NỖ LỰC ĐỂ CỔ VẬT HỒI HƯƠNG

Những ngày gần đây, câu chuyện Hãng đấu gia Millon (Pháp) công bố trên website của mình việc tổ chức đấu giá nhiều cổ vật trong đó có 02 món đồ thuộc về triều Nguyễn Việt Nam là chiếc ấn vàng “Kim Bảo tỷ” khắc dòng chữ Hán “Hoàng đế chi bảo” đúc thời vua Minh Mạng thứ 4 và chiếc bát vàng thời vua Khải Định (Khải Định niên tạo) khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.

Mỗi người Việt Nam khi nghe tin cổ vật của dân tộc bị nước ngoài đem rao bán đều cảm thấy tiếc nuối và mong muốn cơ quan chức năng tìm cách để nhanh chóng đưa cổ vật về lại cố hương. Như thấu hiểu được ý nguyện của lòng dân và nhất là không để những báu vật của đất nước, của một giai đoạn lịch sử dân tộc phải cam chịu số phận nổi trôi ở nước ngoài. Ngay sau khi Hãng Millon công bố thông tin, các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam như Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã nhanh chóng vào cuộc để can thiệp từ phía các cơ quan chức năng Pháp qua đó Hãng Millon đã tuyên bố tạm dừng đấu giá chiếc ấn vàng quý giá.

Lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại Ngọ Môn

Trong thư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch - Nguyễn Văn Hùng gửi bà Rima Abdul Malak – Bộ trưởng Văn hóa Cộng hòa Pháp đề nghị “giúp hỗ trợ rút 02 hiện vật trên khỏi phiên đấu giá và phối hợp với phía Việt Nam tìm hướng giải quyết phù hợp nhất “hồi hương”cổ vật, phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân Việt Nam, phù hợp với Công ước UNESCO về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà hai nước đều là thành viên”. Đồng thời, vào ngày 28/10/2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam – Hà Kim Ngọc đã có thư gửi bà Audrey Azoulay – Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) thể hiện sự mong muốn được sự giúp đỡ của UNESCO để“được hồi hương các cổ vật này”. Trả lời các cơ quan báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tập trung để thông qua các giải pháp ngoại giao để đưa cổ vật ra khỏi danh mục đấu giá và từ đó sẽ triển khai bước tiếp theo thông qua đàm phán để thỏa thuận khả năng mua trực tiếp cổ vật.

Bên cạnh đó, trên báo chí và mạng xã hội cũng đăng tải thông tin phía Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam và ở hải ngoại cũng đã có đơn kiến nghị đến một số cá nhân liên quan ở Pháp nhằm ngăn chặn việc đấu giá các cổ vật. Ông Nguyễn Phước Bửu Nam – Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc cho biết đã gửi thư kiến nghị đến Giám định viên của Hãng Millon là ông Jean Gauchet yêu cầu hủy cuộc đấu giá chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và chiếc bát vàng, thậm chí là còn gửi đến cả … Tổng thống Pháp đề nghị can thiệp không để Hãng Millon được đấu giá các cổ vật của Việt Nam mà ông này cho rằng thuộc quyền sở hữu dòng họ của ông là Nguyễn Phước tộc! Mới đây, bên lề một cuộc hội thảo tại thành phố Huế, ông Nguyễn Phước Bửu Nam cho rằng sở dĩ phía Hãng Millon hoãn lại cuộc đấu giá chiếc ấn vàng là do “công lao” của Nguyễn Phước tộc Việt Nam trong đó có cá nhân của mình và ý kiến có vẻ tự đắc của ông Nguyễn Phước Bửu Nam được không ít người vỗ tay tán thưởng.

Thế nhưng có vẻ họ đã … lạc quan tếu!

Bên cạnh những người đang “sung sướng” cùng ông Nguyễn Phước Bửu Nam thì không ít người bình tĩnh hơn, suy xét và tìm hiểu.

Thứ nhất: Cần phải khẳng định rằng Nguyễn Phước tộc không phải là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mà chủ sở hữu thực sự đó là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nhà nước kế thừa Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ năm 1945.

Ngược dòng lịch sử, ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) công bố Chiếu thoái vị, nhường quyền lãnh đạo đất nước cho cách mạng; chiều ngày 30/8/1945, tại Quảng trường Ngọ Môn, chính tay vua Bảo Đại trao chiếc ấn “Kim Bảo Tỷ” và kiếm vàng cho ông Trần Huy Liệu và ông Cù Huy Cận – đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – như vậy kể từ sau buổi chiều ngày 30/8/1945, chiếc ấn Kim Bảo Tỷ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếc là sau đó, đến năm 1952 chiếc ấn và kiếm rơi vào tay thực dân Pháp tại Hà Nội; ngày 08/3/1952, Pháp chuyển giao bộ đôi ấn kiếm lại cho Bảo Đại, lúc này là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam (chứ không phải giao lại cho dòng tộc Nguyễn phước). Sau 1953, bộ ấn kiếm theo gia đình Bảo Đại sang Pháp “định cư”; sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời thì chiếc ấn vàng thuộc về người vợ sau cùng của ông ta là bà Monique Baudot theo di chúc.

Trong thư gửi cho Chủ tịch Hãng Millon – Luật sư Cù Huy Hà Vũ (con trai ông Cù Huy Cận) khẳng định “Cựu hoàng Bảo Đại không có quyền sở hữu đối với ấn và kiếm. Điều này có nghĩa những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long không có quyền hợp pháp để bán hoặc chuyển nhượng hai báu vật này”, theo ông Cù Huy Hà Vũ “Cựu hoàng Bảo Đại biết rõ điều đó, cuốn hồi ký “Con rồng Việt Nam” của ông là bằng chứng” đồng thời ông này cũng đã viện dẫn các điều luật như Điều 2276 của Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng bất cứ ai đánh mất hoặc bị trộm một thứ gì đó đều có thể đòi lại.

