NÂNG CAO “SỨC ĐỀ KHÁNG” KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

Hiên nay, các tin giả trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Những thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội mà nó còn gây nên những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật t.

Sự ra đời, phát triển của mạng xã hội với những tính năng vượt trội về giao diện, kết nối, truy cập, khả năng tương tác,… đã mang lại những cơ hội trải nghiệm mới cho người dùng trong việc tìm kiếm thông tin, nâng cao tri thức, giải trí, trò chuyện, giao dịch, kinh doanh,... Trong bối cảnh khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, mạng xã hội còn là người bạn đồng hành, kịp thời chia sẻ thông tin, mang đến những “món ăn” tinh thần đa dạng, bổ ích, tiếp thêm động lực, sức mạnh, niềm tin để con người vượt qua thử thách, khó khăn.

Thông qua mạng xã hội, các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải đáp thắc mắc, điều chỉnh chính sách và có những hỗ trợ kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn. Qua đây, người dân có thể trực tiếp bày tỏ chủ kiến, quan điểm, nêu lên những nguyện vọng chính đáng cũng như phản ánh những vấn đề bức xúc tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Những hiệu ứng mà mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, con người là không thể phủ nhận, cho thấy đây cần được xem là kênh thông tin quan trọng để kết nối chính quyền với nhân dân.

Tuy nhiên với quy luật vận động thì sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội cũng sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Sự gia tăng của những tin độc, tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội đã ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội; xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức mà còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện bài viết có tiêu đề "Xót xa trước hộp cơm của các em học sinh vùng cao tại huyện Nam Giang" lan truyền trên mạng xã hội hôm 10/9/2022, hình ảnh hộp cơm của học sinh chỉ với cơm trắng và thức ăn từ động vật được nhiều ý kiến cho rằng đó là … thịt chuột khiến nhiều người dùng mạng xã hội thể hiện sư thương xót. Bài viết này đã dẫn lại hình ảnh từ trang cá nhân của một nữ giáo viên, cho rằng đó là một bữa cơm không đủ dinh dưỡng, khi bài viết được đăng tải đã tạo nên các luồng dư luận khác nhau trên mạng xã hội, đặc biệt là khi dư âm của ngày khai trường vẫn còn hiện hữu. Đi liền với sự chia sẻ về những khó khăn của học sinh vùng cao thì không ít những đối tượng đã lợi dụng hình ảnh trên để chỉ trích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và công kích cơ quan chức năng, xuyên tạc chính sách an sinh, phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cho rằng Nhà nước không quan tâm đến người dân vùng núi, “bỏ lơ” đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kích động, chia rẻ đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, khi sự thật của bức ảnh trên được hé lộ thì lại khiến nhiều người vỡ lẽ khi Chủ tịch huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, ông A Viết Sơn cũng cho biết "lâu nay, món thịt chuột là món ăn phổ biến của đồng bào vùng cao trong các dịp lễ, tết". Ngành giáo dục Nam Giang khẳng định: Tất cả học sinh thuộc diện bán trú trên địa bàn huyện hiện đều được hỗ trợ tiền ăn trưa. Mỗi bữa ăn có đầy đủ rau, cá, thịt, "chứ không phải như bài viết trên mạng xã hội", các điểm trường đều bố trí nhân viên nấu nướng, chỉ một số điểm lẻ với vài học sinh ở xa thì phụ huynh mang cơm đến, hàng tháng nhà nước cấp tiền. Rõ ràng một góc ảnh không thể miêu tả hết toàn bộ bức tranh đẹp!

Có thể đã sử dụng mạng xã hội từ rất lâu nhưng nhiều người chưa ý thức được về hậu quả của sự lan truyền nhanh chóng những thông tin sai sự thật đăng tải trên mạng xã hội gây ra là rất lớn. Trong một số trường hợp, người bị hại rơi vào trầm cảm, xấu hổ, công việc, học tập bị ảnh hưởng chỉ vì những tin đồn thất thiệt, thậm chí tự tử vì không chịu được áp lực từ dư luận. Việc đưa các thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gây ra hoang mang, dao động dẫn đến làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà hệ lụy của những tin giả còn ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị phá hoại, văn hóa dân tộc bị mất bản sắc, an toàn xã hội bị đe dọa sẽ tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội, có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin.

Vì vậy, khi bước vào mạng xã hội với mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội, nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc, sai trái, thông tin chưa kiểm chứng!

Bình Nguyên – Minh Hiền