NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI PHẦN TỬ XÉT LẠI LỊCH SỬ

Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng), tháng 12/1957, Đảng ta chỉ rõ: “chủ nghĩa xét lại thì chính là một biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, làm lu mờ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tước bỏ hoặc làm nhụt vũ khí tư tưởng của người cộng sản” (1). Trong giai đoạn hiện nay, các phần tử xét lại, nhất là xét lại lịch sử có xu hướng gia tăng và trên thực tế đã để lại những hậu quả nghiêm trọng; do đó, nhận diện và đấu tranh với phần tử xét lại lịch sử là vấn có tính cấp bách hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Những “con rắn nước” là ai?
Theo Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển: “Chủ nghĩa xét lại là trào lưu tư tưởng – chính trị thù địch với chủ nghĩa Marx-Lenin, xuất hiện trong nội bộ phong trào công nhân và cộng sản dưới chiêu bài “xét lại” hoặc thậm chí “phát triển” học thuyết mácxítlêninnít. Chủ nghĩa xét lại là một biến dạng của chủ nghĩa cơ hội” (2). Chủ nghĩa xét lại là một biến dạng của chủ nghĩa cơ hội, do đó, V.I.Lenin khẳng định: “Khi nói đến đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không được bao giờ quên đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là: nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu nổi. Do bản chất của mình, phái chủ nghĩa cơ hội bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát, bao giờ nó cũng trên con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau. Nó tìm cách “thoả thuận” với cả quan điểm này với quan điểm kia, nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại.v.v…” (3). Đối chiếu chủ nghĩa xét lại ở một lĩnh vực đặc thù – lĩnh vực lịch sử, chúng ta khẳng định rằng, ở Việt Nam không có cơ sở khách quan và chủ quan cho sự tồn tại của xét lại với tính cách là chủ nghĩa, song vẫn tồn tại những kẻ xét lại và chúng ta có thể nhận diện như sau:

Chủ thể xét lại lịch sử. Nếu như trước đây trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là một bộ phận trí thức tiểu tư sản, “công nhân cổ cồn” (trước đây các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin gọi họ là tầng lớp “công nhân quý tộc”) thì ở Việt Nam cả trước đây và hiện nay chủ thể xét lại lịch sử đều là nhân sĩ, trí thức tiểu tư sản, có cả trí thức cũ tức “trí thức tư sản” được phương Tây đào tạo, sử dụng, cả trí thức do các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và do Việt Nam đào tạo trong chế độ xã hội mới nhưng chưa “cải tạo được tư tưởng”, vẫn “lập lờ như con rắn nước” hoặc đã “trở cờ” tức đã rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Song, bất luận ở mọi thời kỳ, chủ nghĩa cơ hội, xét lại là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin, là tàn dư của tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào công nhân, là sự hy sinh quyền lợi cơ bản lâu dài của phong trào công nhân vì những lợi ích trước mắt, cục bộ của một bộ phận, là sự đầu hàng trước hệ tư tưởng tư sản và sự phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hồ Đăng Định tặng và bán ấn phẩm “Cõi nhớ” chưa được cấp phép phát hành trong ngày lễ ra mắt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối tượng của xét lại lịch sử. Xét lại toàn bộ, hay từng bộ phận hoặc chi tiết của sự kiện, biểu tượng, nhân vật lịch sử của dân tộc, nhất là lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo.

Phương thức xét lại lịch sử. Cả bí mật, cả công khai; nhân danh “đổi mới”, “nhận thức lại”, “tiếp cận lại”, hay “xem xét khách quan” hoặc “cách tiếp cận mới” một số sự kiện, nhân vật lịch sử đã xảy ra vốn còn tranh cãi, hoặc chúng cố tình tạo ra các tranh cãi để làm phân tán, tạo ra 2 luồng tư tưởng, dư luận xã hội đối nghịch. Phương tiện tán phát các luận điệu xét lại lịch sử chủ yếu trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội phổ biến như facebook, zalo, tiktok, instagram.., cả ở trong nước và ở nước ngoài, nhất là các hội nhóm kín hoặc mỗi khi “trà dư, tửu hậu” hay “thông tấn vỉa hè”, thậm chí chính đội ngũ cán bộ, đảng viên… để bàn ra, tán vào, xuyên tạc lịch sử.

