MỞ RA GIAI ĐOẠN HỢP TÁC MỚI TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ

Đây là chuyến thăm lần thứ 6 của 5 đời Tổng thống Mỹ khi còn đương nhiệm đến thăm chính thức Việt Nam kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều khác biệt hơn cả là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ nhận lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản, không phải là nguyên thủ nhà nước trong quan hệ ngoại giao thông thường.

Theo thông lệ quốc tế thì lãnh đạo đồng cấp phát đi lời mời đối với người đồng cấp của nước được mời, nhưng ở đây Mỹ đã chấp nhận lời mời của lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản và đương nhiên được xem như là nguyên thủ quốc gia. Sự chấp thuận đó thể hiện chấp nhận khác biệt về thể chế chính trị trong quan hệ ngoại giao. Đó là điều hiếm thấy khi các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau và rất ít diễn ra trong quan hệ quốc tế, nhất là với 1 nước lớn như Mỹ. Những nước có cùng thể chế chính trị như Việt Nam là Cu Ba, Triều Tiên, Trung Quốc … Mỹ đều có những chính sách thù địch, cấm vận, kìm hãm.

Đất nước Cu Ba bị Mỹ cấm vận hơn 60 năm, mặc dù Liên Hiệp quốc ra Nghị quyết chuyên đề xóa bỏ cấm vận nhưng chưa được Mỹ chấp thuận. Triều Tiên đang là một sức cản lớn trong chính sách về vũ khí hạt nhân của Mỹ và cấm vận chưa biết khi nào mới có được thực hiện. Trung Quốc đang trong thời điểm kìm hãm của Mỹ với hàng loạt phương thức trong tranh chấp sản xuất hàng hóa, kìm hãm phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy Việt Nam đang là một điểm sáng về chính trị, kinh tế, ngoại giao mà nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ, trong đó có chính phủ Mỹ. Thêm cột mốc lịch sử nữa đó là ký Tuyên bố chung với nhiều mặt hợp tác chiến lược, toàn diện mà 2 nước dành cho nhau kể từ sau thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó cho thấy những đống góp tích cực, có trách nhiệm, chính sách ngoại giao bình đẳng cùng có lợi đang làm cho Việt Nam ngày càng có uy tín trong cộng đồng quốc tế hiện nay.

Đặc biệt nhất là Mỹ và Việt Nam thỏa thuận nâng quan hệ 2 nước lên đối tác chiến lược, toàn diện. Đối tác hợp tác chiến lược, toàn diện là thỏa thuận xác định gắn bó hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm. Đồng thời đó còn là xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược, dài hạn, không còn là những thỏa thuận thông thường, hợp tác ngắn hạn. Đến nay đã có 5 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung QuốcNgaẤn ĐộHàn Quốc và đến nay là Mỹ. Trong quan hệ ngoại giao bao gồm đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện. Tính tới nay Việt Nam có: 5 đối tác Chiến lược - Toàn diện; 18 đối tác chiến lược (bao gồm cả 5 đối tác chiến lược, toàn diện) và 12 đối tác toàn diện. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với đầy đủ toàn bộ các nước thành viên. Trong đó có 5 nước là đối tác chiến lược, 2 nước là đối tác toàn diện. Riêng đối với 2 nước Campuchia và Lào, chúng ta xác định là quan hệ đặc biệt vì có những đặc điểm riêng mang tính sống còn trong quan hệ.   

Mối quan hệ được coi là chiến lược, toàn diện đối với Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninhthịnh vượng và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong đó khía cạnh an ninh và thịnh vượng là cốt yếu, Mỹ sẽ phải chấp nhận tôn trọng chủ quyền quốc gia, hướng tới cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế bền vững, thực chất với Việt Nam. Cũng có nghĩa là Mỹ sẽ không gây tổn hại về an ninh và kiểm soát thiếu bình đẳng trong hợp tác với kinh tế Việt Nam. Tiến tới sẽ công nhận kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam trong hợp tác với các nước và các tổ chức thương mại quốc tế mà Mỹ và Việt Nam tham gia ký kết. Những hạn chế trong xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ sẽ được xem xét bình đẳng trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, không được gây khó dễ nếu không phải là quy định luật pháp của mỗi nước.

Đây cũng là trường hợp đặc biệt giữa Việt Nam và Mỹ được nâng thẳng từ quan hệ từ đối tác toàn diện (năm 2013) lên mức cao nhất là đối tác chiến lược, toàn diện, bỏ qua mức đối tác chiến lược. Từ quan hệ toàn diện lên chiến lược, toàn diện là cấp độ thể hiện sự hiểu biết, bình đẳng và tôn trọng nhau trong quan hệ. Khi đã chấp nhận quan hệ chiến lược, toàn diện cũng có nghĩa là chấp nhận bình đẳng, tôn trọng nhau ở mức cao nhất, xác định gắn bó lâu dài, sâu rộng, hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm. Đây đồng thời thể hiện và cam kết thực hiện theo thông lệ quốc tế, được công đồng quốc tế thừa nhận. Như vậy để thấy rằng không phải chỉ Việt Nam mà chính phủ Mỹ cũng mong muốn sớm thúc đẩy nâng tầm quan hệ, có lợi cho cả 2 nước về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế và những vấn đề địa chính trị mà 2 bên cùng quan tâm.

Trong gần 30 năm sau bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là bước tiến mới chuyển đổi về chất sâu sắc nhất trong quan hệ giữa 2 nước. Chúng ta “ khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì hòa bình, phát triển của đất nước. Với phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy” của các nước trên thế giới và hy vọng tương lai tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, vì lợi ích của mỗi nước, chúng ta chấp nhận còn có sự khác biệt về thể chế chính trị, quan điểm pháp luật và các vấn đề những về nhân quyền, tôn giáo, chống khủng bố... Giai đoạn tiếp theo sẽ là những ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong tương lai không xa, trên nhiều lĩnh vực thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 11/9/2023. Những vấn đề về tư pháp, dẫn độ, chống tham nhũng, xử lý đối tượng khủng bố người Việt trên đất Mỹ...sẽ có những tiến triển thuận lợi hơn. Cộng đồng người Việt ở Mỹ phải nhìn vào thực tế quan hệ giữa 2 chính phủ để trở thành những người có đóng góp tích cực cho phát triển quan hệ giữa 2 nước. Không thể có những hành động đi ngược lại những nội dung mà 2 nước đã thống nhất trong Tuyên bố chung. Và chắc chắn những kẻ còn nuôi tư tưởng hận thù cần phải thận trọng hơn khi có những hành động chống phá nhà nước Việt Nam trên đất Mỹ nếu không muốn bị xử lý theo pháp luật của cả 2 nước.

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA