MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NHỮNG CUỘC THI NHAN SẮC

Sau hơn 10 ngày đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Miss World Việt Nam) 2023, Huỳnh Trần Ý Nhi là cái tên “hot” nhất trên mạng xã hội những ngày gần đây. Điều đáng nói là “hot” không phải về nhan sắc của một tân hoa hậu mà lại nóng về những phát ngôn bị đánh giá là “thiếu chuẩn mực”.

Dư luận có quá khắt khe?

Ít nhất hai lần Hoa hậu Ý Nhi “vạ miệng”, khi chạm đúng “lòng tự ái” của giới trẻ. Lần đầu tiên, trong một lần chia sẻ với báo giới sau đăng quang, tân hoa hậu nói đại ý rằng, cô khác với bạn bè đồng trang lứa ở chỗ, khi mọi người còn mải mê đi chơi, uống trà sữa thì cô đã đi thi hoa hậu và giành giải thưởng cao, nên thành công hơn người khác. Ngay lập tức, cái tên “Ý Nhi” được réo trên khắp các diễn đàn mạng. Ý Nhi phải đăng đàn xin lỗi khán giả nhưng một hội “anti” Ý Nhi (những người không thích) đã được lập ra và nhanh chóng đạt đến số lượng vài trăm ngàn tài khoản.

mot goc nhin ve cuoc thi sac dep 1.jpg -1
Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi (giữa) đang là tâm điểm của truyền thông những ngày gần đây vì liên tiếp có những phát ngôn bị đánh giá là “thiếu chuẩn mực”.

Sóng gió chưa qua, trong một clip lan truyền trên mạng, khi được đề nghị nêu tên những người nổi tiếng quê Bình Định (quê hương của Ý Nhi), cô vô tư kể: “Em, Nhà thơ Hàn Mặc Tử, Vua Quang Trung”. Một lần nữa, khán giả lại lên tiếng cho rằng, hoa hậu thiếu hiểu biết, ngạo mạn khi đặt mình lên trên cả những danh nhân của dân tộc. Thậm chí, rất nhiều người đề nghị đơn vị tổ chức cuộc thi tước danh hiệu hoa hậu của Ý Nhi với lý do là cô “không xứng đáng”. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc Việt, một hoa hậu vừa mới đăng quang ít ngày lại bị dư luận phản ứng dữ dội đến như vậy. Xung quanh câu chuyện của Ý Nhi, có rất nhiều chuyện để bàn luận.

Trước tiên, phải khẳng định rằng, Huỳnh Trần Ý Nhi là thí sinh nổi bật về sắc vóc, thần thái, ứng xử… trong dàn thí sinh tham dự Miss World Việt Nam 2023 và việc cô đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi là hoàn toàn xứng đáng. 21 tuổi, là sinh viên Đại học, Ý Nhi không quá trẻ nhưng cũng chưa phải là người có nhiều kinh nghiệm sống. Áp lực khi là người của công chúng rất lớn, mọi hành động, lời nói của họ đều bị “đặt lên bàn cân”, phân tích, mổ xẻ đến từng chi tiết.

Tôi cho rằng, dư luận đã quá nhạy cảm, quá khắt khe với Hoa hậu Ý Nhi. Sự xuất hiện của những hội nhóm không thích người đẹp, những lời bình luận khiếm nhã đã đẩy câu chuyện đi quá xa. Đành rằng, Hoa hậu phải là sự hội tụ của cái đẹp về sắc vóc, trí tuệ, tâm hồn nhưng với những người trẻ, họ cũng cần có thời gian để hoàn thiện bản thân. Ai cũng có thể mắc sai lầm và hoa hậu cũng vậy, hãy cho họ cơ hội để sửa chữa những sai lầm đó.

Một số người đổ lỗi cho đơn vị tổ chức sự kiện với quan điểm, đã chọn sai hoa hậu. Nếu theo dõi cuộc thi từ những vòng đầu thì có thể thấy, quyết định của Ban Giám khảo là rất có cơ sở. Tuy nhiên, ứng xử của thí sinh trên sân khấu cũng như trong quá trình tham gia cuộc thi và ứng xử với báo giới không hoàn toàn giống nhau.

Hiện nay, sau các cuộc thi nhan sắc, thí sinh trong Top 3 hoặc Top 5 thường tham gia chương trình được gọi là “Media Tour”, gặp gỡ hàng loạt các cơ quan báo chí. Để đảm bảo “tính thực tế”, tạo sự hấp dẫn của chương trình, trong quá trình giao lưu sẽ có nhiều câu hỏi bất ngờ, trò chơi dành cho các người đẹp. Chính từ đây, những người đẹp mới “vạ miệng”. Rõ ràng, nếu cơ quan báo chí, đơn vị quản lý các người đẹp có sự trao đổi, kiểm soát thông tin, định hướng dư luận tốt hơn thì chắc chắn sẽ không có ồn ào như những gì đã xảy ra.