Cơ sở xét lại lịch sử. Trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ nghĩa xét lại là sản phẩm của những điểu kiện kinh tế và chính trị – xã hội của chủ nghĩa đề quốc, cơ sở xã hội của nó là bộ phận được hưởng đặc quyển trong giai cấp công nhân – tầng lớp “công nhân quý tộc” và “công nhân quan liêu”. Việc các đảng tư sản cầm quyền áp dụng các phương pháp của “chủ nghĩa tự do”, chính sách cải cách, cũng làm tăng thêm chủ nghĩa xét lại. Cuộc đầu tranh giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng cộng sản cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm nảy sinh ra chú nghĩa xét lại. Một mặt, mỗi thắng lợi mới của chủ nghĩa Marx-Lenin thường buộc kẻ thù của nó phái khoác cái áo nhà mác-xít, nhà xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cơ sở lý luận của chủ nghĩa cơ hội là triết học thực chứng, chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện; tức họ xa rời phương pháp luận mácxít…

Mặt khác, những phần tử không vững vàng hoặc yếu đuối vể phương diện lý luận trong phong trào cộng sản không chịu nổi áp lực của hệ tư tưởng tư sản và rơi vào lập trường xét lại. Chủ nghĩa xét lại xuất hiện còn do có những bước ngoặt trong phong trào công nhân và cộng sản, vào những lúc mà một số đảng viên cộng sản không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới của thực tại, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản. Chủ nghĩa dân tộc cũng có thể trở thành nguồn nuôi dưỡng chú nghĩa xét lại. Ở Việt Nam, những kẻ xét lại lịch sử cũng dựa vào cơ sở đó để thực hiện mưu đồ đen tối của mình, nhất là những thời điểm có tính chất bước ngoặt của cách mạng.

Thủ đoạn xét lại lịch sử. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là xuyên tạc, bôi đen lịch sử tiến đến phủ nhận lịch sử, cho những năm tháng hào hùng của cách mạng vô sản dựng nước và giữ nước là “thời kỳ đen tối”, “sai lầm” không thể chấp nhận; chúng còn tung ra các luận điệu xảo trá khác,… Ở trong nước, những trí thức, những nhà khoa học, nhất là khoa học lịch sử đã thoái hóa, biến chất đã từ bỏ tính giai cấp, tính đảng cộng sản và tính khách quan khi nghiên cứu lịch sử, cố tình “lật sử”; một mặt, chúng tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử, “giải thiêng lịch sử”, “giải thiêng anh hùng dân tộc”, hạ bệ lãnh tụ, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, cổ súy, tô hồng công lao của những kẻ đã từng làm tay sai cho giặc, những kẻ nợ máu với đồng bào ta… đúng như nhận định của nhà thơ Tố Hữu: “Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử. Cào chiến công, xé cả xác anh hùng” (Chân lý vẫn xanh tươi).

 Âm mưu và tính nguy hại của xét lại lịch sử. Bôi đen, phủ nhận lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm cho người dân, nhất là thế hệ trẻ quên lãng, hiểu sai về lịch sử; từ đó, làm mất lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sẵn sàng “rút gạch chân tường”, phá hủy cơ đồ đất nước, sự nghiệp cách mạng, đưa dân tộc ta và chế độ ta đến diệt vong.