Như vậy, ở đây chỉ có Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới là chủ sở hữu hợp pháp chiếc ấn Kim Bảo Tỷ chứ Nguyễn Phước tộc hay bất kỳ một ai khác không thể là chủ sở hữu của chiếc kim ấn này kể cả hậu duệ của vua Bảo Đại. Thậm chí theo ông Cù Huy Hà Vũ, Chính phủ Việt Nam có thể khởi kiện những người thừa kế của bà Monique Baudot và ông Bảo Long để yêu cầu họ hoàn trả hai báu vật là chiếc kim ấn và chiếc kiếm mà sau vụ kiện của Bảo Đại thì Bảo Long được giữ chiếc kiếm (thực chất là sở hữu bất hợp pháp).

Thứ 2: Về tính khả thi của những bức thư do ông Nguyên Phước Bửu Nam gửi đến Tổng thống Pháp và Giám định viên Hãng Millon!

 Không ít người thắc mắc vì sao mà ông Nguyễn Phước Bửu Nam lại đi gửi thư cho một giám định viên bình thường chứ không phải là người đứng đầu của Hãng đấu giá Millon? Như Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhận xét “việc gửi thư cho giám định viên của hãng đấu giá thì không giải quyết được gì, bởi giám định viên chỉ là người được mời để giám định tính thật giả và giá trị của hiện vật đó. Ông ấy không có quyền quyết định dừng việc đấu giá hay không, mà người quyết định việc này là chủ sở hữu hiện tại của hai món cổ vật này”. Ông Trần Đức Anh Sơn còn thẳng thắn “Tuy nhiên, khi đọc bức thư của ông Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, tôi thấy nội dung và lập luận trong thư có quá nhiều chổ không ổn, do người viết chưa am hiểu tường tận vụ việc này và không hiểu hết luật pháp của nước ngoài và các công ước cua UNESCO liên qua đến những trường hợp đấu giá hiện vật như vụ đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và bát vàng “Khải Định niên tạo” này”.Với những bức thư “lỗi” nghiêm trọng như vậy được gửi để cho Tổng thống Pháp và Hãng Millon thì quả là không phù hợp cho nên chắc gì những bức thư này được phía người Pháp quan tâm hoặc như một vài người cho rằng người Pháp đang phải đau đầu để dịch và kiểm tra lại các thông tin mà ông Nguyễn Phước Bửu Nam viết cho họ!

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn lên tiếng về những bức thư của ông Nguyễn Phước Bửu Nam.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đánh giá việc ông Nguyễn Phước Bửu Nam cho rằng 02 cổ vật trên là “bảo vật quốc gia” trong các bức thư gửi cho phía Pháp là không chính xác. Theo ông Sơn, hiện vật được gọi là bảo vật quốc gia phải được lập hồ sơ đăng ký trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phải được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận; đến nay đã có 283 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia và tất cả đều đang ở Việt Nam; trong khi đó chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” từ sau 1953 đã theo bà Mộng Điệp ra nước ngoài từ đó đến nay “Như vậy thì, cái ấn này có còn thuộc về Việt Nam nữa đâu, có ở Việt Nam nữa đâu, mà bảo là “bảo vật quốc gia”. Việc ông Nguyễn Phước Bửu Nam viện dẫn Công ước UNESCO năm 1970 về việc phòng, chống mua bán hiện vật trái phép mà Việt Nam có tham gia, nhưng theo ông Sơn, chiếc ấn vàng và chiếc bát vàng trên “không phải là hiện vật đánh cắp/cướp đoạt” cho nên việc “viện dẫn Công ước UNESCO 1970 nói trên trong trường hợp này là không đúng”.

Một điều chắc chắn rằng việc Hãng đấu giá Millon hoãn đấu giá hai hiện vật của Việt Nam là do sự tác động của các công văn đến từ các cơ quan chức năng Việt Nam và Pháp sau khi nhận được đề nghị từ phía Việt Nam. Việc hoãn đấu giá cổ vật là điều có lợi cho Hãng Millon và thuận lợi cho phía Việt Nam để cùng nhau đàm phán mua lại các cổ vật mà không thông qua đấu giá với một mức giá hợp lý. Hiện nay, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng thì sự chung sức của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhằm xã hội hóa nguồn kinh phí để hồi hương các cổ vật nói chung và chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nói riêng là cần thiết bởi trong khi nếu sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước thì cần có thời gian để giải quyết các thủ tục theo quy định sẽ dẫn đến chậm trễ việc thương lượng trực tiếp với phía nước ngoài.

Bài học kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế là đã huy động được nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp nên đã đưa về được không ít cổ vật mà mới đây là chiếc mũ quan nhất phẩm và chiếc áo nhật bình quý giá. Nhận thức được vấn đề này ngày 07/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ Quỹ này để thương lượng với Hãng Millon mua lại chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” đồng thời vận động mạnh thường quân đứng ra thương lượng, mua lại ấn rồi mang về nước.

Chúng ta hoan nghênh tất cả những ai có tấm lòng yêu mến đối với di sản của dân tộc đang bị “chảy máu cổ vật” ở nước ngoài nhưng cần hiểu rằng để đưa cổ vật hồi hương là một việc làm hết sức khó khăn từ nhiều yếu tố như cơ chế, chính sách, tài chính, vấn đề chính trị, ngoại giao, văn hóa; những người gánh vác trọng trách này thực sự phải là người có tầm, có tâm chứ không chỉ dựa vào những lời nói … suông!

NGUYỄN PHƯỚC LONG