NHỮNG BIỂU HIỆN LỆCH CHUẨN TRONG THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

Sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản diễn ra mạnh mẽ, việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng đang diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát…

Trao đổi tại hội thảo - hội nghị - tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 - 27/8 về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Diễn đàn khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Tam Từ phủ của nguời Việt trong xã hội đương đại” tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào ngày 07/9/2023, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ gắn với tín ngưỡng, với tính thiêng, sự phụng thờ. Đó là một chỉnh thể sống động không chỉ có nghi lễ hầu đồng, mà còn bao gồm nhiều thực hành khác. Từ khi được UNESCO ghi danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, thậm chí có dấu hiệu “bùng nổ”. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự là xu hướng tùy tiện, xô bồ trong bài trí đền, điện, ban thờ. Số lượng các thanh đồng, cung văn tăng lên nhanh chóng, tỷ lệ nghịch với chất lượng của đội ngũ này.Trước đây, thông thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc “thử đồng” trước khi được làm đồng thầy. Hiện nay, nhiều người chỉ sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã tự phong cho mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa sắc phong mình là đồng thầy.

Một số đồng thầy lợi dụng lòng tin của tín chủ để hăm dọa, phán bừa, trục lợi, nặng về trách phạt, dọa nạt gây tâm lý lo sợ, hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt, làm mất đoàn kết trong gia đình, xã hội. Việc ban phát lộc còn nặng về vật chất, có sự phân biệt về quan hệ, vị thế, làm mất đi tính chất vô tư của văn hóa thờ Mẫu. Âm nhạc chầu văn phục vụ nghi lễ ngày càng tốt hơn, nhạc cụ đa dạng hơn, nhưng cũng có hiện tượng “thêm văn”, “nới văn” khá tùy tiện. Trang phục trong thực hành nghi lễ hiện nay có khá nhiều cách tân nhưng yếu tố tâm linh mờ dần và thay thế là các yếu tố mang màu sắc thời trang, thời thượng, đôi khi xuất hiện cả những bộ y phục dị hợm, kỳ quái không mang bản sắc Việt. Vàng mã được sử dụng ngày càng nhiều và phô trương, thậm chí có những hình tướng mã kỳ quặc không có trong nghi lễ cổ truyền…

Vừa qua, trong khuôn khổ hội thảo khoa học của một trường đại học ở Thừa Thiên Huế, tiết mục biểu diễn trích đoạn và giới thiệu trang phục hầu đồng được một số nghệ nhân thực hiện để minh họa, diễn giải thêm cho chủ đề liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thực tế, việc tái hiện, trình diễn hầu đồng đã diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trong và ngoài nước thời gian qua, song sự việc tại hội thảo trên đã thổi bùng tranh cãi trong dư luận rằng biểu diễn như vậy là nỗ lực quảng bá, diễn giải di sản hay đang vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ? Cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan quản lý về việc tín ngưỡng này bị mang đi biểu diễn tràn lan.Trước sự việc vừa qua, nhiều ý kiến ủng hộ việc di sản này cần được thực hành trong không gian tín ngưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội được tham dự các buổi hầu đồng trong không gian thiêng (đền, phủ), bởi vậy, trong một số  trường hợp nhất định có thể đưa hầu đồng lên sân khấu do chính các nghệ nhân thanh đồng thực hiện, nhằm diễn giải về di sản với sự trang nghiêm, trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp di sản, giúp giới thiệu Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến với đông đảo công chúng. Điều này khác với trình diễn hầu đồng vì mục đích giải trí, kinh doanh hay trục lợi.

Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có một số văn bản quản lý để chấn chỉnh, song vẫn có không ít biểu hiện tiêu cực như: Những biến tướng, lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền, làm sai lệch giá trị di sản, xu hướng “hoành tráng hóa”, trần tục hóa, thương mại hóa di sản. Điều này đã đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, giám sát và định hướng hoạt động thực hành tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính thiên liên của di sản phi vật thể nói chung và di sản hầu đồng nói riêng.

Hải Đăng