Cam tâm theo giặc kiểu Tôn Thọ Tường, Phan Hiển Đạo, Trương Vĩnh Ký khó lòng tránh khỏi sự khinh bỉ và căm ghét của nhân dân

Những luận điệu xét lịch sử phổ biến và luận chứng khoa học bác bỏ
Một là, “giải thiêng” anh hùng, lãnh tụ. “Giải thiêng” là một khuynh hướng sáng tạo văn học, nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, với mục đích là hóa giải những điều huyền bí, linh thiêng của nhân vật, sự kiện lịch sử; đưa nhân vật, sự kiện trở về với bản chất thật, với đời sống bình thường. Bọn xét lại lịch sử nhân danh “đổi mới” cách nghiên cứu lịch sử, ngay cả sự việc có thật chúng phủ nhận như: câu chuyện về “ngọn đuốc sống” – Anh hùng Lê Văn Tám, hay Anh hùng Võ Thị Sáu thì có kẻ nói chị là “kẻ điên” (Nguyễn Trung Thành). Thậm chí chúng còn rắp tâm “giải thiêng” cả Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ thể “giải thiêng” Chủ tịch Hồ Chí Minh không từ một thủ đoạn nào dù là xấu xa nhất. Họ sẵn sàng vu khống, bịa đặt, nói xấu một cách vô liêm sỉ, đổi trắng thay đen, suy diễn vô căn cứ, phủ nhận công lao, cực đoan, phiến diện, siêu hình, lấy hiện tượng thay cho bản chất v.v.. mà người viết không muốn đưa ra dẫn chứng vì chúng dùng những ngôn từ trực tiếp hoặc ám chỉ, thậm chí tệ hại, võ đoán, nói lấy được, chửi bới bậy bạ, vô văn hóa. Mục đích của những cá nhân, tổ chức thù địch là nhằm đánh đổ “huyền thoại”, đòi “giải thiêng” Hồ Chí Minh là một người yêu nước, nhân cách đạo đức cao cả mà các thế hệ người Việt Nam cũng như thế giới, trong đó có tổ chức UNESCO ghi nhận. Luận điệu này chủ yếu nằm trong số những người Việt Nam phản động ở nước ngoài, trực tiếp hoặc có liên hệ, chịu ảnh hưởng của những người làm tay sai cho thực dân Pháp, Mỹ trước năm 1975.

Dù chúng có tinh vi, xảo trá đến đâu cũng không làm thay đổi một sự thật, không chỉ mỗi người dân Việt Nam mà được cả các tổ chức Quốc tế và cộng đồng những dân tộc bị áp bức trên thế giới đều công nhận là: “Chúng ta đều đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là Vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sỹ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá: Đó là thời đại Hồ Chí Minh; Sự nghiệp Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trong cả cuộc đời, Người đã rèn luyện, cống hiến không ngừng, không nghỉ, tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Một cuộc đời đầy gian khổ hy sinh, nhưng vô cùng oanh liệt, cao thượng, vô cùng phong phú, trong sáng và đẹp đẽ. Một vĩ nhân đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại ngay từ khi Người còn sống” như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của  Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày 12/6/2021.

Hai là, nhân danh nghiên cứu lịch sử, biên soạn sách giáo khoa, hồi ký để “lật sử”. Với trách nhiệm của họ, thay vì họ phải thường xuyên xem xét lại lịch sử để phát hiện những chứng cứ, tư liệu lịch sử khách quan, nhằm bổ khuyết làm sáng tỏ các sự kiện, nhân vật lịch sử thì họ lại làm ngược lại, đẩy các sự kiện vào chỗ lập lờ. Một số nhà khoa học lịch sử khi được Nhà nước ta đặt hàng và giao trọng trách biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập), khi viết thời đoạn lịch sử (1954-1975) cố tình bỏ cụm từ “ngụy quyền Sài Gòn”, “ngụy quân Sài Gòn”… và thay thế bằng từ mà họ cho là “trung tính”, “có văn hóa”, tránh miệt thị để che dấu bản chất “bán nước, hại dân, cầu vinh” của lũ tay sai này với cái gọi là: “Quân đội Việt Nam cộng hòa”, “Chính quyền Sài Gòn”… Tráo trở hơn, có nhà khoa học lịch sử khi nghiên cứu vấn đề này, khi tra cứu qua CD-rom Hồ Chí Minh toàn tập, nhưng lại không đọc văn cảnh của từng lần nói đến cụm từ đó rồi quy kết: “Bác Hồ nói vậy”!

