐẰNG SAU NHỮNG “GIẢI THƯỞNG NHÂN QUYỀN”

Giải thưởng là sự đánh giá, ghi nhận thành tích của một tập thể, cá nhân đối với xã hội, một lĩnh vực, việc làm cụ thể, ấy thế nhưng bấy lâu nay một số tổ chức nước ngoài mang danh “nhân quyền” đã lập ra các loại “giải thưởng nhân quyền” này “giải thưởng nhân quyền” nọ vinh danh các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam. Đằng sau những cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” này là những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi.

“Tiêu chuẩn kép” của nhân quyền phương Tây

Nhân quyền hay quyền của con người là một khái niệm rất rộng, tùy thuộc quan điểm của mỗi quốc gia mà có cách định nghĩa khác nhau do đó những tiêu chuẩn của nhân quyền ở từng thể chế chính trị là khác nhau nhưng tựu chung lại dù nhân quyền có được đề cao đến đâu thì không thể vượt qua lợi ích chung của một quốc gia, dân tộc. Nhà báo Amiad Horowitz trên Báo People’s World đã khẳng định “Tất cả các nước trên thế giới đều có quyền bảo vệ an ninh quốc gia. Thực tế, Mỹ cũng đình chỉ các quyền tự do tôn giáo với lý do bảo vệ an ninh quốc gia… Tại sao Mỹ đòi Việt Nam theo tiêu chuẩn khác vi tiêu chuẩn của chính họ? Tại sao Mỹ lại yêu cầu Việt Nam phải hi sinh an ninh quốc gia trong khi Mỹ lại không làm như vậy?

Ai sẽ chế tài khi nước Mỹ vi phạm nhân quyền?

 Đến nay đã có hàng chục tổ chức “nhân quyền” với chừng đó “giải thưởng nhân quyền” và có khoảng chục cá nhân người Việt Nam được “vinh danh”, được trao “giải thưởng nhân quyền” như Lê Đình Lượng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức “Mẹ Nấm” và mới đây đầu năm 2022 Quỹ Martin Ennals đã trao giải “Martin Ennals 2022” Phạm Thị Đoan Trang – một đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, bị truy tố hình sự và đưa ra xét xử vào cuối năm 2021 với bản án 9 năm tù về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.  Phạm Thị Đoan Trang được tổ chức này bôi lên lớp mỡ mỹ từ như “nhà bảo vệ nhân quyền có ảnh hưởng nhất, đáng kính trọng”,  “nhà báo hàng đầu” hay là “nguồn cảm hứng cho xã hội dân sự Việt Nam”,… Việc trao giải thưởng cho những đối tượng đã và đang vi phạm pháp luật Việt Nam nhằm khích lệ, cổ súy cho sự chống đối của các đối tượng với một Nhà nước độc lập, có chủ quyền và cũng cho thấy bản chất của những “giải thưởng nhân quyền” trên đó là núp bóng, nhân danh, lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Đằng sau những “giải thưởng nhân quyền”

Theo dõi lại danh sách những cá nhân được các tổ chức nhân quyền trên thế giới “vinh danh”, tặng giải thưởng chúng ta đều nhận thấy rằng hầu hết nếu không phải nói rằng đại đa số những “gương mặt vàng” ấy đều là công dân của các nước XHCN hiện nay như Trung Quốc, Việt Nam hoặc từ các nước đã từng đi theo XHCN nhưng Mỹ và tư bản phương Tây vẫn chưa có thể “trị” được, các đảng phái thân Mỹ, phương Tây chưa thể nắm quyền kiểm soát đất nước như ở Đông Âu, Tây Á, Châu Phi,…. Sự hiếm hoi gần như tuyệt đối không có sự góp mặt của “ứng cử viên” đến từ các quốc gia vốn vẫn tự đánh giá mình là “dân chủ”, mẫu mực của “nhân quyền” như Mỹ, Anh, Pháp,… Điều này đã phản ánh rõ bộ mặt “thiên vị” của những kẻ đứng đằng sau, áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi đánh giá nhân quyền của một quốc gia khác một cách thiên vị, định kiến khi một mặt lên án “tình trạng nhân quyền tồi tệ” ở một số quốc gia trong đó có Việt Nam mà phớt lờ đi những vi phạm nhân quyền mười mươi, diễn ra hằng ngày ở những nước khác. Vậy nên, việc lựa chọn ứng viên trao giải cũng không được “giám khảo” lựa chọn công tâm mà phụ thuộc vào thể chế chính trị của Nhà nước của ứng cử viên đó chứ không hề có chuyện “bao gồm các tổ chức đang hoạt động ở mọi nơi trên thế giới” như tuyên bố của Quỹ Martin Ennals.

Mục đích của việc nhào nặn những cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” thực chất là tạo động lực về vật chất, khích lệ tinh thần cho số đối tượng chống đối trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động chống phá. Qua những giải thưởng này, còn để khuếch trương thanh thế, vận động, kêu gọi sự ủng hộ vật chất từ bên ngoài để tiếp tục nuôi dưỡng các đối tượng bên trong, công khai hóa, hợp thức hóa việc hỗ trợ tài chính, phương tiện cho các đối tượng trong nước. Thực hiện “ngoại công, nội kích”, thực tế cho thấy, chỉ khi được “bơm” tiền và danh tiếng qua các hình thức như nhận “giải thưởng nhân quyền” số đối tượng chống đối hoạt động càng manh động, tinh vi hơn bởi đây là nguồn thu nhập chính, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống các tổ chức, cá nhân chống đối. Đồng thời việc được nhận các “giải thưởng nhân quyền” còn là cơ hội để khoe khoang, khẳng định “thành tích” chống đối với chính quyền, qua đó để đánh bóng tên tuổi, thu hút sự chú ý của các tổ chức, cá nhân chống Việt Nam.

Những những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định về chính trị của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là minh chứng ràng, sinh động nhất để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai lệch tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các tổ chức mang danh nhân quyền.

TÂM AN