NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

                          

Nói đi đôi với làm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng, là yêu cầu, ý thức và hành động cần thiết, thể hiện phẩm chất của mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo trong đời sống và thực hiện nhiệm vụ.

Người xưa từng dạy “Nói chín thì phải làm mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Quả thực đó là sự chỉ giáo cần thiết cho người đời nhìn vào để có được hành động đúng. Thế nhưng hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tồn tại sự thiếu nhất quán giữa lời nói và việc làm. Biểu hiện rõ nhất là nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, chỉ giỏi diễn thuyết, phô trương thành tích, che giấu khuyết điểm, “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói hay, cày dở”, “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, thậm chí làm không đúng chức trách được giao... Hệ lụy đáng sợ nhất là khi những người có chức, có quyền chỉ nói mà không làm, chỉ hứa mà không thực hiện, nói suông, làm giả, làm những việc trái ngược với đạo đức và pháp luật.

Những quan chức nói không đi đôi với làm thường là những người có lợi thế hoạt ngôn, diễn thuyết, luôn thích hô khẩu hiệu, lợi dụng vị trí xã hội để chải chuốt mỹ từ nhằm phô trương tạo hiệu ứng tâm lý đám đông. Khi đã đạt được mục đích dần sa vào tình trạng làm không được như nói, cố tình hứa hão, nói dối nhằm che đậy, lấp liếm những việc làm khuất tất của mình. Thực tế cho thấy có những quan chức khi đăng đàn hay khi tiếp xúc với nhân dân thì hô hào quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “quốc nạn tham nhũng”, nhưng chính  họ lại có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, hối lộ. Những việc làm trái ngược đó đã tác động tiêu cực, suy giảm niềm tin về chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Không chỉ tự “bêu gương” xấu trước thiên hạ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thực tế hiện nay và hình ảnh những cán bộ liêm chính.

Trường hợp được dư luận nhắc tới nhiều khi nói về cựu Bí thư một thành phố lớn có biểu hiện rõ nhất về đặc điểm này. Khi mới nhậm chức ông ta đã có những phát ngôn làm nức lòng cán bộ, nhân dân địa phương, đại loại như: “Không có quyền lực ngoài pháp luật”; “Lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân”, “tham nhũng là có tội với nhân dân”; “ Chống thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ”vv… Thế nhưng những gì ông ta làm sau đó lại trái ngược hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy, tai tiếng và đã bị Trung ương cách hết chức vụ. Một trường hợp khác là cựu Bộ trưởng, là chủ biên cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Chưa lâu sau  ông ta lại vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật, gây sốt dư luận và bị cán bộ, nhân dân mỉa mai: “Nói một đằng, làm một nẻo”.

Đó chỉ là vài “điển hình” trong những quan chức ở nhiều nơi “nói hay nhưng làm dở” hoặc cố tình làm trái nghị quyết, vi phạm pháp luật. Trong xã hội phong kiến, các bậc quân tử luôn coi trọng “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Trong đó, cốt lõi của “tín” là “nhất ngôn” của người làm quan chân chính. Người quân tử chỉ nói một lời, khi đã hứa là làm và làm đến nơi đến chốn, làm đúng lương tâm. Thời nào cũng vậy, người có vai vế trong xã hội luôn được ví như biểu tượng, hình ảnh của con người chính trực, biết trọng danh dự. Họ luôn phải đề cao, coi trọng và có trách nhiệm giữ gìn sự thống nhất giữa lời nói và hành động. Trong bối cảnh thông tin đa chiều như hiện nay thì bất cứ phát ngôn nào của người lãnh đạo đều là “lời hay ý đẹp”, là lời hứa, cam kết trước nhiệm vụ chung và trách nhiệm trước nhân dân. Nếu ngược lại, cũng dễ trở thành tiêu điểm phê phán của dư luận, mỉa mai của quần chúng. Cốt lõi của phẩm chất đạo đức là sự nhất quán giữa lời nói (lời hứa) và việc làm là như vậy!

Quần chúng chỉ quý mến, tôn trọng những người cán bộ có tư cách đạo đức trung thực, ngay thẳng, làm việc nghiêm túc với chức trách được giao. “Nói hay” là cần thiết trong lãnh đạo, quản lý nhưng “làm việc” có hiệu quả mới là thước đo đánh giá năng lực, uy tín của từng người. “ Làm” ở đây không chỉ có nghĩa là trực tiếp hành động để tạo ra kết quả cao, mà còn bao hàm cả tự giác rèn luyện, tu dưỡng để giữ gìn danh dự, tạo được hình ảnh tốt đẹp của người lãnh đạo. Đó mới chính là bản chất thực sự của người đảng viên, cán bộ lãnh đạo trước quần chúng và được quần chúng tín nhiệm.

Nói đúng chức trách, nhiệm vụ mà mình đảm nhận, nói cách khác là “danh phải chính”, “ngôn phải thuận” chứ không nói cho xong việc, thiếu nhất quán trong lời nói và việc làm. Chỉ ra được một phần căn bệnh “nói không đi đôi với làm” nhằm cảnh tỉnh những kẻ nói năng lươn lẹo, ba hoa, sáo rỗng, mị dân nhưng làm việc lại thiếu thực chất. Những lời phát ngôn hoa mỹ nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, nhưng lại thiếu việc làm ý nghĩa, thiết thực để mang lại lợi ích chung cho tập thể, cộng đồng thì cũng chỉ là phát ngôn sáo rỗng, không thuyết phục được lòng người.

Việc đẩy mạnh thực hành đạo đức “Nói đi đôi với làm” là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức và cần được tiến hành thường xuyên để giữ gìn, phát huy trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” thì “Nói” là nhận thức, tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Nhưng làm được, làm đúng mới là bản chất căn bản thể hiện bản lĩnh, chất lượng ỏe mỗi người. Ở bất cứ cương vị nào đều phải nhất quán khi phát ngôn và làm việc mang lại hiệu quả cao nhất. Trong thực tiễn phải cụ thể bằng việc ‘‘Làm’’ chứ không phải chỉ ‘‘Nói’’ mà lại bỏ quên chức trách phải “ Làm”.

“Nói đi đôi với làm” là một nguyên tắc căn bản tính đảng của người đảng viên nên không cho phép phát ngôn và làm trái với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Mặt khác, cán bộ lãnh đạo phải là những tấm gương sáng về “nói và làm” cho quần chúng noi theo, làm theo. Có như vậy mới tạo ra được không khí đoàn kết, đồng lòng, làm chất xúc tác, gắn kết trong ở từng cơ quan, địa phương. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Mỗi hành vi tích cực mang đến niềm tin với người dân, ngược lại hành vi tiêu cực sẽ bị kẻ xấu khai thác, lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Đó là điều hết sức tránh nhằm giữ uy tin cho Đảng, chế độ và bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo.

Mỗi tấm gương sáng sẽ có sức lan toả hơn cả triệu lời nói sáo rỗng. “ Nói đi đôi với làm” là tự củng cố được niềm tin trong quần chúng nhân dân. Cho nên mỗi cán bộ lãnh đạo phải thực sự là hình mẫu giữa nói và làm, là tấm gương cho cán bộ, nhân dân noi theo.

NGUYỄN AN HÒA