Sự thật là, Bác Hồ chỉ dẫn lại lời người khác hoặc là những câu phóng viên nước ngoài dành cho Bác, chứ tuyệt nhiên Bác không thừa nhận. Về cái gọi là “Chính quyền Sài Gòn”, trong Trả lời phỏng vấn của Philíp Đđơvile, phóng viên báo Thế giới (Pháp), đăng trên Báo Nhân Dân, số 4152, ngày 16/8/1965 khi được hỏi: Chủ tịch cho rằng việc giải quyết vấn đề Việt Nam trực tiếp tùy thuộc vào Chính phủ Hà Nội và Chính phủ Hoa Thịnh Đốn mà không cần phải triệu tập một hội nghị quốc tế hay là việc đó tùy thuộc chủ yếu vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và chính quyền Sài Gòn? Bác Hồ quả quyết trả lời: “Về câu hỏi này, lập trường bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trả lời rõ; và tuyệt đối không có vấn đề “chính quyền Sài Gòn”, một sản phẩm do đế quốc Mỹ nặn ra mà nhân dân chúng tôi phỉ nhổ và không một ai trên thế giới đếm xỉa đến. Tôi xin gửi ông lời chào lịch sự”. Sự phản biện sắc sảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quá rõ ràng và bác bỏ mọi luận điệu cáo buộc ác ý và vô căn cứ.

Với ý thức chính trị kém, khi biên soạn sách giáo khoa chẳng những họ cố tình đưa ra khỏi chương trình các danh nhân văn hóa, anh hùng, những sự kiện, nhân vật lịch sử lỗi lạc của dân tộc ta. Việc các cơ quan chức năng thu hồi các cuốn sách dị tật xuyên tạc lịch sử như: “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” , Nhà xuất bản Văn học xuất bản, Lê Mã Lương làm chủ biên và “Cõi nhớ” . Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, tác giả là Hồ Đăng Định, biên tập là Trần Đức Anh Sơn (10) (hai ấn phẩm độc hại này làm sai lệch vấn đề và bản chất lịch sử đã bị đình chỉ phát hành và thu hồi)…  đặc biệt nguy hiểm khi trong bộ sách Cánh diều vàng do nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên đã cố tình đưa kẻ theo giặc Trương Vĩnh Ký vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, tập 2, trang 37 để “tôn vinh”. Trương Vĩnh Ký là ai? Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ rõ.

“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản và Lê Mã Lương làm chủ biên đã cố tình làm sai lệch vấn đề và bản chất lịch sử đã bị đình chỉ phát hành và thu hồi.

Ba là, lợi dụng tọa đàm, hội thảo để “rửa tội” cho giặc, “tôn vinh” những kẻ “bán nước cầu vinh”. Từng là một đại biểu Quốc hội, nhà sử học, nhưng phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha: Quá khứ và hiện tại trong Kỷ niệm 160 năm kháng Pháp”, do UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 31/8/2018, Dương Trung Quốc phỏng đoán vô căn cứ khi cho rằng: “Liên quân Pháp – Tây Ban Nha mượn cớ triều đình nhà Nguyễn cấm đạo để nổ súng xâm lược Việt Nam với mục tiêu tìm đường vào Trung Quốc. Bằng chứng là khi không chiếm được Đà Nẵng ngay, Pháp đã đưa quân vào chiếm Gia Định và sau đó đánh ra Bắc để tiếp cận tỉnh Vân Nam, chứ không nhằm vào Huế” (4). Một sự xuyên tạc lịch sử nghiêm trọng, thực tế 80 năm đô hộ tàn độc của Pháp đã bác bỏ thẳng thừng luận điệu của ông ta.