Cần có những góc nhìn mới về các cuộc thi nhan sắc

Truyền thông đang phản ứng khá mạnh mẽ về hiện tượng “trăm hoa đua nở” các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam và đề nghị phải “dẹp loạn thi nhan sắc” . Trong một năm, các cuộc thi nhan sắc nhiều đến mức, khán giả rất khó để nhớ tên các cuộc thi và tên các người đẹp đăng quang. Tổ chức các cuộc thi sắc đẹp nhiều chưa chắc đã tốt nhưng có ít cuộc thi nhan sắc cũng chưa hẳn đã là chuyện hay. Phải thừa nhận rằng, các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam ngày càng được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và tiệm cận với các cuộc thi nhan sắc trên thế giới.

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ biết đến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (do Báo Tiền Phong tổ chức 2 năm/lần) và Top 3 của cuộc thi sẽ lần lượt được cử đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới (chủ yếu là Hoa hậu Thế giới - Miss World, Hoa Hậu Hoàn vũ – Miss Universe, Hoa hậu Quốc tế - Miss International, Hoa hậu Siêu quốc gia – Miss Supranational), thì hiện nay, chúng ta gần như có các cuộc thi riêng để cử người dự thi quốc tế phù hợp.

mot goc nhin ve cac cuoc thi nhan sac 2.jpg -0
Trong ảnh: Nguyễn Thúc Thùy Tiên (giữa) đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021.

Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức các sân chơi sắc đẹp ở Việt Nam. Đó không chỉ là vấn đề bản quyền (mỗi cuộc thi được mua bản quyền riêng của cuộc thi quốc tế) mà còn giúp chúng ta lựa chọn được thí sinh đảm bảo phù hợp với tiêu chí cuộc thi quốc tế. Mỗi cuộc thi quốc tế có format riêng và tiêu chí, sứ mệnh khác nhau nên việc hiểu rõ về cuộc thi, lựa chọn thí sinh phù hợp là rất cần thiết.

Nhan sắc Việt thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp quốc tế những năm gần đây. Đại diện Việt Nam (cả nam và nữ) tại các cuộc thi nhan sắc lớn luôn lọt top thành tích cao, thậm chí giành được ngôi vị cao nhất. Các thí sinh trước khi đi thi được chuẩn bị chu đáo, đào tạo kỹ lưỡng, kỹ năng ứng xử, giao tiếp tiếng Anh, gây ấn tượng với truyền thông được cải thiện rõ nét. Không ít Ban Tổ chức các cuộc thi nhan sắc quốc tế lựa chọn Việt Nam là nơi đăng cai tổ chức (Năm 2023, Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế - Miss Grand International và Hoa hậu Trái Đất – Miss Earth sẽ được tổ chức tại Việt Nam). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bắt đầu có những cuộc thi “Made in Việt Nam” thu hút thí sinh quốc tế tham gia.

Tại Việt Nam, các sân chơi nhan sắc bắt đầu phát triển như một quy luật tất yếu. Trong sự phát triển đó, ban đầu sẽ là sự phát triển ồ ạt về số lượng, sự cạnh tranh gay gắt giữa các cuộc thi, dẫn đến sự đào thải tự nhiên, “cái gì hợp lý thì tồn tại” và ngược lại. Chính vì vậy, không cần phải quá lo lắng về số lượng các cuộc thi nhan sắc bởi chính sự cạnh tranh sẽ là động lực để phát triển, hướng tới những sân chơi uy tín, chất lượng và chuyên nghiệp.

Câu hỏi cuối cùng, vậy thi nhan sắc để làm gì? Tất nhiên, câu trả lời phổ biến là để tìm ra gương mặt tài, sắc, qua đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Các thí sinh đại diện Việt Nam “chinh chiến” tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế sẽ là “sứ giả văn hóa” để quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần phải nhìn nhận khách quan rằng, các cuộc thi sắc đẹp đang dần trở thành một lĩnh vực giải trí kinh doanh đầy tiềm năng. Với các doanh nghiệp, họ có thể thu được khoản doanh thu rất lớn thông qua việc tổ chức sự kiện. Với các thí sinh, có mặt trong Top 5, Top 10 sẽ giúp họ tự tin bước chân vào showbiz và có thể kiếm tiền từ chính nhan sắc, tài năng của mình thông qua việc tham dự sự kiện, đóng quảng cáo, trình diễn thời trang…

Như trên đã phân tích, mỗi cuộc thi nhan sắc có cách thức tổ chức và tiêu chí tìm chọn thí sinh khác nhau nên rất khó để định ra một hình mẫu chung cho người chiến thắng ở tất cả các cuộc thi. Và như vậy, hoa hậu của các cuộc thi không hẳn là hình mẫu lý tưởng cho tất cả phụ nữ Việt Nam. Chính vì vậy, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cuộc thi sắc đẹp cũng như không nên đặt lên vai các người đẹp quá nhiều trọng trách, sứ mệnh lớn lao. Một góc nhìn khác cũng sẽ cho chúng ta những cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn về các cuộc thi nhan sắc.

Tường Phạm