Vẫn tư duy xuyên tạc lịch sử, gỡ tội cho những kẻ bán nước, tại tọa đàm về nhà báo Trương Vĩnh Ký do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngày 11/9/2020 tại Hà Nội, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Yêu nước thì ai cũng yêu nước, đừng ai đòi độc quyền yêu nước. Chỉ là chủ nghĩa yêu nước của mỗi người thể hiện khác nhau, thậm chí xung đột nhau về lợi ích” và còn ông tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam bức chân dung của Trương Vĩnh Ký (5)! Cũng tại tọa đàm này, nhà báo Trần Hữu Phúc thì “khen” “Cụ” hết lời: “Cụ lớn lên vào buổi giao thời nhưng là người tiên phong phát triển văn hóa hiện đại Việt Nam trên nền văn hóa cổ truyền, với hơn 100 tác phẩm đã in và 40 tập di cảo. Cụ phổ biến truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu – một tác giả chống Pháp, cụ viết những tác phẩm dạy chữ quốc ngữ nhưng thực ra là để truyền bá những câu chuyện lễ nghĩa của phương Đông, cụ đưa mục Sử An Nam lên Gia Định Báo, cụ viết sách lịch sử Việt Nam, viết lịch sử Sài Gòn trước khi người Pháp vào, đăng bài hịch chống Pháp của Nguyễn Tri Phương trên tạp chí Thông Loại Khóa Trình… Trương Vĩnh Ký yêu nước theo cách của cụ”.

Để bác bỏ luận điệu xuyên tạc này, tôi viện dẫn lời cố giáo sư Vũ Khiêu – người được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, ngày 10 tháng 9 năm 1996 đã viết: “Cuộc chiến đấu bền bỉ, quyết liệt và sâu rộng của nhân dân ta là sự tương phản nổi bật trước sự đớn hèn và nhu nhược của triều đình Huế. Tình hình này đã tác động mạnh mẽ vào tư tưởng và tình cảm của các tầng lớp trí thức và tạo ra ở tầng lớp này một sự phân hóa sâu sắc. Một bên là thiểu số những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc và những kẻ hèn đớn đã sợ hãi đi đến nhân nhượng và đầu hàng chúng. Còn một bên đa số là trí thức chân chính luôn gắn mình với cuộc chiến đấu của nhân dân và sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cứu nước. Giữa lúc Tổ quốc lâm nguy rất hiếm những người trí thức đi ở ẩn như trước kia hoặc nếu có thì chỉ là cá biệt chứ không thành một tầng lớp rõ rệt. Vả lại, trong hoàn cảnh này, một số phần tử trí thức nào đó dù còn phảng phất tư tưởng đi ở ẩn thì bão táp của cuộc sống thực tế cũng đã lôi cuốn họ dần vào dòng thác của cuộc chiến tranh Vệ quốc mà toàn dân ta đang tiến hành. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc này những người trí thức cam tâm theo giặc kiểu Tôn Thọ Tường, Phan Hiển Đạo, Trương Vĩnh Ký khó lòng tránh khỏi sự khinh bỉ và căm ghét của nhân dân”! (6). Vậy là công – tội, chính – tà của Trương Vĩnh Ký đã rõ.

Bốn là, trì hoãn việc coi môn lịch sử là môn học bắt buộc và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Không biết vô tình hay hữu ý, ngành giáo dục nhiều lần “nâng lên, đặt xuống” việc học, thi môn lịch sử khiến dư luận bất bình. Trước tình trạng học sinh, sinh viên không muốn học sử, phản ứng yếu ớt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ “tích hợp” vô nguyên tắc môn sử vào chung với các môn học khác, thậm chí là môn học tự chọn, buộc Quốc hội phải ra Nghị quyết số 63/2022/QH15 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này. Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Dư luận lại dậy sóng khi báo điện tử vietnamnet.vn đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến của giáo viên đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc hoặc lựa chọn trong phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 tại hội nghị tổng kết năm học ở Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các đại diện Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh thành với các phương án “khác thường”, nhiều thầy cô giáo dạy lịch sử, học sinh yêu lịch sử và dư luận đánh giá, đây là kiểu lấy ý kiến với dụng ý “triệt hạ” môn lịch sử:

Lựa chọn 1 gồm 6 môn, trong đó có Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.

Lựa chọn 2 gồm 5 môn, trong đó có Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, bao gồm cả môn Lịch sử (7).

Năm là, lợi dụng báo chí, truyền thông để xuyên tạc lịch sử. Đây là thủ đoạn không mới của những kẻ xét lại. Đảng ta từ rất sớm đã nhận ra thủ đoạn này, Nghị quyết Số 60-NQ/TW, ngày 08 tháng 12 năm 1958 của Bộ Chính trị Về công tác báo chí chỉ rõ: “Một số báo chí đã có những biểu hiện hữu khuynh, mất lập trường, tê liệt trước sự tiến công của kẻ địch; cá biệt còn có tờ báo phụ hoạ với những luận điệu của tư sản và những quan điểm của chủ nghĩa xét lại” (8). Hiện nay, thủ đoạn này tiếp tục được chúng sử dụng có hiệu quả và một số cơ quan báo báo chí, truyền thông và nhà xuất bản trở thành những kẻ “nối giáo cho giặc” thực hiện mưu đồ thâm hiểm. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hoá; quản lý mạng xã hội còn bất cập” (9). Độc giả dễ dàng nhận thấy, gần đây, các sự kiện, nhân vật lịch sử (bất thường), ban tổ chức đều mời các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin, vừa để khuyếch trương, vừa làm “phép thử” dư luận và trên thực tế chúng đạt được mục đích nhất định.

Với các sự kiện ở trên, nhờ sự “tiếp tay” của báo chí và truyền thông, hậu quả là, thây ma của những kẻ “bán nước, cầu vinh” không những được dựng lên, được xóa mọi tội lỗi, mà còn được đặt tên đường, tên trường, được dựng tượng, lập đền để “thờ” phụng như: Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Ánh – kẻ “cõng rắn, cắn gà nhà”… Thật là sự trêu ngươi của lịch sử và sự thật đau lòng này không thể chấp nhận được!

Tất cả những vấn đề nêu trên, chúng ta có thể nói rằng, ở nước ta đang có nguy cơ hình thành chủ nghĩa xét lại lịch sử từ những phần tử xét lại lịch sử, một nguy cơ hiện hữu nếu chúng ta không nhận diện rõ và phòng, chống hiệu quả thì hậu quả của nó là rất khó lường khi:

“Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử

Cào chiến công, xé cả xác anh hùng

Ôi! nỗi đau này là nỗi đau chung

Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát?” (Tố Hữu)

Lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức nào xét lại lịch sử, bánh xe lịch sử dân tộc sẽ tiến lên phía trước và “nghiền nát” chúng.

Lửa Việt

Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.763
(2) A.M. Ru-mi-an-xtép, “Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển”, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tr.418
(3) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 8, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1981, tr.476
(4) https://vnexpress.net/nhieu-quan-diem-moi-ve-cuoc-khang-phap-160-nam-truoc-3801605.html
(5) https://tuoitre.vn/truong-vinh-ky-yeu-nuoc-theo-cach-cua-minh-20200912110837562.htm
(6) Vũ Khiêu “Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử”, Nxb TP. Hồ Chí Minh, năm 1987, tr.239.
(7) https://vietnamnet.vn/lay-y-kien-thi-tot-nghiep-2025-giao-vien-tiep-tuc-lo-mon-lich-su-bi-buc-tu-2183526.html
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.601
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.85.
(10) “Cõi Nhớ”- Một ấn phẩm có âm mưu diễn biến hòa bình. Tap chí Đông Nam Á.